Đã xác định được “sinh vật lạ” ở Quảng Bình

Google News

(Kiến Thức) - Các nhà khoa học sau khi nghiên cứu về "sinh vật lạ" xác định, đây là một loại sinh vật thuộc ngành giun dẹp, lần đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam.

Giống như nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Châu, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương, kết luận mới nhất của nhóm các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật sau khi nghiên cứu mẫu loại "sinh vật lạ" ở xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho thấy, "sinh vật lạ" là loại sinh vật thuộc ngành giun dẹp, lần đầu tiên phát hiện tại Việt Nam. 

Khi biết danh tính "sinh vật lạ" chỉ là loài giun, không gây hại, người dân xã Vạn Trạch đã có thể thở phào nhẹ nhõm và yên tâm sản xuất.

"Sinh vật lạ" thực ra chỉ là một loại giun vô hại

Sau khi vào hiện trường nơi phát hiện loài "sinh vật lạ", nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đã lấy mẫu về nghiên cứu để xác định danh tính. Thông tin mới nhất về danh tính loài "sinh vật lạ" đã được công bố. Không phải là một loại sinh vật gây nguy hiểm như người dân nơi đây vẫn lo lắng, "sinh vật lạ" tại Quảng Bình chỉ là một loại sinh vật thuộc ngành giun dẹp. 
 Loài sinh vật lạ chỉ là loài giun thuộc ngành giun dẹp
 Loài này có khả năng sinh sản vô tính nên không chết tự nhiên


Trao đổi với PV Kiến Thức, TS Phạm Đình Sắc, Trưởng phòng Sinh thái môi trường đất (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) cho biết: "Loài "sinh vật lạ" mà người dân nơi đây lo lắng trong suốt thời gian qua, chỉ là một loài thuộc ngành giun dẹp. Theo khoa học, loài “sinh vật lạ” này thuộc ngành giun dẹp (Platyhelminthes), lớp sán lông (Turbellaria). Hiện tại, đây là loài mới được phát hiện tại Việt Nam, bởi loài này vẫn chưa được nghiên cứu.

"Loài này có tập tính sống trong đất, sống tự do, có khả năng sinh sản cao. Chiều dài cơ thể từ 4 đến 30 cm nên mắt thường có thể dễ nhận biết. Giữa mặt bụng của chúng là lỗ miệng. Cơ thể loài này đối xứng hai bên, phân hoá thành đầu, đuôi, lưng, bụng thích hợp với lối sống bơi hay bò định hướng", TS Phạm Đình Sắc cho biết. 

Những loại giun ký sinh thường gây hại, tuy nhiên, đây là loại thuộc lớp Sán lông, ngành giun dẹp, sống ở dưới đất nên không có khả năng gây hại cho con người. Nếu muốn tiêu diệt loại sinh vật này, chỉ cần dùng nước vôi pha loãng, hoặc hóa chất đổ vào nơi các sinh vật này sinh sống”, TS Phạm Đình Sắc khẳng định.

Theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào về loại giun này. Tuy nhiên, trên thế giới, các nhà khoa học đã nghiên cứu loại sinh vật này từ khá lâu. Một công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Proceedings of the National Academy of Sciences cho biết, loài giun dẹp có thể duy trì liên tục độ dài của telomer bao gồm các ADN. Một trong những giả thuyết phổ biến nhất về sự lão hóa của các sinh vật nói rằng nguyên nhân của hiện tượng này là vì phần cuối của nhiễm sắc thể tế bào – gọi là telomer – cứ bị ngắn dần lại, tới khi nào chúng biến mất hoàn toàn thì tế bào sẽ chết. Chính telomer xác định số lượng các phân chia tế bào trong cuộc đời, chịu trách nhiệm về sự bảo quản bộ gen và bảo vệ nhiễm sắc thể khỏi tác động của các yếu tố tiêu cực.

