Nga “xoay trục” sang Thái Bình Dương, Trung Quốc bất lợi

Google News

(Kiến Thức) - Nga triệt để khai thác tình hình địa chính trị ở Đông Á và Đông Nam Á vốn bị Trung Quốc tìm cách thao túng trong những năm gần đây.

Liên bang Nga đã chủ động đóng vai trò hàng đầu trong việc định hướng kết quả của các mâu thuẫn cao độ trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, gây bất lợi cho cả Mỹ lẫn Trung Quốc.
Châu Á-Thái Bình Dương luôn là một phần quan trọng trong toan tính địa chính trị của Điện Kremlin, nhưng do lợi ích kinh tế và chiến lược đa tầng của Nga đối với các quốc gia trong khu vực cạnh tranh với nhau, Moscow đã theo đuổi cách tiếp cận cân bằng đối với các vấn đề nóng bỏng.
Cách tiếp cận của Nga đã thay đổi vào cuối tháng 4/2016, khi Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ra một tuyên bố chung chưa từng có ở Bắc Kinh, phản đối vai trò của Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Nhưng việc Nga ủng hộ Bắc Kinh trong cuộc thập tự chinh chống lại sự can dự của Mỹ vào tranh chấp Biển Đông chẳng kéo dài được bao lâu.
Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin khai mạc Hội nghị Cấp cao Nga-ASEAN tại khu nghỉ dưỡng Sochi. Ảnh Getty Images 
Trong hai ngày 19 và 20/5, Tổng thống Putin đã Hội nghị cấp cao với các nhà lãnh đạo ASEAN tại khu nghỉ mát yêu thích Sochi. Hãng thông tấn TASS gọi Hội nghị Cấp cao Nga-ASEAN ở Sochi là "sự kiện quốc tế lớn nhất ở Nga vào năm 2016”. Hội nghị Cấp cao Nga-ASEAN ở Sochi nhằm trực tiếp vào sự thống trị kinh tế-chiến lược ngày càng tăng của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Đáng chú ý nhất là Nga đứng về phía các nước ASEAN phản đối lập trường nước lớn của Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.
Tuyên bố Sochi có hàm ý phản đối Trung Quốc trong ngôn từ và thể hiện một lập trường gần như giống hệt với lập trường của ASEAN và Mỹ về Biển Đông, khi ủng hộ "việc đảm bảo an ninh và an toàn hàng hải, tự do hàng hải và thương mại; yêu cầu các bên hữu quan tự kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với những nguyên tắc được luật pháp quốc tế thừa nhận”.
Sau khi bày tỏ lập trường về tranh chấp Biển Đông, Tổng thống Putin rất hài lòng với các thỏa thuận giữa Nga và các nước ASEAN về nhập khẩu năng lượng, để cho Nga xây dựng nhà máy điện hạt nhân, xây dựng các tuyến đường sắt và vận hành hệ thống định vị vệ tinh GLONASS trong khu vực ASEAN. Đáng nói là tất cả những linh vực trên vốn là ưu tiên kinh tế và công nghệ của Trung Quốc trong khu vực.
Trung Quốc cũng cảm thấy bất an trước sự xích lại gần nhau giữa Moscow và Tokyo, khi cả Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Shinzo Abe đang có quan điểm gần nhau hơn bất cứ lúc nào kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II để đạt được một thỏa thuận chính thức về tranh chấp Các vùng lãnh thổ phương Bắc.
Đối với Bán đảo Triều Tiên, điện Kremlin có vẻ quyết tâm sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao-chính trị để gây ảnh hưởng đối với cả Bình Nhưỡng lẫn Seoul, đặc biệt là việc kéo dài tuyến đường sắt xuyên Siberia đi qua CHDCND Triều Tiên đến Hàn Quốc.
Vốn bị mắc kẹt giữa Trung Quốc và Mỹ, một số quốc gia cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi thấy nước Nga tích cực can dự vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Tại Sochi, Thủ tướng Hun Sen cũng yêu cầu Tổng thống Putin “làm mới” sự quan tâm và đầu tư mà Nga đã dành cho Campuchia bắt đầu vào những năm 1980, sau khi lật đổ chế độ Khmer Đỏ.
Nói tóm lại, “cái được” của Nga ở Châu Á-Thái Bình Dương song hành với “cái mất” của Trung Quốc trong khu vực và “cuộc đấu ngầm” Nga-Trung kéo dài hàng thập kỷ vẫn đang tiếp diễn. 
Minh Châu (The National Interest)

Bình luận(0)