Lợi - hại “chiêu” quản con bằng công nghệ

Google News

Nhiều ông bố bà mẹ quên mất rằng, điều những đứa trẻ mới lớn cần chính là một người bạn lớn, là bố mẹ… chứ không phải máy móc vô tri theo dõi con mình.

Chuẩn bị đi công tác ở Nhật 3 tháng, nhà chỉ có hai mẹ con, chị Lê Thị Ninh Lan (Phú Nhuận, TPHCM) quyết định kêu người về nhà lắp camera nhằm quản lý con chặt chẽ. Tuy nhiên, chị đã không lường trước được phản ứng của đứa trẻ mới lớn.

Lợi hại song hành

Theo yêu cầu của chị Ninh Lan, nhân viên công ty lắp đặt camera đến bố trí thêm camera trong phòng ngủ, và phòng khách, nhưng đến lần thứ tư mới hoàn tất được việc lắp đặt, vì cô con gái chị Lan phản ứng mạnh. Tuy nhiên, người mẹ vẫn quyết tâm cho lắp camera vì đã nghe rất nhiều người cảnh báo việc cha mẹ đi công tác xa lâu ngày, con gái ở nhà bỏ học, đàn đúm bạn bè, thậm chí dẫn người yêu về nhà làm “chuyện người lớn”.

 Ảnh minh họa.

Sang Nhật, làm việc tất bật, nhưng chị Ninh Lan không quên thường xuyên theo dõi trên máy tính xem con gái đang làm gì. Nắm rõ lịch của con, chỉ cần cô bé đi học về trễ, ngủ lâu quá hay tối đi học Anh văn về khuya, chị đều kịp thời gọi về “điều chỉnh”.

Có lần, cuối tuần, con gái dẫn các bạn về nhà chơi, có cả nam lẫn nữ, tổ chức ăn uống, tiệc tùng hơi trễ, chị đã mắng con một trận nên thân. Đặc biệt, trong nhóm bạn có một cậu bé có vẻ “quan tâm đặc biệt” đến con gái chị, và cô bé cũng có dấu hiệu quý mến cậu bạn hơn mức bình thường, chị đã hăm he con phải “chấm dứt mối quan hệ ấy ngay”. Kết thúc buổi nói chuyện là cuộc cãi vã của hai mẹ con, cô bé con chị khóc nức nở.

Sáng hôm sau, chị không cách nào trông thấy được căn phòng con gái qua camera nữa. Gọi nhân viên công ty đến, nhân viên này cho biết camera đã bị... dán keo đen lên mặt. Sau khi bóc keo ra, ngay hôm sau, tín hiệu lại mất. Lần này thì camera đã bị đập vỡ bằng vật nhọn. Điện thoại con gái cũng không liên lạc được, gọi cho người làm thì người làm cho biết con gái chị nhất quyết không chịu nghe điện thoại. Lo lắng, chị Lan đành bỏ dở công việc và bay về với con...

Thấy con trai đang học cấp 3 thời gian này có dấu hiệu thất thường trong sinh hoạt, vợ chồng anh Hoàng Minh Tấn (Gò Vấp, TPHCM) đã bỏ công tìm hiểu và quyết định chi số tiền gần 1.000USD để lắp đặt phần mềm theo dõi trong chiếc điện thoại xịn của con. Sau khi kiểm soát được mọi hành động của con bằng phần mềm trên với các công dụng kiểm soát địa điểm có mặt, xem lại thông tin và nghe lại toàn bộ các cuộc gọi, chụp ảnh từ xa..., anh chị đã phát hiện ra con trai mình có bạn gái và thỉnh thoảng lại cùng bạn gái vào... nhà nghỉ sau giờ học.

Thậm chí, vài lần cậu chàng còn dối cha mẹ đi học nhóm để đưa bạn gái vi vu ra ngoại ô thành phố ăn chơi với bạn gái. Phát hiện này giúp anh chị kịp thời chấn chỉnh con. Chiếc xe máy xịn bị tịch thu, thay vào đó anh chị chở con đi học mỗi ngày. Bố mẹ cô bé kia cũng được báo cho biết để kết hợp quản lý con.

Xâm phạm quyền cá nhân của con?

Tuy nhiên, không phải bậc cha mẹ nào cũng có cái may mắn nhờ các thiết bị mà quản lý được con và hướng cho con mình sống tốt, lành mạnh hơn. Nhiều bậc cha mẹ, sau khi sử dụng công nghệ nhằm quản lý sinh hoạt của con, bị con phát hiện ra, phản ứng càng tiêu cực, nổi loạn.

Như chị Minh Thanh, Đồng Nai, đã tâm sự với bạn chị rằng chị hối hận sau khi cài đặt phần mềm quản lý điện thoại con mình từ xa. Thực ra thì Minh Lâm, con trai chị cũng chẳng phải đứa  hư hỏng gì, chỉ hơi cứng đầu một chút. Nghe lời em gái khuyên, chị cũng thử tốn kém tiền để sử dụng thiết bị kiểm soát con xem sao, “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Ai ngờ, con trai chị hay mày mò nên giỏi công nghệ, sớm phát hiện ra.

Có lần, chị nghe lại cuộc gọi của con với một người bạn, chợt giật mình khi nghe con nói: “Mày biết không, mẹ tao bây giờ tự nhiên cài điện thoại nghe lén tao nữa chứ. Hồi đó tới giờ tao có hư hỏng gì mà mẹ tao làm vậy. Đã vậy tao hư luôn cho mẹ tao biết”. Chị biết con cố ý nói cho mình nghe, thấy đắng cả lòng. Ngay sau đó, chị cắt dịch vụ theo dõi cuộc gọi. Rồi lại lo ngay ngáy vì thấy con trai có dấu hiệu “nổi loạn” thật. Chị loay hoay không biết làm cách nào để lấy lại lòng tin và sự chia sẻ của con...

Cái sai của nhiều ông bố bà mẹ là mải lo làm ăn, đã quên chú ý đến việc bảo ban, định hướng tinh thần cho con, quên chia sẻ và tâm sự với con. Đến khi thấy có những dấu hiệu không hay, hoặc nghe phong thanh “chuyện này chuyện nọ” về sự hư hỏng thanh thiếu niên mới lớn, liền tìm cách “chữa lửa” bằng công nghệ.

Các ông bố bà mẹ ấy quên mất rằng, điều những đứa trẻ mới lớn cần chính là một người bạn lớn, là bố mẹ, bằng lối sống gương mẫu, bằng sự sẻ chia, chuyên trò, quan tâm và gỡ rối, chứ không phải máy móc vô tri để theo dõi con mình. Nửa trẻ con nửa người lớn, những đứa con ấy càng dễ tổn thương, càng cảm thấy bị xúc phạm, càng bị đẩy xa cha mẹ hơn bởi những thiết bị công nghệ thiếu tình thương và xâm phạm thô bạo đến quyền cá nhân của con trẻ.

Trẻ con cũng có quyền

Nhiều người lớn nghĩ rằng, là trẻ con nghĩa là không có quyền và người lớn muốn làm gì cũng được. Suy nghĩ đó hoàn toàn sai lầm. Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới tham gia Công ước về quyền trẻ em. Nội dung Công ước cho thấy trẻ em có đầy đủ các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, thể hiện qua 4 nhóm quyền: quyền được sống còn, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia.

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Pháp Luật Việt Nam

Bình luận(0)