Triều Tiên cải cách theo “mô hình Trung Quốc”

Google News

(Kiến Thức) - Theo một doanh nhân Thụy Sĩ, dưới sự lãnh đạo của Kim Jong-un, Triều Tiên sẽ cải cách theo "mô hình Trung Quốc" để vực dậy nền kinh tế đang sa sút.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và vợ đi thăm một công viên giải trí ở Bình Nhưỡng.

Trong một cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Yonhap, doanh nhân Felix Abt nhận định ngành công nghiệp tiêu dùng của Triều Tiên đã phát triển nhanh chóng kể từ khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011 và chuyển trọng tâm ưu tiên công nghiệp nhẹ.

Phát biểu tại một diễn đàn an ninh ở Seoul, doanh nhân Felix Abt nói: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng kiến nhiều thay đổi ở miền Bắc Triều Tiên trong hai năm tới.

Doanh nhân người Thụy Sĩ Felix Abt từng sống ở miền Bắc Triều Tiên 7 năm, từ năm 2002 đến 2009. Ông từng giữ chức giám đốc chi nhánh Triều Tiên của Tập đoàn điện lực và tự động hóa ABB của Thụy Sĩ và thành lập Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu, trên thực tế là Phòng Thương mại Châu Âu ở Bình Nhưỡng.

Felix Abt cho biết ông thấy có dấu hiệu rõ ràng về việc Triều Tiên theo đuổi phát triển kinh tế và cải cách, theo mô hình của Trung Quốc: tăng trưởng kinh tế trong khi vẫn duy trì hệ thống chính trị hiện hành.

 Triều Tiên bổ nhiệm nhân vật cải cách Pak Pong-Ju (giữa), 74 tuổi, là Thủ tướng.

Doanh nhân người Thụy Sĩ nói trên cho biết: “Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un sẽ cố gắng tăng cường các lĩnh vực dân sự và thâu tóm một số quyền lực từ quân đội để chuẩn bị cho những cải cách có thể. Hiện đã có những thay đổi trong ban lãnh đạo Triều Tiên, với nhiều quan chức dân sự  hơn, với việc đề bạt nhiều quan chức quân sự ủng hộ cải cách và nhiều doanh nghiệp đã chuyển từ tay quân đội sang dân sự. Đây là những dấu hiệu đầu tiên hướng tới cải cách”.

Theo doanh nhân Felix Abt, hiện thời chính phủ Triều Tiên cho phép các nhà máy địa phương giữ lại một phần sản phẩm, được  bán sản phẩm thị trường và chia sẻ lợi nhuận với người lao động. Đó là một bước hướng tới kinh tế thị trường, tương tự như giai đoạn đầu “cải cách mở cửa” của nền kinh tế Trung Quốc.

Doanh nhân Felix Abt, hiện đang sinh sống ở Việt Nam, cho biết năm 2004, ông đã thành lập Trường Kinh doanh ở thủ đô Bình Nhưỡng, với các nhà tài trợ chủ yếu là người Châu Âu. Trường của ông đã được phép hoạt động nhằm “cung cấp kiến thức kỹ thuật thuần túy và những kiến thức cần thiết cho các doanh nghiệp không phân biệt hệ thống chính trị”.   Khoảng 120 công dân Triều Tiên, chủ yếu là quan chức chính phủ cấp cao và giám đốc điều hành công ty nhà nước, đã được đào tạo tại trường tại trường này. Tiếp thị, tài chính, nghiên cứu thị trường, quảng cáo, mua sắm cũng như cách ứng phó với khách hàng nước ngoài… là những bộ môn được giảng dạy tại Trường Kinh doanh này. Ông Felix Abt cho biết thêm các sinh viên người Triều Tiên của trường ông rất “ham học hỏi”, “tiếp thu rất nhanh” và kiến thức mới đã  dẫn đến tăng năng suất và bán hàng tại một số công ty.

 Doanh nhân Felix Abt (giữa) và một số học sinh ở Trường Kinh doanh ở Bình Nhưỡng.

Doanh nhân Felix Abt cũng cho rằng thế giới bên ngoài có thể phải thỏa hiệp ở mức độ nào đó về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cho phép nước này giữ lại một số vũ khí hạt nhân… để có được hòa bình quốc tế. Ông nói Triều Tiên cho rằng vũ khí hạt nhân "chỉ để răn đe" bởi vì giống như  các loại vũ khí thông thường khác, vũ khí hạt nhân của Triều Tiên là quá lạc hậu và không có hiệu quả. Do đó, “cộng đồng quốc tế sẽ phải có một số nhượng bộ, để lại cho Bình Nhưỡng một vài vũ khí hạt nhân và kiểm soát không để cho Triều Tiên sản xuất nhiều hơn. Theo ông, đây có thể là một điểm khởi đầu để Mỹ và Hàn Quốc bình thường hóa quan hệ và ký một hiệp định hòa bình với Triều Tiên.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Lê Chân (theo Yonhap)

Bình luận(0)