Ký ức của một bác sĩ quân y: Đói là đáng sợ nhất

Google News

(Kiến Thức) - Hỏi BS Đào Bá Vy (nguyên Trưởng khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Quân y 354) về những năm tháng chiến tranh, ông ấn tượng nhất điều gì, không ngần ngại, ông trả lời luôn: "Đói là cái sợ nhất".

Chết vì đói

Trong căn nhà tiện nghi, vật chất đủ đầy, giữa thời bình, nhưng BS Đào Bá Vy vẫn rùng mình khi nhớ lại những ngày chiến tranh, chịu đựng cái đói ở chiến trường. "Đói sợ lắm cô ạ" - Ông nhấn mạnh, nhắc đi nhắc lại mấy lần. Bộ đội đi lấy gạo, chắc giữa đường mệt quá mắc võng nằm. Mãi không thấy về, đơn vị cử người đi tìm, hóa ra người được cử đi lấy gạo đói quá mà chết; đói, người lả đi, rồi cứ thế "đi" hẳn. Mỗi ngày, mỗi người chỉ được 0,05kg gạo thì làm gì mà không đói.

Có lần, trong bữa ăn, có anh lính tỉ mỉ tãi từng hạt cơm ra, đếm được bát cơm có 130 hạt. Anh reo lên như một phát hiện mới. Mọi người ồ lên và bắt đầu thi nhau đếm hạt trong bát của mình. Cứ đổ nước vào, tãi hạt cơm ra để đếm. Có anh sau đó đếm được 150 hạt. Vậy là mọi người đùa, bảo anh này ăn tham, chọn ngay suất to để ăn. Đói đến rủn cả người, tê liệt hết cảm giác. Ai đã trải qua cái đói ở chiến trường mới thấu hiểu.

"Chiến trường gian khổ thế đấy!" - BS Đào Bá Vy vẫn chưa nguôi nỗi sợ khi kể lại. Sợ cái đói nhưng trong "Nhật ký về đói" BS Đào Bá Vy viết rất chân thực: "Khó khăn nhiều, đói nhưng không được rời tay súng, bám chắc địa bàn, phục vụ tốt. Ưu tiên thương bệnh binh, đảm bảo tiêu chuẩn trên quy định cho anh chị em...". Và: "Hãy biết sống cả những khi gian khổ tưởng không thể chịu đựng được nữa...".

Thẻ "Phòng không nhân dân" được BS Đào Bá Vy cất giữ rất cẩn thận. 

Sợ chiến tranh lắm rồi

Sau cái đói, bộ đội phải đối mặt với bom đạn. Bác sĩ quân y cũng như bộ đội trực tiếp chiến đấu, đã ra chiến trường là phải đội bom. Có thời điểm ông còn đi đếm máy bay B52. "Khi có cấp báo: khu vực BS Đào Bá Vy có B52. Tôi đứng nhìn, đếm máy bay. Khi nó bay vòng vòng tức là chuẩn bị ném bom. Lúc đó tôi mới chạy xuống hầm. Nó bổ nhào xuống tức là ném bom". 

Tiếp tục mạch chuyện, BS Đào Bá Vy kể: "Tôi ngồi dưới hầm, máy bay đi qua trên đầu. Mình nghĩ thầm: Lạy chúa, quả này này... quả này này... Ùm cái, lại thôi. Bom rơi chỗ khác. Lúc kêu ríu cái là bom đang rơi xuống. Đi chiến trường từng đấy năm, đúng nơi ác liệt (chiến trường Bình Trị Thiên), không trúng quả bom nào là "gáo" phải vững lắm". Vẫn đùa, cho rằng "gáo" (tức cái đầu của mình vững), nhưng BS Đào Bá Vy vẫn than: "Bom thì sợ lắm cô ơi". Không bị bom rơi trúng đầu, nhưng BS Đào Bá Vy cũng đã bị bom bi găm vào ruột, vào chân lỗ chỗ khiến ông giờ là thương binh hạng 4. Là thương binh, nhưng ông cho rằng mình vẫn còn may chán so với nhiều đồng đội. 

Công tác trong ngành quân y từ năm 1949, BS Đào Bá Vy nhiều lần ra chiến trường, về hậu phương, rồi lại ra chiến trường. Năm 1972, ông về Bệnh viện 354 đúng lúc Hà Nội có trận Điện Biên Phủ trên không. Ông cùng các cán bộ Bệnh viện 354 lúc nào cũng trực chiến, với túi thuốc trên vai, ở đâu có bom rơi, sau loạt bom lại lao đến đấy cấp cứu. Ký ức kinh hoàng: Bác sĩ cùng bộ đội và nhân dân cứ nghe hầm chỗ nào có tiếng kêu thì đào bới. Người chết nhiều vô kể. Bác sĩ ưu tiên cứu người đang bị thương. Nói là sợ bom chứ cán bộ quân y luôn luôn trên mặt đường, đã quen với bom đạn rồi nên "nhờn", lúc đó vẫn cười phe phé. Chỉ bây giờ nhớ lại thì thấy sợ. 

Trong 12 ngày đêm khói lửa, ở Khâm Thiên người chết nhiều nhất. BS Đào Bá Vy vẫn nhớ cô hạ sĩ tên Ngừng lúc đó là lái xe chở ông đi cấp cứu nạn nhân sập hầm, con đường từ Ô Chợ Dừa ra khách sạn Kim Liên bây giờ (tức sau phố Khâm Thiên) là đống đổ nát, hoang tàn. Bây giờ, thời gian đã đi qua, phủ bụi tầng tầng lớp lớp, nhưng mỗi khi có việc đi qua phố Khâm Thiên, BS Đào Bá Vy lại không thể quên cảnh đổ nát năm 1972. Thỉnh thoảng, ông lại lôi cái thẻ "Phòng không nhân dân" - thẻ đặc biệt dành cho người có nhiệm vụ được đi trên mặt đường trong 12 ngày đêm khói lửa ra ngắm nghía, nhớ lại một thời không thể quên.

TIN LIÊN QUAN:

Hoài Hương

Bình luận(0)