Trong một cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Verkhoturov cũng giải thích lý do vì sao việc triển khai các hệ thống THAAD ở Hàn Quốc sẽ khó ngăn chặn các cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên.
|
Tên lửa đạn đạo tầm xa KN-8 trong lễ duyệt binh ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh The Times |
Ngày 8/1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter nhấn mạnh rằng năng lực vũ khí hạt nhân của Triều Tiên đặt ra một "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với Mỹ. Trong chương trình "Gặp gỡ báo chí” của đài NBC, ông Carter nói: "Vũ khí hạt nhân và các chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo của họ (CHDCND Triều Tiên) là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chúng ta".
Bộ trưởng Quốc phòng Carter nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ bắn hạ tên lửa của Triều Tiên nếu nó được dự đoán sẽ tác động đến Mỹ hoặc một trong những nước đồng minh hay đối tác của Mỹ. Ông Carter nói thêm: "Chúng tôi sẽ chỉ bắn hạ, nếu chúng (tên lửa của Triều Tiên) đang đe dọa. Đó là nếu chúng bay về phía lãnh thổ của chúng tôi hoặc lãnh thổ của các nước bạn bè và đồng minh của chúng tôi".
Bộ trưởng Quốc phòng Carter cho biết các hệ thống phòng thủ tên lửa mà Washington đã triển khai tại Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam sẽ giải quyết vấn đề này.
Phát biểu với đài Sputnik, nhà phân tích chính trị Dmitry Verkhoturov Verkhoturov cho rằng Bình Nhưỡng đã sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ. Hơn nữa, theo ông Verkhoturov, Hệ thống tên lửa phòng thủ chiến trường tầm cao (THAAD) của Hàn Quốc khó có thể đánh chặn ICBM của Triều Tiên do quỹ đạo ICBM này sẽ nằm trên Bắc Băng Dương - vượt ra ngoài tầm với của các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
Ông Verkhoturov viện dẫn tuyên bố của Thae Yong-ho, một quan chức cấp cao của Triều Tiên đào ngũ, nói với hãng tin Yonhap: "CHDCND Triều Tiên đã đề ra mục tiêu thu nhỏ vũ khí hạt nhân có thể lắp vào một tên lửa có khả bắn tới lãnh thổ Mỹ vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018”.
Theo nhà phân tích Verkhoturov, tuyên bố của phó đại sứ đào tẩu Thae Yong-ho đã khẳng định mức độ nghiêm trọng về những ý định của Bình Nhưỡng. Ông Verkhoturov nói thêm: "Một vài năm trước đây tuyên bố này sẽ bị coi là khoác lác, do thực tế Bắc Triều Tiên không có khả năng thực hiện điều đó. Tuy nhiên, sau một loạt các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bắc Triều Tiên, ngay cả các chuyên gia hoài nghi nhất cũng im thin thít. CHDCND Triều Tiên đang nhanh chóng tăng cường năng lực công nghệ của nước này”.
Nhà phân tích Nga trích dẫn lời nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố nhân dịp năm mới rằng CHDCND Triều Tiên sắp hoàn tất chương trình phát triển tên lửa hạt nhân tầm xa.
Ông Verkhoturov nhận định: "Trong năm 2013, CHDCND Triều Tiên đã có một nguyên mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa, được thử nghiệm trước mắt toàn thế giới. Chúng tôi đang nói về tên lửa Unha-3 (Ngân Hà-3) đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của Triều Tiên (Kwangmyongsong-3) vào ngày 12/12/2012”.
|
Tên lửa Unha-3 của Triều Tiên đã phóng thành công một vệ tinh lên quĩ đạo. Ảnh Toronto Star |
Nhà phân tích chính trị Verkhoturov cho rằng tên lửa Unha-3 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vào lãnh thổ của Mỹ. Ông giải thích: "Với chiều dài 30 mét và trọng lượng 91 tấn, tên lửa Unha-3 có thể được so sánh với các tên lửa đạn đạo thời Chiến tranh Lạnh”. Ông Verkhoturov lưu ý rằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100 (SS-11) chỉ dài 16,7m và có trọng lượng 42,3 tấn có thể mang trọng tải 1,5 tấn đến một nơi cách xa 11.000 km”.
Chính vì vậy mà người ta có thể giả định rằng ICBM của Triều Tiên đã có khả năng bắn tới lãnh thổ Mỹ ngay trong năm 2013. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố ngày 8/1 "ICBM sẽ được thử nghiệm vào bất cứ lúc nào và phóng đến bất cứ nơi nào mà lãnh tụ tối cao của CHDCND Triều Tiên ra lệnh”.
Bình luận về tuyên bố năm mới của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã viết trên Twitter: "Bắc Triều Tiên nói rằng họ đang ở trong giai đoạn cuối cùng của việc phát triển vũ khí hạt nhân có khả năng bắn tới nhiều vùng trong lãnh thổ Mỹ. Điều này sẽ không xảy ra".