Đằng sau thái độ thách thức của Triều Tiên

Google News

Về những thách thức gần đây của Triều Tiên, báo Pháp Les Echos ngày 28/3 đăng bài viết “Những nguyên nhân thật sự của một chiến lược khiêu khích hạt nhân”.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un thị sát tập trận.

Les Echos nhắc lại việc mấy ngày qua Bình Nhưỡng không ngừng gia tăng các động thái có tính khiêu khích khi hăm dọa tiến hành “một cuộc chiến toàn diện”, hay “chiến tranh hạt nhân”, thậm chí là đòi biến lãnh thổ kẻ thù thành “biển lửa” hay việc cắt đứt hoàn toàn các đường dây nóng với Hàn Quốc, đặt quân đội trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu…

Trước những động thái đó phương Tây tỏ ra lo lắng, nhưng lạ thay các nước trong khu vực hầu như không mấy bận tâm. Có lẽ các nước này hiểu quá rõ Bắc Triều Tiên. Les Echos dẫn lời một giáo sư tại Seoul nói: “Họ (Triều Tiên) có kiểu khiêu khích như vậy nhiều lần mỗi năm. Việc đó có lợi cho họ. Nhưng có ảnh hưởng gì đến nước khác không? Không ảnh hưởng gì cả”.

Theo Les Echos, nhiều chuyên gia trong khu vực cũng có cùng nhận định. Theo họ, mấy chục năm nay Bắc Triều Tiên đã nhiều lần hành động theo kiểu khiêu khích như vậy. Họ làm như vậy để buộc Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc trở lại bàn đàm phán nhằm tìm nguồn viện trợ tài chính và nhân đạo để giải quyết khó khăn kinh tế trong nước. Khi nhận được rồi thì họ sẽ lại tiếp tục lên án các bên tham gia và lại tiếp tục khiêu khích.

Vì sao Triều Tiên có thể gây sức ép cho Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc ? Theo Les Echos, đó là bởi vì thật tâm những nước này không tha thiết gì với sự sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng. Trung Quốc thì muốn duy trì chế độ Bình Nhưỡng để làm vùng đệm đối với Hàn Quốc, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, đồng thời nếu Bình Nhưỡng sụp đổ thì vùng ranh giới của Trung Quốc sẽ “lĩnh đủ” làn sóng người di cư từ Bắc Triều Tiên. Hàn Quốc lo ngại cái giá kinh tế quá nặng nề khi hai miền Bắc Nam thống nhất. Còn Mỹ thì tận dụng thái độ khiêu khích của Triều Tiên làm cái cớ để tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Les Echos cho biết Trung Quốc hiện chi phối 85% ngành ngoại thương của Triều Tiên. Dù có thái độ bên ngoài bớt mặn mà với Bình Nhưỡng, nhưng thực chất Bắc Kinh là khó có thể buông tay. Tờ báo còn cho biết, quan hệ thương mại giữa hai nước không ngừng phát triển. Công ty hàng không Air Koryo của Bắc Triều Tiên đã được chính quyền Trung Quốc chấp nhận cho tăng cường đường bay đến Bắc Kinh, chính quyền tỉnh Cát Lâm giáp ranh với Bắc Triều Tiên còn dự tính xây thêm nhiều tuyến đường sắt xuyên biên giới để thúc đẩy trao đổi thương mại song phương.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:




Văn Bình

Bình luận(0)