“Giấc mộng Trung Hoa” và hành động ngang ngược của Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Ban lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang ôm ấp “Giấc mộng Trung Hoa” nhằm đưa Trung Quốc lên vị trí số 1 thế giới vào năm 2049.

 Ảnh minh họa

Trong diễn văn đọc trước Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 ngày 17/3/2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi dân chúng nêu cao tinh thần dân tộc, đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu  thực hiện “Giấc mộng đại phục hưng của dân tộc Trung Hoa”.

Thăng trầm lịch sử

Nhìn lại lịch sử Trung Quốc, sau khi Tần Thủy Hoàng (221-206 trước Công Nguyên) thống nhất đất nước, Trung Quốc có những thời kỳ thịnh trị và tiêu biểu là đời Nhà Đường  (618-907). Các nhà sử học gọi là “Đại Đường thịnh thế”. Ước tính, năm 820, GDP của Nhà Đường chiếm 58% tổng GDP của thế giới, trong khi của Ấn Độ chỉ chiếm 7%, của   Anh và Pháp chỉ chiếm 1,38%.

Tiếp đó, Triều đại Nguyên Mông (1206-1368), cũng là thời kỳ thịnh trị của Trung Quốc. Hốt Tất Liệt (Khubilai Khaan, 1215-1294) đã từng tung hoành khắp Đông-Tây, làm cho thế giới kinh hoàng.

Tới cuối đời nhà Thanh (1616-1911), Trung Quốc bắt đầu suy vong, GDP năm 1894 chỉ còn chiếm 17,6% GDP thế giới. Nhà Thanh bắt đầu suy yếu toàn diện và bị các cường quốc thế giới xâm chiếm xâu xé.

Mở đầu là cuộc “Chiến tranh nha phiến” với nước Anh từ 1839-1842, Trung Quốc bị thất bại thảm hại và phải ký Hiệp ước Nam Kinh (1842) cắt Hong Kong và các đảo gần đó cho Anh cai trị. Năm 1848, Trung Quốc tiếp tục cắt Ma Cau và các đảo phụ cận cho Bồ Đào Nha.

Tiếp đó, Trung Quốc lại bị đại bại trước Nhật Bản vào năm 1894 hay còn gọi là “Chiến tranh Giáp Ngọ”. Hạm đội Bắc Dương của Nhà Thanh, được coi là “Con sư tử châu Á”  đã bị Hải quân Nhật Bản đánh tan tành và Nhà Thanh đã phải ký Hiệp ước  Simonoseki (4/1895) cắt đất cho Nhật Bản, bao gồm đảo Đài Loan và toàn bộ các đảo phụ cận trong đó có Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu ngư cho Nhật Bản. Ngoài ra, Nhà Thanh còn phải bồi thường chiến tranh tới 230 triệu lượng bạc trắng, gấp 3 lần thu nhập tài chính năm 1895 của Trung Quốc và gấp 4 lần thu nhập tài chính của Nhật Bản.

Chưa hết, tháng 8/1900, Liên quân 8 nước (Áo-Hung, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Nga, Anh, Mỹ) tiến đánh Trung Quốc, tiến quân từ Thiên Tân tới Bắc Kinh, khiến triều đình Mãn Thanh phải bỏ chạy. Trung Quốc buộc phải chia cắt Thượng Hải ra từng mảnh để các nước lập tô giới.

“Đại phục hưng Trung Hoa”

Năm 1949, khi nước Trung Quốc mới thành lập, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Chu Ân Lai cũng đưa ra khẩu hiệu “Chấn hưng Trung Hoa”, thực hiện “Đại nhảy vọt” về kinh tế để vượt Anh, Pháp và đuổi kịp Mỹ trong thời gian ngắn. Do các chiến lược và chính sách phát triển kinh tế sai lầm, duy ý chí nên kinh tế Trung Quốc đứng trước bờ vực thẳm của sụp đổ.

Tiếp đó, Trung Quốc phát động cuộc “Đại cách mạng văn hóa” làm đất nước càng tiêu điều. Nên khẩu hiệu “phục hưng” bị bãi bỏ.
 
