NSND Đặng Nhật Minh: “Tự hào vì cha là một nhà bác học“

Google News

(Kiến Thức) - Là một đạo diễn, gắn bó với nghệ thuật điện ảnh, nhưng trong cuộc sống riêng, NSND Đặng Nhật Minh luôn đau đáu nỗi niềm về cha mẹ mình - GS Đặng Văn Ngữ. 

Nói về cha, NSND Đặng Nhật Minh bần thần tiếc nuối: "Cha tôi chưa kịp sử dụng hết kiến thức của mình, kiến thức của ông rộng lắm, ông không chỉ là một bác sĩ thông thường mà là một nhà bác học".

Chiếc kính hiển vi

"Tôi được gần bố rất ít. Khi tôi 4 - 5 tuổi, ông cụ đã sang Nhật du học. 7 năm sau, khi tôi 11 tuổi, ông mới về nước", NSND Đặng Nhật Minh kể về bố trong dòng hồi tưởng chảy dài.

Gặp bố sau từng ấy năm xa cách - đương nhiên là vui. Nhưng trong cái giây phút hội ngộ ấy cậu bé Minh dường như chỉ chú tâm hồi hộp theo dõi bố và mẹ. Hình ảnh bố chạy từ trên đồi xuống, mẹ nhìn thấy bố nhưng lại quay ngang, lội dọc con suối... khiến trái tim cậu bé như thắt lại. 7 năm bố du học ở Nhật, 3 mẹ con từ Hà Nội phải chuyển về Huế sinh sống. Rồi một ngày nhận được tin bố đã từ Nhật qua Thái Lan, qua Lào về nước, đang ở chiến khu Việt Bắc, 3 mẹ con tay nải gồng gánh bế bồng nhau lên đường... Có được cái hạnh phúc hội ngộ ấy nhưng cực nhọc nhường nào...

GS Đặng Văn Ngữ. 

Khi GS Đặng Văn Ngữ từ Nhật về với Kháng chiến, trong hành trang của ông có một chiếc kính hiển vi để làm quà cho cậu con trai. Những ngày ở chiến khu, cậu bé Minh rất thích thú với trò bắt muỗi, kiến... rồi soi vào kính hiển vi. Hết chơi với kính hiển vi, Minh còn chơi trò bác sĩ, vờ khám rồi tiêm thuốc cho các em. Một cách vô thức, hình ảnh, công việc hằng ngày của bố đã ảnh hưởng đến Minh và 2 người em của mình. Con đường nối nghiệp cha để trở thành một bác sĩ đã định hình ngay từ ngày ấy. Tuy vậy, số phận đưa đẩy khiến không ai trong số những người con của GS Đặng Văn Ngữ nối nghiệp cha. 

Sau này, gia đình di chuyển nhiều nơi, nhiều đồ đạc bị mất, nhưng chiếc kính hiển vi cha mang về từ Nhật vẫn được Đặng Nhật Minh gìn giữ như một báu vật.

Chiếc kính hiển vi cha mang về vẫn được NSND Đặng Nhật Minh gìn giữ
như một báu vật. 

Lá thư cuối cùng

Nhìn nhận về cha mình, NSND Đặng Nhật Minh nói: "Cha tôi là một nhà khoa học nên đam mê lớn nhất của ông là nghiên cứu khoa học. Niềm đam mê này lớn hơn cả gia đình, vợ con". Giờ giấc sinh hoạt của GS Đặng Văn Ngữ không như người bình thường. Hằng ngày, ngoài 8 tiếng làm việc như mọi người, ăn cơm xong là ông lại vào phòng thí nghiệm nghiên cứu những con muỗi và vi trùng. Phòng thí nghiệm của trường Đại học Y ở tầng 2 phố Lê Thánh Tông, Bộ môn ký sinh trùng và Côn trùng là nơi gắn bó với ông nhiều nhất . Thời gian sau đó là phòng thí nghiệm Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng trên đường Lương Thế Vinh. 

Trong cuộc sống hằng ngày, GS Đặng Văn Ngữ điềm đạm, ít nói, không nóng nảy. Mỗi khi ra đường, đặc biệt là khi đứng lớp, bao giờ cụ cũng đeo caravat rất chỉnh tề chứ không mặc áo sơ mi hở cổ. Là người gốc Huế, cụ ăn uống rất đạm bạc. Món ăn mà cụ thích nhất là "thịt phay", tức thịt lợn ba chỉ luộc chấm với nước mắm, ăn kèm mấy lát gừng, khế xanh, hành, rau thơm. Tuy nhiên, cụ không chấm thịt vào nước mắm mà lấy chiếc thìa con rưới nước mắm lên miếng thịt đặt sẵn trong bát. Dù cơm ngon hay không, mỗi bữa cụ chỉ ăn đúng 2 bát, không hơn, không kém. 

Nghiêm khắc với chính mình nhưng với mọi người, đặc biệt là con cái, cụ luôn tôn trọng và không bao giờ ép buộc điều gì. Trong việc dạy con, cụ không ngồi giảng giải phải nên thế này thế kia mà truyền lại cho con, dạy con qua cách sống của chính mình. 

Năm 1967, trước khi vào chiến trường để nghiên cứu tìm văcxin chống sốt rét cho bộ đội, GS Đặng Văn Ngữ viết thư cho con, dặn dò: "Thỉnh thoảng các con xuống Viện Sốt rét, vào căn phòng của Ba, lau chùi dọn dẹp trong phòng. Đồ đạc cứ để nguyên như cũ... như khi Ba đi công tác xa. Có đôi bít tất Ba thay ra vẫn chưa giặt, các con giặt hộ...". Không ngờ, đấy là những lời dặn dò cuối cùng của GS Đặng Văn Ngữ với các con. Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng viết về cha mình như sau: "Lòng thương yêu vô bờ bến đối với con người, sự gắn bó máu thịt với đất nước, đó là những di sản tinh thần mà cha tôi đã để lại cho chúng tôi". Khi hỏi điều gì ông đã thừa hưởng được từ cha mình, ông nói: Đó là nhân cách và sự say mê đối với công việc.

GS Đặng Văn Ngữ sinh năm 1910 trong một gia đình Nho giáo gốc Huế. Ông là một bác sĩ y khoa nổi tiếng của nền y học hiện đại Việt Nam, bác sĩ đầu ngành nghiên cứu về ký sinh trùng và côn trùng ở Việt Nam. Ông nổi tiếng với việc chế tạo nước lọc Penicilline trong Kháng chiến chống thực dân Pháp và công cuộc tiêu diệt sốt rét tại miền Bắc sau hòa bình lập lại. Ông mất năm 1967 vì trúng bom khi đang công tác ở phía Tây Phong Điền tỉnh Thừa Thiên, để lại nhiều công trình khoa học còn dang dở. 

BÀI LIÊN QUAN

Hoài Hương

Bình luận(0)