Trung Quốc đánh lạc hướng dư luận khỏi Biển Đông

Google News

(Kiến Thức) - Những lời lẽ “đao to búa lớn” chống Nhật của Trung Quốc chỉ nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi  hành vi “ỷ mạnh hiếp yếu” của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Trong một bài viết đăng trên trang mạng The Diplomat số ra ngày 29/7, nhà phân tích David Volodzko cho rằng với việc đổ lỗi cho Nhật Bản “làm đảo lộn hòa bình và ổn định khu vực”, Trung Quốc mưu toan  đánh lạc hướng dư luận khỏi Biển Đông.
Trung Quoc muu toan danh lac huong du luan khoi Bien Dong
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đòi Nhật Bản  "tránh làm đảo lộn hòa bình và ổn định khu vực”. 
Tuần trước, nhận xét về việc Hạ viện Nhật Bản thông qua Luật Hòa bình và An ninh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đòi Tokyo phải "rút ra bài học từ lịch sử  (...), tôn trọng những quan tâm an ninh của các nước Châu Á láng giềng  và tránh làm đảo lộn hòa bình và ổn định khu vực”.
Cáo buộc “làm đảo lộn hòa bình và an ninh khu vực” đã được các phương tiện truyền thông quốc tế như  The Japan Times, The New York Times, France24, The Telegraph... đặc biệt quan tâm vì nó phản ánh chính xác hành động của Trung Quốc ở Biển Đông.
Báo The Washington Post số ra ngày 22/7 viết: "Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc đã làm rùm beng những luận điệu chống Nhật (...) để tập trung sự chú ý vào một mối đe dọa nước ngoài hơn là những nỗ lực thâu tóm quyền lực của (Chủ tịch) Tập Cận Bình”.  Báo The Washington Post nhận định chiến dịch tuyên truyền chống Nhật hiện nay rất giống chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc sau sự kiện Thiên An Môn.
Về vấn đề tôn trọng an ninh của các nước láng giềng, những hành động “ỷ mạnh hiếp yếu" "cưỡng ép” ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông chính là một yếu tố đầu tiên buộc Nhật Bản thông qua Luật Hòa bình và An ninh. Trong một cuộc họp báo ngày 29/5 , Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani nói tranh chấp Biển Đông và "hòa bình và an ninh" khu vực được "kết nối trực tiếp với các mối quan tâm của toàn thể cộng đồng quốc tế”.
Phát biểu trước một ủy ban đặc biệt Hạ viện Nhật Bản về Dự luật Hòa bình và An ninh, Thủ tướng Shinzo Abe viện dẫn tình hình Biển Đông là một ví dụ cho thấy sự cần thiết phải có đạo luật này.
Trong khi đó, các bên tranh chấp Biển Đông khác như Brunei, Malaysia, Philippines, Việt Nam và vùng lãnh thổ Đài Loan đã lên tiếng ủng hộ việc giải quyết tranh chấp theo quy định của luật pháp  quốc tế. Trong tuyên bố gửi lên Liên Hợp Quốc năm 2009, Trung Quốc đã tập trung vào yêu sách chủ quyền dựa trên cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” vô cùng phi lý và do người Trung Quốc tự vẽ. Thế nhưng, yêu sách phi lý này đã bị các nước bác bỏ.
Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), mà Trung Quốc là một bên ký kết, tuyên bố lãnh hải phụ thuộc vào đường cơ sở, điều mà  Trung Quốc không hề có trong khu vực. Trung Quốc phản ứng bằng cách nói trọng tài quốc tế không  có thẩm quyền và sau đó bắt đầu biến các rạn san hô, bãi đá ngầm thành “đảo nhân tạo”,  như thể Bắc Kinh tin rằng các “đảo nhân tạo”  có thể  tạo những đường cơ sở (theo UNCLOS,  đảo nhân tạo không được sử dụng để làm đường cơ sở).
Bằng cách hành động như trên, Trung Quốc đã chà đạp lên những mối quan tâm an ninh của các nước láng giềng Châu Á. Không những thế, Trung Quốc lại chỉ trích Nhật Bản thông qua dự luật sẽ cung cấp cho nước này những quyền tương tự mà  Trung Quốc đã tận hưởng.
Trong khi các bộ trưởng Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết của  "hòa bình và ổn định", Trung Quốc đã tiến hành  xâm lược Biển Đông và bỏ qua các luật lệ quốc tế mà nước này đã ký kết và  sau đó cáo buộc Nhật Bản phá hoại "hòa bình và ổn định” khu vực.
Hy vọng rằng, công chúng Trung Quốc sẽ không bị lừa trước những  lời lẽ chống Nhật của bộ máy tuyên truyền ở Bắc Kinh.
Tương lai thuộc về khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc có thể trở thành cường quốc ở  khu vực này. Nhưng để trở thành cường quốc có trách nhiệm, trước hết, Trung Quốc phải chứng tỏ rằng nước này có thể duy trì hòa bình, chứ không “ỷ mạnh hiếp yếu” như ở Biển Đông.
Minh Châu (Theo The Diplomat)

Bình luận(0)