Trung Quốc có muốn tháo ngòi “quả bom nổ chậm” Triều Tiên?

Google News

(Kiến Thức) - Triều Tiên phóng tên lửa, thử hạt nhân… và nghị quyết trừng phạt của LHQ khiến cho nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un càng trở nên táo bạo, quyết đoán hơn.

 Nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh cho quân đội Triều Tiên sẵn sàng chiến đấu.

Bình Nhưỡng đã leo thang căng thẳng theo cấp số nhân, với những tuyên bố đe dọa tấn công phủ đầu Mỹ bằng vũ khí hạt nhân, quyết định hủy bỏ Hiệp ước đình chiến năm 1953 và khuyên dân chúng chuẩn bị chiến tranh. Xem ra, ban lãnh đạo Triều Tiên quyết tâm đi theo con đường đối đầu, xung đột.

Tân chính phủ ở Seoul đã cảnh báo Bình Nhưỡng một cách rõ ràng rằng mọi cuộc tấn công của Triều Tiên chống lại Hàn Quốc đều vấp phải sự giáng trả dữ dội gấp bội và ngay lập tức, với việc quân đội nước này đã có sự chuẩn bị cần thiết.

Về phần mình, Mỹ cũng nghiêm khắc cảnh cáo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào của Triều Tiên đều dẫn đến một phản ứng hủy diệt. Việc Mỹ quyết định dành 1 tỷ USD để triển khai thêm các hệ thống tên lửa đánh chặn dọc theo bờ biển Thái Bình Dương là để đối phó việc Triều Tiên tiếp tục phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa, trong đó có các tên lửa phóng bằng bệ phóng di động KN-08.

Nguy cơ một tính toán sai lầm nhỏ có thể leo thang thành xung đột quân sự với Triều Tiên là hiện hữu. Một cuộc xung đột kiểu này có thể leo thang nhanh chóng, với mức độ tàn phá không thể tưởng tượng được.

Chỉ có ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh mới ngăn chặn kịch bản xấu nói trên không xảy ra, tương tự như những gì mà Trung Quốc đã làm trong năm 2003 - khi Bắc Kinh tổ chức các cuộc đàm phán ba bên Mỹ-Triều Tiên-Trung Quốc.

Lần này, sự can thiệp của Trung Quốc cũng vẫn là cần thiết. Ban lãnh đạo mới dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình có thể ngăn chặn thảm họa sắp xảy ra bằng cách yêu cầu Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ và Hàn Quốc.

Ủy viên Quốc vụ chịu trách nhiệm về các vấn đề đối ngoại Dương Khiết Trì, tân Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị là những người có kinh nghiệm nhiều năm về giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Dương Khiết Trì - cựu bộ trưởng ngoại giao và cựu đại sứ Trung Quốc ở Mỹ - biết rõ tầm quan trọng của việc đạt được một giải pháp hòa bình. Việc không đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị từng cầm đầu phái đoàn Trung Quốc tham gia đàm phán sáu bên. Ông này cũng đề cao sự cần thiết của  một giải pháp hòa bình đối với vấn đề hạt nhân của  Triều Tiên. Vốn từng là đại sứ Trung Quốc tại Tokyo, ông Vương Nghị hiểu rõ mức độ dễ bị tổn thương của Nhật Bản, nếu Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, và khả năng người Nhật cảm thấy phát triển vũ khí hạt nhân là điều cần thiết.

Việc bổ nhiệm ông Cù Thiên Khải làm đại sứ Trung Quốc ở Mỹ cũng là một dấu hiệu tích cực. Cù Thiên Khải từng tham gia các vòng  đàm phán sáu bên và là một nhân vật trung tâm trong việc soạn thảo Tuyên bố chung ngày 19/9/2005, trong đó phía Triều Tiên cam kết từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy những đảm bảo an ninh, viện trợ kinh tế và cuối cùng là bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Với việc có một ê kíp ngoại giao hiểu biết Triều Tiên và tình hình Đông Bắc Á cũng như chi phối tới 70% nền kinh tế Triều Tiên trên cương vị nước “bảo hộ” duy nhất, Bắc Kinh hiện có những đòn bẩy đáng kể kiềm chế Bình Nhưỡng. Trung Quốc có thể hạ nhiệt “những cái đầu nóng” ở Bình Nhưỡng và có thể ngăn chặn chiến tranh, nếu Bắc Kinh tính đến đại cục ở Đông Bắc Á và đủ dũng khí để tháo ngòi “quả bom nổ chậm” Triều Tiên.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Lê Chân (theo Asia Times Online)

Bình luận(0)