Chiến tranh Trung-Mỹ không nổ ra trên Biển Đông?

Google News

(Kiến Thức) - Sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đang thách thức vị thế  của Mỹ ở cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Chuyên gia Australia cho rằng, Biển Đông sẽ không phải là chiến trường của chiến tranh Trung-Mỹ.

Trước khi chính thức công bố chính sách “xoay trục” sang châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đã tiến hành các bước tăng cường sức mạnh quân sự tại khu vực. Các bước này bao gồm: triển khai tàu ngầm tấn công hạt nhân tới khu vực; đàm phán Australia về việc đưa thủy quân lục chiến luân phiên đồn trú tại Darwin. Kể từ đó, Mỹ triển khai các tàu tác chiến gần bờ  (Combat Littoral Ships) tới Singapore và đang đàm phán các thỏa thuận mới để mở rộng triển khai quân sự tại Philippines.

Tuy nhiên, theo giáo sư Carlyle A. Thayer của Học viện Quốc phòng Australia, ĐH New South Wales, trong một bài bình luận mới đây cho rằng, những động thái trên của Mỹ không báo trước viễn cảnh xung đột vũ trang Trung-Mỹ.

Trong khi Hải quân Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán trong xử lý các tranh chấp biển đảo với các quốc gia láng giềng trên Biển Đông, Mỹ có vẻ tránh bị lôi vào cuộc và bị mắc kẹt trong các cuộc tranh chấp nói trên. Do đó, theo giáo sư Carlyle A. Thayer, xung đột vũ trang Trung-Mỹ ở Biển Đông là hầu như không thể xảy ra.

Giáo sư Thayer cho rằng, một kịch bản khác có nhiều khả năng hơn cả là hai nước sẽ đạt được thỏa thuận cho phép hai bên hợp tác, duy trì an ninh trên biển Đông. Chính quyền Obama đã nhiều lần nhấn mạnh, chính sách tái cân bằng ở châu Á của Mỹ không nhắm vào Trung Quốc, không nhằm kìm chế nước này. Trong khi đó, Đô đốc Samuel J. Locklear III, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ mới đây cũng tuyên bố: “Có không ít chỉ trích cho rằng, chiến lược tái cân bằng thực chất là chiến lược ngăn chặn. Điều đó không đúng... Đó là chiến lược cộng tác và hợp tác”.

Tuy nhiên, dựa trên những đánh giá về các tương tác quân sự trong quá khứ của Trung Quốc và Mỹ,  có thể thấy rằng hai nước khó lòng đạt được một thỏa thuận song phương về hợp tác cùng quản lý an ninh ở Biển Đông. Lý do là tình trạng không tin tưởng lẫn nhau vốn đã tồn tại từ lâu có dấu hiệu đang ngày càng trở nên sâu sắc. Do đó, Giáo sư Thayer nhấn mạnh, kịch bản thứ 2 có khả năng xảy ra hơn cả là Mỹ và Trung Quốc sẽ đồng thời duy trì quan hệ hợp tác và đối đầu.

Trong kịch bản này, Trung Quốc và Mỹ sẽ có các chiến lược và hành động riêng để đảm bảo lợi ích của họ trong khu vực thông qua các tổ chức đa phương như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (cộng) và Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng.

Tuy nhiên, Trung-Mỹ vẫn chia sẻ với nhau các mối quan tâm chung. Lầu Năm Góc thời gian qua đã liên tục tìm cách duy trì các kênh liên lạc với Trung Quốc thông qua 3 cơ chế song phương: Đàm phán cố vấn quốc phòng, Thỏa thuận tư vấn quân sự về hàng hải (MMCA) và Đàm phán Điều phối chính sách quốc phòng.

Các mối quan hệ quân sự giữa hai nước đã trải qua các chu kỳ lặp đi lặp lại: đình chỉ và hợp tác. Điều đó có nghĩa là các quan hệ quân sự luôn gắn bó chặt chẽ với các quyết định chiến lược và chính trị của 2 bên.

Mặt khác, các kênh liên lạc quân sự Trung-Mỹ cũng đã hoạt động tích cực như: liên tục trao đổi các chuyến thăm của các quan chức quốc phòng cấp cao; đàm phán tham vấn quốc phòng thường xuyên, tiếp tục mở các cuộc thảo luận theo khuôn khổ các điều khoản MMCA; thảo luận về “Thỏa thuận 7 điểm”...

Chưa hết, các kênh liên lạc quân sự 2 bên cũng tiếp tục nỗ lực để đảm bảo khởi đầu Đối thoại An ninh chiến lược, một phần của tiến trình Đối thoại kinh tế và an ninh cấp bộ trưởng; trao đổi, giao lưu học hỏi, thỏa thuận tổ chức các cuộc trao đổi giữa cảnh sát biển 2 bên...

Do đó, điểm mấy chốt là, bất chấp những rào cản cố hữu trong quan hệ, Trung Quốc và Mỹ vẫn tiếp tục gắn bó với nhau. Liên lạc quân sự trong trường hợp này đóng vai trò rất quan trọng bởi nếu không có những tương tác như vậy, nguy cơ mất lòng tin giữa quân đội 2 nước có khả năng vượt tầm kiểm soát, tác động tiêu cực tới quan hệ song phương nói chung. Tóm lại, Trung Quốc và Mỹ sẽ nỗ lực duy trì quan hệ hợp tác - đối đầu ở Biển Đông hơn là sa vào kịch bản xấu nhất là xung đột vũ trang.

TIN LIÊN QUAN

ĐANG ĐỌC NHIỀU


Bạch Dương

Bình luận(0)