Bà Châu Thị Thu Nga từng khai gì về việc “chạy” ĐBQH?

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù trước Tòa hôm 5/10, bà Châu Thị Thu Nga không được khai về việc “chạy” đại biểu Quốc hội, thế nhưng trước đó bà này đã từng khai… nhờ một doanh nghiệp.

Trong phiên xét xử vào chiều ngày hôm qua (5/10), trả lời luật sư thẩm vấn, bị cáo Châu Thị Thu Nga - nguyên đại biểu Quốc hội, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group đã xin phép trả lời về khoản tiền khoảng 30 tỉ đồng dùng để “chạy” đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, chủ tọa không chấp nhận nội dung này.
Lý do được đưa ra là việc nội dung này nằm trong tổng số tiền hơn 157 tỉ đồng chi không có chứng từ của bà Châu Thị Thu Nga. Cơ quan cảnh sát điều tra đã lấy lời khai của những người mà bà Nga khai đã đưa tiền nhưng những người này đều không thừa nhận. Tiến hành đối chất, bà Nga và những người liên quan đều giữ nguyên lời khai của mình. Do thời hạn điều tra đã hết nên ngày 9/6/2017, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định tách nội dung này để điều tra làm rõ. Chính vì vậy, Chủ tọa phiên tòa cho rằng nội dung này không nằm trong phạm vi vụ án nên luật sư không hỏi làm mất thời gian.
Ba Chau Thi Thu Nga tung khai gi ve viec “chay” DBQH?
 Bà Châu Thị Thu Nga 2 lần xin tòa cho khai phần "chạy ĐBQH" nhưng không được chấp thuận. 
Sau khi luật sư đã thẩm vấn xong, bà Nga còn nán lại vành móng ngựa xin được trả lời về nội dung này nhưng chủ tọa phiên tòa yêu cầu bà về chỗ.
Mặc dù chưa được phép khai phần này trước Tòa, tuy nhiên trước đó, bà Nga từng khai với cơ quan điều tra rằng số tiền 30 tỷ đồng được chuyển qua một doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc tại Hà Nội để nhờ lo các thủ tục cho bà Nga được ứng cử ĐBQH khóa XIII. Thế nhưng, doanh nghiệp này cũng phủ nhận.
Đáng chú ý, trong phiên xử hôm 3/10, khi khai về số tiền hơn 157 tỷ đồng được tiêu xài vào những khoản nào. Bà Thu Nga khai rằng, đã dùng 47,5 tỷ đồng để “chạy” dự án và để được ứng cử ĐBQH khóa XIII.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói gì về lời khai của bà Nga?
Ngày 8/9/2016, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội chưa nhận được thông tin chính thức về việc này.
“Nếu có thông tin thế thì phải kiểm chứng ngay để tránh ảnh hưởng đến uy tín của Quốc hội. Phải làm rõ có đưa tiền không, đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu, đưa làm gì? Nếu có thì đó là chuyện tày trời. Chạy một khoản tiền lớn thế vào Quốc hội làm gì, giải quyết được vấn đề gì. Tôi không tin có chuyện chạy tiền vào Quốc hội, nhất là với khoản tiền lớn thế. Nhiều người nói để đeo mác Đại biểu Quốc hội, nhưng mác đó để làm gì khi pháp luật không loại trừ ai, ai vi phạm cũng đều bị xử lý”, ông Phúc nói.
Ba Chau Thi Thu Nga tung khai gi ve viec “chay” DBQH?-Hinh-2
 Ông Nguyễn Hạnh Phúc.
Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, qua nhiều sự việc xảy ra tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội đang rà soát lại toàn bộ quy trình giới thiệu, hiệp thương, đặc biệt là phải xem xét kỹ tư cách Đại biểu Quốc hội từng người, tránh làm ảnh hưởng tới uy tín của Quốc hội.
“Nhiều khi không đủ điều kiện kiểm chứng, nhưng Quốc hội rất rõ ràng, ngày hôm nay không phát hiện được thì ngày mai phát hiện vẫn kiên quyết xử lý, không sợ mất uy tín mà không xử lý”, ông Phúc cho hay.
Về thông tin nhiều người cho rằng vào Quốc hội nhằm mục đích này khác, ông Phúc nói rằng đó là sự lầm tưởng, tưởng ngồi vào Quốc hội thì có quyền quyết định thế nọ thế kia, nhưng thực tế không thể thay đổi hay tác động được gì cả.
Ông Phúc cũng từng chia sẻ: “Trước khi ra ứng cử để trở thành đại biểu của dân thì chúng ta phải trung thực với chính bản thân chúng ta. Còn vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia là không phải. Cái đó là rất sai lầm.
Vào Quốc hội là phải vì nhân dân làm việc tốt hơn. Còn đã có sai phạm thì phải xử lý sai phạm, và ai không xứng đáng thì rồi nhân dân cũng sẽ có ý kiến”.
Phượng Hồng (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)