Những công trình nghiên cứu mang đến cho các tác giả giải Nobel Y học năm 2009 đã chứng minh rằng, hoạt tính của telomer phụ thuộc vào men telomeraz. Trong đa số các sinh vật sinh sản bằng phương pháp hữu tính, men này tách ra ở giai đoạn phát triển đầu tiên. Lượng men này trong cơ thể những con giun dẹp sinh sản vô tính tăng lên rất rõ rệt trong giai đoạn tái sinh. 

Những công trình nghiên cứu khoa học về loại giun này trên thế giới đã minh chứng cho việc vì sao băm con sinh vật này thành trăm nhát, chúng vẫn có khả năng tái sinh. Đặc biệt loài sinh vật này không bao giờ chết tự nhiên bởi sự sinh sản vô tính của nó.

Người dân hết hoang mang, yên tâm sản xuất

Ngay sau khi có kết luận ban đầu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật về "sinh vật lạ", các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình và UBND huyện Bố Trạch đã thông báo cho người dân xã Vạn Trạch. Suốt gần một tuần sống trong tâm lý sợ hãi, lo lắng, người dân thôn Mới (xã Vạn Trạch) nay đã có thể thở phào nhẹ nhõm và yên tâm sản xuất.

"Khi phát hiện "sinh vật lạ" với số lượng lớn, đặc biệt, tìm mọi cách tiêu diệt chúng như phun thuốc trừ sâu loại nặng, rắc vôi bột, băm ra từng mảnh nhỏ vẫn không chết, chúng tôi đã rất lo lắng. Chúng tôi lo rằng loại "sinh vật lạ" này sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của người thân trong gia đình, và gây ảnh hưởng đến rau màu. Nhưng nay biết chúng chỉ là loại giun vô hại, chúng tôi đã vui mừng yên tâm sinh sống và sản xuất, anh Nguyễn Văn Thoan, người dân xã Vạn Trạch cho biết.

"Không chỉ hoang mang về sự xuất hiện của "sinh vật lạ", những tin đồn về loài vật này liên quan tới "ngày tận thế" càng khiến chúng tôi thêm lo lắng. Nhưng nay, chúng tôi thấy "ngày tận thế" cũng như những ngày bình thường khác, "sinh vật lạ" chỉ là một loại giun nên chúng tôi mới hết lo sợ", ông Nguyễn Văn Quang (73 tuổi), người dân thôn Mới vui vẻ cho biết.

Trên thế giới, ngành giun dẹp có đến hơn 20.000 loài, khoảng 16% số loài sống tự do ở biển, nước ngọt và đất ẩm, còn 84% số loài sống ký sinh trong cơ thể động vật. Giun dẹp được chia làm 4 lớp, có 1 lớp sống tự do còn lại 3 lớp sống ký sinh. 

Giun dẹp có những đặc điểm chung như cơ thể có 3 lớp tế bào được hình thành từ 3 lá phôi. Cơ thể có đối xứng hai bên, phân hoá thành đầu - đuôi, mặt lưng - mặt bụng. Mặt phẳng đối xứng tương đồng ở động vật giun dẹp là mặt phẳng chứa trục miệng - đối miệng ở ấu trùng và mặt phẳng chứa trục cơ thể vuông góc với mặt phẳng lưng và mặt phẳng bụng của con trưởng thành. Đây là loài lưỡng tính, cơ quan sinh dục hoàn thiện với tuyến sinh dục phát triển, ống sinh dục và các cơ quan sinh dục phụ, thụ tinh trong, phát triển trực tiếp thành ấu trùng có lông bơi và phát triển phù hợp với chu kỳ sống của vật chủ... 

Riêng lớp Sán lông sống tự do còn các lớp khác sống ký sinh. Loài "sinh vật lạ" phát hiện tại Quảng Bình là loài thuộc lớp Sán lông, có tập tính sống tự do và không gây hại.




Lê Hải

Bình luận(0)