Biển Đông không phải “ao nhà” của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Trong phán quyết với ngôn từ mạnh mẽ, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đã giáng đòn nặng vào mưu đồ biến Biển Đông thành “ao nhà” của Trung Quốc.

Đó là nhận định của nhà phân tích Gareth Evans, người từng giữ chức Ngoại trưởng Australia trong giai đoạn 1988-1996, trong bài viết đăng trên trang mạng Japan Times ngày 14/7/2016.
Bien Dong khong phai “ao nha” cua Trung Quoc
Tác giả bài viết Gareth Evans từng giữ chức Ngoại trưởng Australia trong giai đoạn 1988-1996.  Ảnh Asia Society
Tòa trọng tài PCA phán quyết rằng cái gọi là "đường chín đoạn" do người Hoa tự vẽ hồi cuối những năm 1940 (mà Trung Quốc dựa vào để tuyên bố chủ quyền 80% diện tích Biển Đông)  là vô nghĩa về mặt pháp lý. Tòa Trọng tài ở La Haye này cũng làm rõ rằng hoạt động bồi lấp gần đây của Trung Quốc biến các rạn san hô chìm hoặc mỏm đá thành “đảo nhân tạo”... không thể hưởng chủ quyền lãnh hải đối với vùng biển xung quanh hoặc cấm tàu thuyền máy bay các nước khác qua lại trong đó.
Phán quyết của PCA nhấn mạnh rằng việc luật pháp quốc tế hiện nay công nhận khiếu nại hàng hải "truyền thống" hoặc "lịch sử" không hề liên quan trực tiếp đến việc công nhận quyền chủ quyền đối với các tính năng có liên quan đến đất. Luật pháp quốc tế công nhận một hòn đảo có cư dân sinh sống lâu đời cũng như lãnh thổ đất liền có vùng lãnh hải 12 hải lý, có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý và có quyền chủ quyền đối với thềm lục địa liên quan (có tính đến sự chồng chéo với các đảo và đất liền thuộc về nước khác).
Một đảo đá hoặc rạn san hô nhô lên khỏi mặt nước khi thủy triều dâng cao chỉ có lãnh hải 12 hải lý xung quanh và chỉ có bấy nhiêu mà thôi.
Phán quyết PCA cũng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc có quyền xua đuổi các phương tiện của nước khác giám sát các hoạt động của Trung Quốc “bồi đắp” và xây dựng đường băng quân sự, kho tàng hậu cần, lắp đặt thiết bị liên lạc và một số ụ súng trên các rạn san hô và bãi đá ở quần đảo Trường Sa. Hoạt động bồi đắp và xây dựng trái luật này đã xảy ra trên bảy địa điểm hoang sơ trong quần đảo Trường Sa: đá Vành Khăn, đá Xu Bi, đá Gaven, đá Tư Nghĩa (tất cả các bãi đá ngầm này đều bị ngập khi thủy triều dâng cao) và đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Chữ Thập (có một phần nhô lên khi thủy triều dâng cao, nhưng không thể ở được).
Theo UNCLOS, các quốc gia thành viên có thể xây dựng và lắp ráp các đảo nhân tạo trong phạm vi Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình (nhưng chỉ phục vụ cho mục đích hòa bình). Việc biến rạn san hô ngập nước thành “đá” không thể mang lại cho thực thể mới này một vùng lãnh hải 12 hải lý cũng như việc một tảng đá được bồi đắp thành "đảo" không có quyền hưởng EEZ rộng 200 hải lý. Vụ kiện Biển Đông của Philippines đã khẳng định những nguyên tắc cơ bản này.
Phán quyết PCA cũng nói rõ rằng Trung Quốc không có quyền - ít nhất là trong trường hợp của rạn san hô ngầm đá Vành Khăn – tiến hành các bất kỳ hoạt động xây dựng và tuyên bố chủ quyền lãnh thổ trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Trong tương lai, Trung Quốc sẽ không chịu từ bỏ bất kỳ đảo, rạn san hô hoặc đá mà nước này đang chiếm hữu hoặc từ bỏ việc khẳng định quyền chủ quyền của nước này đối với hầu hết các tính năng ở Biển Đông. Nhưng tất cả các bên quan tâm đến việc đảm bảo ổn định khu vực cần khuyến khích Trung Quốc thực hiện một vài bước mà không làm cho Bắc Kinh mất thể diện.
Những bước này bao gồm ngừng xây các công trình quân sự trên 7 “đảo nhân tạo” mà nước này vừa bồi đắp trái phép trong quần đảo Trường Sa; không bắt đầu bất kỳ hoạt động bồi đắp mới trên các tính năng đang có tranh chấp như bãi cạn Scarborough; ngừng dựa vào cái gọi là “đường chín đoạn” phi lý để tiếp tục tuyên bố chủ quyền 80% diện tích Biển Đông; tiến hành đàm phán với ASEAN về một Bộ quy tắc ứng xử cho tất cả các bên ở Biển Đông (COC) và chấm dứt các hành động chia rẽ làm mất ổn định ASEAN.
Một lựa chọn khác là Trung Quốc từ bỏ hoàn toàn UNCLOS và tuyên bố thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) trên hầu hết Biển Đông. Việc Trung Quốc tuyên bố thiết lập ADIZ trên Biển Đông chắc chắn sẽ bị Mỹ bác bỏ và làm tăng khả năng xảy ra xung đột quân sự, với những hậu quả không thể nào lường trước được.
Việc rút khỏi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng là sai lầm. Trung Quốc vẫn sẽ bị ràng buộc bởi các điều khoản có hiệu lực của UNCLOS vốn được công nhận rộng rãi là luật pháp quốc tế.
Việc từ bỏ UNCLOS cũng khiến cho Trung Quốc mất uy tín, mất lợi ích lãnh thổ khác và không thể thách thức yêu sách chủ quyền của Nhật Bản trên Biển Hoa Đông.
Theo cựu Ngoại trưởng Gareth Evans, vào thời điểm này các bên nên dành cho Trung Quốc một không gian nào đó để chỉnh hướng và để giảm bớt, chứ không phải làm leo thang, căng thẳng trong khu vực.
Minh Châu (Theo Japan Times)

Bình luận(0)