ThS. Bạch Quốc Khánh: “Bố chỉ muốn tôi có nghề tử tế”

Google News

(Kiến Thức) - Bố của Thạc sĩ Bạch Quốc Khánh (Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu T.Ư) là cố GS Bạch Quốc Tuyên - Viện trưởng đầu tiên và là người đã có công thành lập, xây dựng ngành Huyết học - Truyền máu. 

Nhớ về cha, ThS Bạch Quốc Khánh bùi ngùi: "Ông rất nóng tính, không ít lần hai bố con có xung đột, nhưng tất cả chỉ vì muốn tôi nên người, có một cái nghề tử tế".

Không ít lần bố cáu um

Hồi nhỏ, Khánh là một học sinh có kết quả học tập không đến nỗi nào, nhưng... thường xuyên phải mời bố mẹ đến trường vì những trò nghịch ngợm. Mỗi lần như thế, ông bố lại cáu um. Cậu con vâng dạ hứa từ nay không tái phạm, nhưng lần sau lại... tiếp tục bị mời phụ huynh đến. "Tội" thì nhiều lắm: mất trật tự, hay trêu bạn trong giờ học... Bố nóng tính, con thì hiếu động, lại ở lứa tuổi ẩm ương nên ngang ngạnh, không ít lần Khánh làm cho bố muốn nổi điên vì thằng con bất trị... Theo thời gian, Khánh "thuần" dần. Bây giờ, anh lại thừa nhận mình cũng ảnh hưởng một chút nóng tính "di truyền" từ bố.

Hồi cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước, các trường như Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Ngoại giao, Đại học Ngoại thương đang là "mốt". Bạch Quốc Khánh lúc đó đang là cậu học sinh cuối cấp, cũng nhăm nhăm thi vào 1 trong 3 trường đó. Nhưng chỉ sau một cuộc nói chuyện với bố, anh đã thay đổi quyết định, làm đơn thi vào Đại học Y Hà Nội. Anh cho biết: "Hai bố con ít khi nói chuyện với nhau. Nhưng những vấn đề chính, quan trọng, là hai bố con lại ngồi lại. Ông nói, mình thấy được thì làm theo". Sau mấy năm ở trường y, đến khi thi nội trú, Khánh nhấp nhổm vào ngoại khoa. Lại có cuộc nói chuyện tiếp theo, lần này là cuộc nói chuyện khá dài và sau đó Khánh hướng đến ngành huyết học. Khánh không nhớ chính xác bố đã nói gì, chỉ nhớ đại ý bố muốn trong gia đình có người theo ngành huyết học - ngành mà ông đã dầy công xây dựng.

GS Bạch Quốc Tuyên lúc đang công tác. 

Nếu như ông sống thêm...

"Lúc còn công tác, bố tôi hầu như suốt ngày ở bệnh viện", ThS Bạch Quốc Khánh kể. "Ông đi làm sớm, về muộn. Hồi đó, chúng tôi cũng như nhiều trẻ em khác phần lớn là tự học, bố mẹ chỉ nhắc nhở, tạo điều kiện học tập. Nhưng tôi nhớ, khi tôi học lớp 2, lớp 3, bố đã tìm sách tiếng Anh dạy cho tôi. Hồi đó, các trường phổ thông chưa dạy ngoại ngữ, không có sách tiếng Anh cho trẻ em. Tôi được học tiếng Anh từ sách người lớn bởi "thầy giáo bố" và thấy rất dễ hiểu, nhớ rất lâu. 

GS Bạch Quốc Tuyên có 3 người con: 2 gái, 1 trai nhưng người con trai út Bạch Quốc Khánh làm ông bận tâm hơn cả bởi sự ngang ngược, hiếu động chứ không "thuần tính" như hai cô chị. ThS Bạch Quốc Khánh nói: "Thực ra, yêu cầu của bố tôi chỉ là con cái học hành tử tế, làm việc tử tế. Điều ông muốn chúng tôi nhớ là phải tập trung làm tốt nghề của mình, đừng "đứng núi này trông núi nọ" dù bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào". 

Năm 1990, GS Bạch Quốc Tuyên bị tai biến khiến liệt nửa người. Sau lần đó, ông vẫn làm việc dù biết điều đó là nguy hiểm. Sau khi bị tai biến, ông trở nên khó tính hơn. Ông mất năm 1998, khi 75 tuổi. Nói chuyện về cha, ThS Bạch Quốc Khánh bày tỏ sự tiếc nuối: "Nếu như ông sống thêm 5 hay 10 năm nữa, thấy sự trưởng thành của con cái và sự phát triển của Viện Huyết học- Truyền máu... chắc chắn ông sẽ rất hài lòng".

GS Bạch Quốc Tuyên (1923 - 1998) là người gốc xứ Nghệ. Ông đi theo kháng chiến, học y, làm bác sĩ quân y. Sau giải phóng, ông học chuyên ngành huyết học truyền máu rồi về làm Chủ nhiệm Khoa Huyết học, Bệnh viện Bạch Mai). Đến năm 1984, khi thành lập Viện Huyết học -Truyền máu, ông làm Viện trưởng cho đến năm 1992 thì về hưu. Ông có 3 người con: Con gái cả công tác trong ngành hóa dệt, con gái thứ 2 là PGS.TS Bạch Khánh Hòa (nguyên Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc, Viện Huyết học - Truyền máu, người vừa được giải Kovalevskaia 2012 bởi nhiều công trình khoa học có giá trị), con trai út là ThS Bạch Quốc Khánh, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu. 

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Hoài Hương

Bình luận(0)