Ngày tàn của Tổng thống Syria… vẫn chưa điểm

Google News

Theo mạng Tin Trung Đông, ngày tàn của Tổng thống Syria Bashar al-Assad... vẫn chưa điểm.

 Tổng thống Assad: Lung lay nhưng chưa đổ.

Nhiều đồng minh chủ chốt của ông Assad tin rằng ông có thể tiếp tục tại vị thêm một năm nữa. Đó cũng là thực tế đau đớn mà một số kẻ thù của ông đã bắt đầu phải thừa nhận.
 
Cách đây một tuần, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho biết hiện không có dấu hiệu nào chứng tỏ cuộc khủng hoảng Syria sẽ sớm được giải quyết. Ông Fabius nói: "Hiện tại, giải pháp mà chúng ta từng hy vọng, đó là chính quyền của ông Assad sụp đổ và phe đối lập lên nắm quyền, vẫn chưa có dấu hiệu tích cực nào." Lời khẳng định này mâu thuẫn với chính dự đoán của ông Fabius vào tháng trước, theo đó ngày tàn của chế độ Assad sắp đến.
 
Quốc vương Jordan Abdullah II cũng có nhận định tương tự trong một cuộc phỏng vấn: "Bất cứ ai nói rằng chế độ của ông Assad chắc chắn sẽ chỉ còn tồn tại vài tuần nữa đều không hiểu biết gì về tình hình trên thực địa". Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Đặc phái viên chung của LHQ-Liên đoàn Arập (AL) về vấn đề Syria, ông Lakhdar Brahimi, nói rõ: "Hiện tại, chế độ Syria có thể bấu víu vào quyền lực. Tuy nhiên, đất nước này đang tan vỡ ngay trước mắt tất cả mọi người".

Mọi thứ cũng đang bắt đầu thay đổi ngay trước mắt tất cả mọi người. Trong những ngày cuối cùng của năm 2012, nhiều người đã nhận định rằng chế độ Assad sẽ bị lật đổ trước ngày 15/3/2013, thời khắc kỷ niệm hai năm ngày diễn ra cuộc cách mạng Syria. Đột nhiên, sau bài phát biểu của ông Assad tại Nhà hát Opera tại thủ đô Damascus vào ngày 6/1 vừa qua, một dấu hỏi lớn được đặt ngay sau lời khẳng định “ông Assad sẽ bị lật đổ".
 
Trong bài phát biểu của mình, ông Assad đã đề cập đến kế hoạch chuyển tiếp, đồng thời tuyên bố điều kiện tiên quyết cho giải pháp chính trị là chấm dứt bạo lực và khủng bố. Ông cũng kêu gọi tổ chức một cuộc đối thoại dân tộc nhằm soạn thảo hiến pháp mới và đưa ra trưng cầu dân ý trước khi tiến hành tổng tuyển cử và ân xá rộng rãi.
 
Các quan chức phương Tây đã lên tiếng chỉ trích bài phát biểu của ông Assad. Một số người thậm chí còn cho rằng ông Assad xa rời thực tế. Tuy nhiên, chưa đầy một tuần sau, mọi người đều hiểu rằng ông Assad biết rất rõ những gì mình nói và hoàn toàn không xa rời thực tế. Vậy điều gì đã xảy ra và đâu là những yếu tố khiến tình hình đảo ngược hoàn toàn?
 
Có một số yếu tố cả bên trong lẫn bên ngoài đã giúp chế độ Assad sống sót. Trong đó, yếu tố quan trọng nhất là tự bản thân phe đối lập Syria. Ngay từ đầu cuộc cách mạng, phe đối lập Syria đã đấu tranh cho một mục tiêu đó là lật đổ chính quyền của ông Assad. Bất chấp thực tế họ đang có ảnh hưởng lớn, phe đối lập lại thiếu tiếng nói thống nhất. Những bất đồng còn tồn tại lớn hơn nhiều những bất đồng đã được giải quyết.
 
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần các vấn đề mà phe đối lập Syria đang gặp phải. Jabhat-al Nusra (hay còn gọi là Mặt trận Al-Nusra), nhóm phiến quân chính thuộc lực lượng vũ trang đối lập tại Syria, là một trong những lý do khiến Mỹ và phương Tây ngày càng quan ngại rằng sự sụp đổ của chế độ Assad có thể là tin xấu.

Nhóm này đã được Mỹ liệt kê trong danh sách các tổ chức khủng bố vào cuối năm 2012 với cáo buộc đã nhận tiền, vũ khí và nhân lực từ al-Qaeda. Tuy nhiên, người đứng đầu liên minh đối lập Syria Maath Al-Khatib đã bác bỏ cáo buộc này và lên tiếng kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định của mình.
 
Cả Washington lẫn châu Âu đều sẽ không thể chấp nhận sự tồn tại của một nhà nước kiểu Taliban tại trung tâm của khu vực Trung Đông, nằm ngay sát biên giới với Israel và chỉ cách châu Âu vài trăm dặm. Đây không phải là vấn đề cảm xúc mà là vấn đề an ninh quốc gia.

Một yếu tố khác có thể liên quan đến yếu tố kể trên, đó chính là sự thay đổi chiến thuật của quân đội Chính phủ Syria. Theo lời khuyên của Nga, chính quyền Syria đã xua dân ra khỏi các khu vực xung quanh thủ đô Damascus. Lý do là Nga muốn có ít dân thường bị thiệt mạng trong các cuộc giao tranh nhằm giảm bớt áp lực lên chính quyền Syria. Sự thay đổi chiến thuật này đã giúp chế độ Assad vững vàng hơn, đồng thời cho phép quân đội chính phủ giành lại các khu vực xung quanh Damascus và Homs.
 
Một số nguồn tin đối lập cho biết "một bộ chỉ huy quân sự chung Syria-Iran-Nga đang cùng nhau triển khai các kế hoạch chiến tranh". Tuy nhiên, hiện cáo buộc này vẫn chưa thể được kiểm chứng qua các nguồn tin độc lập.
 
Các loại vũ khí hóa học, tên lửa tầm xa và các hệ thống phòng không của Syria cũng là điều gây quan ngại cho phương Tây nói chung, trong đó chủ yếu là Israel và Mỹ. Một số quan chức cấp cao của Mỹ và Israel đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ vũ khí hóa học của Syria rơi vào tay phong trào Hezbollah.

Có thể đây là một trong những lý do khiến Israel mới đây tiến hành không kích nhằm vào một vị trí nằm trên đường biên giới của Syria với Libăng nhằm chuyển một thông điệp rõ ràng cho những người có liên quan: "Chúng tôi rất nghiêm túc!".
 
Cộng đồng quốc tế đã đạt đồng thuận rằng cuộc chiến Syria nên chấm dứt, nếu không ngọn lửa chiến tranh sẽ tràn sang các nước khác trong khu vực. Hiện bất đồng chính giữa các lực lượng đóng vai trò chủ chốt tại Syria là liệu ông Assad có thể tham gia tranh cử trong cuộc cuộc bầu cử vào năm 2014 hay không.

Tuy nhiên, ngay cả khi thống nhất được về mọi vấn đề, tất cả trong số họ đều biết rằng tiếng súng tại Syria vẫn chưa thể dứt và bất cứ ai lên nắm quyền đều sẽ phải đối mặt với một vấn đề gai góc hơn, đó là tình trạng giống như ở Afghanistan hiện nay.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:




Theo Vietnam+

Bình luận(0)