Vì sao Mỹ không công khai ủng hộ Nhật về Senkaku/Điếu Ngư?

Google News

(Kiến Thức) - Hy vọng của Thủ tướng Abe về việc Mỹ sẽ công khai hỗ trợ Nhật Bản trong vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã không thành sự thật.

 Tổng thống Obama tiếp Thủ tướn Abe tại Nhà Trắng.

Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nhật Bản đến Mỹ, những tuyên bố công khai của Tổng thống Mỹ về đề tài này có vẻ rất kiềm chế. Tuy nhiên, ông Barack Obama đã nhắc lại cam kết liên minh quân sự giữa hai nước.

Thực tế việc Tổng thống Obama không bày tỏ công khai quan điểm đối với vấn đề quần đảo Senkaku có thể được giải thích bởi một số lý do. Lý do chính là lợi ích kinh tế của Mỹ. Việc gì phải chọc giận Trung Quốc, đất nước đã vượt Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới, đồng thời là đối tác thương mại quan trọng và nước chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Washington đang tìm kiếm một sự "thăng bằng bấp bênh" giữa liên minh với Nhật Bản và quan hệ với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, các chuyên gia nhận định.

Mặt khác, Washington có thể sử dụng quan điểm của mình về vấn đề lãnh thổ như một yếu tố áp lực lên Tokyo. Mỹ không hoàn toàn hài lòng với lập trường của Nhật Bản trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tokyo cho đến nay vẫn từ chối loại bỏ các rào cản thương mại kiềm chế nhập khẩu xe ô tô Mỹ và các sản phẩm khác.

Chuyên gia Nga Valery Kistanov nói: “Có lẽ là bằng cách này, Tổng thống Obama muốn nói rằng, Mỹ không hài lòng với quan điểm của Nhật Bản trong việc tham gia quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương. Cấu trúc mới trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương trên thực tế là một khu vực thương mại tự do với đặc điểm khác biệt chính là miễn hoàn toàn thuế xuất nhập khẩu. Mỹ chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán và họ rất quan tâm đến TTP. Mỹ rất mong Nhật Bản cùng tham gia hiệp định vì Nhật là thị trường quan trọng cho các công ty Mỹ. Đặc biệt là Mỹ muốn mở tại đây thị trường xe hơi, bảo hiểm, thị trường thịt và hàng nông nghiệp. Trong khi những người Nhật đang phản đối điều này. Nếu như các công ty lớn của Nhật Bản muốn tham gia TTP vì họ cần những thị trường mới thì những nông dân Nhật kịch liệt phản đối việc này vì nhận thức rõ rằng nông nghiệp Nhật Bản sau đó đơn giản là sẽ bị hủy hoại do không thể cạnh tranh nổi với các sản phẩm rẻ hơn của Mỹ hay của Australia. Thủ tướng Abe đang do dự. Và có lẽ là Mỹ đang cố gắng gây áp lực bằng cách sử dụng lời lẽ kiềm chế trong vấn đề quần đảo Senkaku, mặc dù vẫn quan tâm đến Nhật Bản như một đối tác chiến lược để thúc đẩy những lợi ích của mình trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.

“Mỹ lo ngại rằng, nếu như mọi việc sẽ dẫn đến đụng độ quân sự thì những hậu quả của nó sẽ thật khó lường” ông Valery Kistanov cho biết. Người Mỹ có thể sẽ bị lôi kéo vào đó. Tuy nhiên, về nguyên tắc, chính sách của Washington là không thay đổi. Đó là thực tế các đảo nằm trong phạm vi hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Và trong trường hợp chúng bị tấn công, Mỹ sẽ phải đến hỗ trợ đồng minh. Đồng thời, Mỹ cũng không khẳng định dứt khoát chủ quyền của quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là thuộc nước nào. Họ đánh tiếng rằng “các vị hãy tự thỏa thuận với nhau”.

Không đạt được sự hỗ trợ hoàn toàn của Washington trong vấn đề xung đột chủ quyền quần đảo, ông Shinzo Abe đã giải thích cho ông Obama rằng, Nhật Bản sẽ giải quyết tranh chấp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư một cách điềm tĩnh và dự định tiếp tục như vậy trong tương lai.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:



Văn Bình (theo VOR)

Bình luận(0)