Kể từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa (cuối năm 1979), kinh tế phục hồi và có bước phát triển  ngoạn mục, nên khẩu hiệu “Chấn hưng Trung Hoa” lại được đưa ra. Khi đó, nhà tư tưởng của Trung Quốc là Hà Tân cho rằng phải khôi phục Trung Quốc trở lại vị trí hàng đầu thế giới như thời nhà Đường, vì vậy khẩu hiệu “Đại phục hưng Trung Hoa” đã thay thế khẩu hiệu “Chấn hưng Trung Hoa”. Đại hội 15 của ĐCS Trung Quốc họp năm 1997 đã chính thức đưa ra khẩu hiệu “Đại phục hưng Trung Hoa”.

Theo chương trình này, Trung Quốc cố gắng đẩy nhanh tăng trưởng GDP. Bởi vậy, từ cuối Thập kỷ 90 tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 10%, hơn 10 năm qua, GDP vẫn duy trì mức tăng trưởng từ 9% trở lên. GDP năm 2004 của Trung Quốc đạt 1.600 tỉ USD, năm 2010  vượt Nhật Bản trở thành thực thế kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Năm 2012, GDP tiếp tục tăng cao đạt  7298.1 tỉ USD. Trung Quốc là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, nước nhập khẩu lớn thứ hai thế giới. Theo kế hoạch tới năm 2049, GDP của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành thực thể kinh tế lớn nhất thế giới.

Dương Nghi Dũng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội thuộc Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc nói, tới năm 2010, Trung Quốc đã thực hiện được 62% “Chương trình Đại phục hưng”, đồng thời khẳng định tới năm 2049 GDP sẽ vượt Mỹ trở thành thực thể kinh tế lớn nhất thế giới.

“Mối đe dọa Trung Quốc”…

Kể từ khi Trung Quốc đưa ra chương trình “Đại phục hưng Trung Hoa”, các nước đã bắt đầu rung tiếng chuông cảnh báo về “Mối đe dọa Trung Quốc”. Họ cho rằng sự phục hưng của Trung Quốc sẽ đi kèm  yêu sách lãnh thổ và bành trướng ra ngoài.

Người đầu tiên nêu ra “Mối đe dọa Trung Quốc” là học giả Leslie H. Gelb của Mỹ đăng trên tờ New York Times ngày 13/12/1991. Tiếp đó là học giả Romans, có bài “Châu Á đứng trước mối đe dọa phục hưng của Trung Quốc”. Học giả Charles Krauthammer của Mỹ có bài “Cần ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc” đăng trên tuần báo Time tháng 7/1995.

Năm 1995, khi xảy ra cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan và Trung Quốc bắn tên lửa đe dọa tấn công hai đảo của Đài Loan, các học giả Đài Loan và Hồng Công cũng đưa ra “Thuyết mối đe dọa Trung Quốc”.

Năm 2005, khi Trung Quốc liên tục đưa ra yêu sách lãnh thổ đối với quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư,  Nhật Bản đã công khai tuyên truyền về “Mối đe dọa Trung Quốc”. Năm 1999, một lần nữa, trong một báo cáo (Cox Report) trước Quốc hội Mỹ, Hạ nghị sĩ Cox lại nhấn mạnh về “Mối đe dọa Trung Quốc”.

Tờ “Bắc Kinh buổi sáng” ra ngày 6/8/2012 cho rằng, việc máy móc đưa ra một số chỉ tiêu về kinh tế, như GDP, chỉ số Engel Coefficient, chỉ số tiêu dùng... để khẳng định “Giấc mộng phục hưng” sẽ hoàn thành vào năm 2049 là hoang đường. Bởi lẽ, một xã hội hưng thịnh phải bao gồm cả vật chất, tinh thần, văn minh, mô thức và giá trị. Tuy GDP đứng thứ hai thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người của Trung Quốc hiện đứng thứ 91 trên thế giới. Cho dù GDP tới năm 2049 đứng đầu thế giới, nhưng còn rất nhiều vấn đề xã hội, dân chủ, giá trị mà tới khi đó chúng ta chưa thực hiện được. Bởi vậy, không nên nhấn mạnh vào “Giấc mộng đại phục hưng Trung Hoa”.

Cho dù có nhiều ý kiến xung quanh  “Đại phục hưng dân tộc Trung Hoa”, nhưng có một điều chắc chắn là  các nước láng giềng nhỏ yếu sẽ phải đối mặt với mối đe dọa của một cường quốc có giấc mộng bá vương.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:


Kiều Tỉnh

Bình luận(0)