Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tìm kiếm tư tưởng mới?

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các cộng sự  nghiên cứu hồi ký "Mein Kampf" của Hitler gây ra nhiều ý kiến trái ngược trong giới khoa học Nga.


 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Cổng tin trực tuyến New Focus International đưa tin cuốn hồi ký “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi) của Hitler có số lượng in ấn ở Bắc Triều Tiên rất hạn chế, chỉ 100 bản. Mặc dù tự truyện về hệ tư tưởng Đức Quốc xã bị cấm ở CHDCND Triều Tiên, nhưng các quan chức nhà nước thân cận được nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phát cuốn sách này hồi tháng Giêng nhân ngày sinh nhật của ông. Tuy nhiên, đến ngày 17/6, công luận mới biết thông tin này. Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên cho biết ông đã đọc hồi ký “Mein Kampf” của Hitler trong những năm học ở Thụy Sĩ và đến nay, ông ta tặng cuốn hồi ký này cho cấp dưới để họ nghiên cứu. Cổng tin trực tuyến New Focus International thường phản ánh tiêu cực cuộc sống ở miền Bắc Triều Tiên. Thông tin của trang này về cơ bản dựa vào nguồn vô danh hoặc những người Triều Tiên lưu vong.

Người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên của Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga Alexander Vorontsov cho rằng thông tin này là “tin vịt”. Ông Vorontsov nói: “Tất nhiên, điều này là vô lý. Đây là sự khiêu khích rẻ tiền. Có rất nhiều suy đoán về Kim Jong-il và Kim Jong-un, cố gắng trình bày họ một cách tiêu cực, chuyện đó rất khó gây bất ngờ. Theo tôi, điều này là vô lý”.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, thông tin trên trang mạng của những người Triều Tiên lưu vong có thể có một phần sự thật, chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông Konstantin Asmolov nhận xét. Theo ông, Triều Tiên đã dịch nhiều tác phẩm của tác giả nước ngoài. Không phải dành cho công chúng, mà cho các nhân vật cao cấp. Chẳng hạn, họ đã dịch cuốn "KGB và quyền lực" của Philip Bobkov, cựu Phó chủ tịch thứ nhất KGB Liên Xô.

Giám đốc Chương trình Triều Tiên của Viện Kinh tế George Toloraya cũng coi thông tin này là có lý. Ông nói rằng Kim Jong-un đang tìm kiếm một ý tưởng quốc gia mới để bổ sung cho ý tưởng chủ thể (Juche) mà người Triều Tiên đã nhàm chán. Ông cần phải truyền cảm hứng cho nhân dân trong nước bằng điều gì đó mới mẻ hơn, so với những lời kêu gọi chống đế quốc và tay sai. Do đó cuốn sách của Hitler trong những năm đầu thế kỷ 20 có thể đóng vai trò tham khảo cho một phạm vi hẹp các quan chức tư tưởng, ông George Toloraya nhận xét.

Ông Alexander Vorontsov cho biết, các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên luôn luôn dựa vào tư tưởng chủ thể (Juche) để điều khiển đất nước: “Toàn bộ lịch sử Bắc Triều Tiên cho thấy là trong điều kiện khắc nghiệt và bất lợi, họ đã giải quyết nhiệm vụ đoàn kết dân tộc xung quanh ban lãnh đạo một cách xuất sắc. Không phải ngẫu nhiên là một trong những mục tiêu chính của đối phương là chia rẽ lãnh đạo Bình Nhưỡng. Cho đến nay Bắc Triều Tiên khá thành công trong việc bảo vệ sự bền vững và thống nhất này, kể cả trong tầng lớp cầm quyền. Họ có thể áp dụng các phương pháp quốc gia của mình mà không cần đến cuốn hồi ký của Hitler. Vì vậy điều đó là không hợp lý".

Từ lâu, Bình Nhưỡng từ lâu đã nghiên cứu kinh nghiệm cải cách kinh tế và chính trị của Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng các kinh nghiệm đó khó có thể áp dụng ở miêng Bắc Triều Tiên. Và nếu đất nước càng ngày càng bị cô lập với thế giới bên ngoài, thì chế độ ngày càng bị đe dọa và ban lãnh đạo Triều Tiên càng lo sợ đánh mất quyền lực.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)