Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông: Bên nào thắng?

Google News

(Kiến Thức) - Liên quan đến vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông, chuyên gia Nga Lokshin nhận xét việc Trung Quốc đắp đảo nhân tạo là trái với UNCLOS năm 1982.

Ngày 7/7, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) của Liên Hợp Quốc đã bắt đầu xem xét đơn Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông.
Điều phức tạp trong vụ kiện này là tình trạng pháp lý ở Biển Đông vẫn chưa được rõ ràng.
Philippines kien Trung Quoc ve Bien Dong: Ben nao thang?
Giáo sư khoa học chính trị  Grigory Lokshin: Việc Trung Quốc đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. 
Về cuộc chiến pháp lý Philippines-Trung Quốc, nhà khoa học chính trị người Nga Grigory Lokshin nhận xét: "Việc Trung Quốc đắp đảo nhân tạo là trái với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)  năm 1982. Đặc biệt, UNCLOS có ba điều khoản qui định rõ không được phép mở rộng lãnh thổ một cách nhân tạo và các đảo nhân tạo không thể là lý do để tuyên bố quyền sở hữu 200 hải lý đặc quyền kinh tế”.
Tất cả các nước trong khu vực liên quan tới xung đột lãnh thổ trên Biển Đông đều đã ký và phê chuẩn UNCLOS năm 1982. Thể theo UNCLOS, các nước này cần trình ủy ban Liên Hợp Quốc các kiến nghị về ranh giới thềm lục địa của họ. Quốc gia đầu tiên đã thực hiện điều này là Philippines, nhưng Trung Quốc ngay lập tức có phản ứng. Bắc Kinh cung cấp bản đồ ranh giới "biển lịch sử" của mình, thông qua cái gọi là bản đồ “đường 9 đoạn” (thường gọi là “đường lưỡi bò”). Khu vực nằm trong cái gọi là "đường lưỡi bò" này chiếm tới 80% diện tích Biển Đông.
"Đường lưỡi bò" xuất hiện lần đầu vào năm 1947 trên các bản đồ được chính phủ Tưởng Giới Thạch lưu hành nhằm tuyên bố kỳ vọng lãnh thổ với Nhật Bản. Những người tham gia hội nghị quốc tế San Francisco năm 1951 đã bác bỏ những tuyên bố này của Trung Quốc. Các chuyên gia luật hàng hải ngày nay, tất nhiên trừ người Trung Quốc, đều coi khái niệm "biển lịch sử" như một sự vô lý pháp luật. Tính từ thời điểm trở thành thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, các quốc gia không thể đưa ra những tham vọng quyền sở hữu và quyền tài phán không phù hợp với UNCLOS.
Không một nước nào trong số 10 nước ASEAN đồng tình với "đường lưỡi bò". Đầu tháng 12 /2014, Bộ Ngoại giao Mỹ nêu nhận xét rằng bản đồ “đường 9 đoạn” của Trung Quốc mâu thuẫn với luật pháp quốc tế. Vài ngày sau, Trung Quốc tuyên bố các trọng tài quốc tế không có thẩm quyền xem xét khiếu nại của Philippines và Trung Quốc sẽ không tham gia quá trình tố tụng này. Việt Nam cũng đã trình bày lập trường với Tòa Trọng tài Thường trực La Haye vào ngày 8/12 năm ngoái. Việt Nam ủng hộ những khiếu nại của Philippines, đặt câu hỏi về tính hợp lệ của “đường 9 đoạn”  và đề nghị Tòa Trọng tài Quốc tế cân nhắc đúng đắn quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam. Theo chuyên gia Nga, việc Tòa Trọng tài Thường trực La Haye lắng nghe lý lẽ của phía Việt Nam là điều cần thiết.
Hoạt động xem xét khiếu nại của Philippines được Tòa Trọng tài Thường trực La Haye bắt đầu ngày 7/7/2015. Về kết quả của vụ kiện này, học giả Grigory Lokshin nêu ra hai khả năng. Phương án thứ nhất, Tòa Trọng tài Thường trực La Haye có quyền từ chối khiếu nại của Philippines hoặc xác định tòa án không đủ thẩm quyền xem xét đơn khiếu nại. Đối với các nước ASEAN đây là phương án tồi tệ nhất, làm lung lay vai trò của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế nói chung trong tiến trình giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Phương án thứ hai Tòa Trọng tài Thường trực La Haye sẽ ủng hộ Philippines về một số vấn đề nhưng bảo vệ Trung Quốc trong các yếu tố khác. Đây là phương án có lợi nhất cho các nước ASEAN  khi Philippines hoàn toàn đúng trong những vấn đề đã khiếu nại.
Phía Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi lập trường về Biển Đông bất kể Tòa Trọng tài Thường trực La Haye phán quyết như thế nào. Công ước năm 1982 không lập cơ chế áp đặt trừng phạt đối với quốc gia từ chối thực hiện quyết định của trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia Grigory Lokshin,  quyết định của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye có thể ảnh hưởng xấu tới uy tín của Trung Quốc.
Đến tháng 3/2016,  Tòa Trọng tài Thường trực La Haye mới đưa ra phán quyết.
Minh Châu (Theo Sputnik)

>> xem thêm

Bình luận(0)