Biển Hoa Đông lại “sôi sùng sục”

Google News

 Biển Hoa Đông lại “sôi lên sùng sục” sau một loạt diễn biến quân sự đáng lo ngại của cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản.

 Tàu tuần duyên Nhật Bản và tàu công vụ Trung Quốc quần nhau ở vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư.

Nhật Bản thành lập lực lượng đặc nhiệm bảo vệ Senkaku

 
Để tăng cường an ninh xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã quyết định thành lập một đơn vị đặc nhiệm gồm 600 thành viên. Lực lượng này sẽ đặc trách thực hiện những nhiệm vụ ở tuyến đầu trong vùng lãnh hải “đầy sóng gió” quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư – nơi tàu thuyền và máy bay Trung Quốc thường xuyên “khuấy động”.

Cùng với việc lập đội đặc nhiệm chuyên trách, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển cũng triển khai thêm 12 tàu ở Ishigaki, quận Okinawa. Trong số này sẽ có 10 tàu tuần tra mới và 2 tàu khu trục có thể mang theo trực thăng, báo chí địa phương hôm qua (29/1) cho biết.
 
Một đại diện của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản giải thích, sở dĩ họ phải thành lập một đội đặc nhiệm bảo vệ Senkaku là do tàu thuyền Trung Quốc giờ đây xuất hiện liên tục, gần như hàng ngày ở quần đảo tranh chấp này. Việc thành lập một lực lượng chuyên trách như vậy là cần thiết nhằm xử lý tốt hơn các cuộc xâm nhập có thể xảy ra của tàu thuyền Trung Quốc “vào lãnh hải Nhật Bản” trong một thời gian dài.
 
Ngoài ra, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản còn có kế hoạch bổ sung thêm lực lượng và thiết bị trong 3 năm tới, chủ yếu là cho chi nhánh Ishigaki của Đơn vị Bảo vệ Bờ biển số 11 – cơ quan chịu trách nhiệm giám sát vùng lãnh hải quanh quận Okinawa.
 
Kể từ khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 năm ngoái, tàu thuyền Trung Quốc liên tục ra vào khu vực lãnh hải gần quần đảo tranh chấp này. Sự hiện diện của tàu thuyền Trung Quốc ở vùng tranh chấp thuộc biển Hoa Đông diễn ra gần như hàng ngày trừ lúc thời tiết xấu. Tất cả đã có 24 ngày, tàu thuyền Trung Quốc bị cáo buộc xâm nhập vào vùng lãnh hải của Nhật Bản. Mỗi lần như vậy, người ta thường thấy Trung Quốc huy động từ 10 tàu thuyền trở lên. Tuy nhiên, hiện nay, con số đã giảm xuống còn khoảng 5 tàu thuyền.
 
Trung Quốc giảm số lượng tàu thuyền ở vùng tranh chấp nhưng các “vụ xâm nhập” ngày càng táo bạo hơn. Tokyo đã vô cùng tức giận khi hôm 7/1 vừa rồi, 4 tàu Trung Quốc đã “ở trong vùng lãnh hải” của nước này suốt 13 giờ đồng hồ, từ trưa ngày hôm trước đến sáng sớm ngày hôm sau.
 
Để phản ứng với những vụ việc tương tự, phía Nhật Bản cho rằng, việc triển khai những con tàu tuần tra 1.000 tấn hoặc lớn hơn là thích hợp nhất. Tuy nhiên, Đơn vị Bảo vệ Bờ biển số 11 của Nhật Bản hiện tại chỉ có 7 chiếc tàu như thế. Vì vậy, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đang phải huy động tàu tuần tra lớn từ các đơn vị khác trên khắp cả nước. Tokyo cũng bắt tay vào đóng mới 4 tàu tuần tra 1.000 tấn trong năm tài chính này. Nhật cũng dự định dùng ngân sách bổ sung để đóng thêm 6 con tàu loại này.
 
Trung Quốc đưa tàu tuần tra "cực khủng” đến Điếu Ngư/Senkaku

Báo chí Trung Quốc tung tin nước này sẽ điều tàu tuần tra lớn nhất thế giới với lượng choán nước 15.000 tấn đến khu vực tranh chấp với Nhật Bản.
 
Theo các nguồn tin báo chí, tàu Ngư chính 88 (Yuzheng 88) – chiếc tàu tuần tra có trọng tải hơn chục nghìn tấn đầu tiên của Trung Quốc – sẽ được triển khai đến khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhiệm vụ của con tàu này được tuyên bố  là để giám sát các hoạt động đánh bắt cá gần quần đảo tranh chấp.
 
Tàu Ngư chính 88 dài 171,4m, rộng 24,8m, có khả năng thực hiện một hành trình liên tục dài tới 10.000 hải lý và có lượng choán nước lên tới 15.000 tấn.
 
Trong nhiều tháng qua, Trung Quốc liên tục tăng cường dùng các tàu tuần tra, tàu hải giám, tàu bán quân sự để gây khiêu khích ở vùng biển tranh chấp. Việc Trung Quốc đưa một tàu tuần tra cực “khủng” như trên đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã cho thấy rõ sự quyết tâm của nước này trong tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Tính đến tháng 5/2011, Trung Quốc có khoảng 300 tàu tuần tra biển, gồm 30 tàu có trọng tải trên 1.000 tấn, và 10 máy bay, bao gồm 4 trực thăng, để giám sát an ninh hàng hải.

Gần hai thập niên trở lại đây, nhằm mở rộng chiến lược năng lượng và tìm mọi cách để “khẳng định chủ quyền” ở các vùng biển tranh chấp, Trung Quốc đã đẩy mạnh đội tàu tuần tra, ngư chính và hải giám. Thực chất đây là những phương tiện quân sự giả danh tàu dân sự thực hiện các nhiệm vụ quấy nhiễu và xâm phạm vào vùng biển của các nước khác. 

Ngoài các tàu mang tên tàu tuần tra, hải giám, Trung Quốc còn có nhiều tàu khác cải trang thành tàu dân sự để thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát các vùng biển không thuộc về Trung Quốc.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:

TIN LIÊN QUAN:




Theo VnMedia

Bình luận(0)