Năm nay, nhà mình sẽ tự nấu bánh chưng!

Google News

(Kiến Thức) - Ngày Tết bây giờ, chỉ cần một đôi bánh chưng bày bàn thờ, thêm đôi ba chiếc đãi khách là đủ. Chả bõ công gói ghém, người ta dắt nhau đi mua cho nhanh, cho tiện!


 LTS: Gói bánh chưng xanh, viết thư pháp đỏ, tíu tít rủ nhau đi chợ phiên, mừng vui khi mẹ may áo mới, nồi nước mùi già bốc lên thơm cả nhà phảng phất… Những kí ức đẹp và vui tươi của thời thơ bé nay không còn nữa.

Hãy cùng chúng tôi mua "một chiếc vé đi tuổi thơ", háo hức trở về ngày xưa, để tim đầy cảm hứng cùng dòng bài: Sống lại Tết xưa.

Đã có một thời, gói bánh chưng là việc quan trọng nhất trong ngày Tết của mọi nhà. Nay thì chả mấy ai chạy đi mua lá dong, bày nếp trắng đỗ xanh, thịt lợn, gói gém, rồi thức đêm ngồi canh bên nồi bánh nghi ngút khói.

Nhà tôi thì vẫn gói. Bởi mẹ tôi thích được tặng cho người thân, bạn bè, con cái. Bởi mẹ tôi thích cái cảnh con cái, cháu chắt quây quần quanh cái chiếu, rổ gạo, thau đỗ; bởi mẹ tôi thích cái mùi củ khoai mật vùi thật sâu trong lớp than luộc bánh, và mùi nước lá mùi thơm lừng bốc lên ở nồi nước đặt ké bên cạnh...

Tôi, như mọi người trẻ khác, sát Tết vẫn cắm cúi đi làm. Hôm nay, chợt ngồi nhìn mấy tờ lịch đã xé qua ngày Táo công mới giật mình: Ối, vậy là sắp tết rồi, nhanh thật. Thế mà vẫn chưa ghé qua mẹ, xem mẹ chuẩn bị được gì. Mẹ tôi có thói quen chuẩn bị Tết trước cả tháng trời.

Mẹ cứ lo lo, liệu liệu mọi việc làm chị em mình khi còn ở nhà cũng bị cuốn theo. Mẹ nói, cứ đến tết là phải luộc bánh chưng, bánh tét, mua đồ khô, măng khô, đồ nấu thịt đông... thiếu cái gì với mẹ cũng là thiếu Tết, nhất là món bánh chưng. Mẹ vẫn thường nhắc chị em tôi: Mình ăn ít nhưng phải tự gói bánh cho trẻ con nó hiểu, nó biết chứ đừng có kêu bận mà đi mua, trẻ con nó sẽ không biết gốc tích của việc làm bánh cúng giao thừa ý nghĩa thế nào, thiêng liêng thế nào.

Trong khi tôi còn mải mê chạy theo dòng suy nghĩ thì mẹ đã gọi điện. Mẹ bảo năm nay mẹ lại gói bánh nhé. Mẹ nói thế là tôi ủng hộ ngay, tôi nhận chân đi mua thịt ngon và nếp vì mẹ đã mua lá, lạt, chị dâu tôi đã nhận đỗ, lá giềng, gia vị… Vậy là công cuộc làm bánh chưng Tết của ba mẹ con tôi bắt đầu, bố tôi, anh trai tôi, chồng tôi rất ủng hộ. Bọn trẻ con thì háo hức, cứ thấy người lớn bận rộn là chạy vòng quanh, hết hỏi mẹ làm gì đấy mẹ? Lại chạy sang bà, bà ơi lá gì thế bà?...

Nhà tôi ở Hà Nội bé tí teo, ngôi nhà trong ngõ nhỏ rất chật hẹp chỉ có đúng một khoảnh sân bé tí tí. Ba mẹ con tôi hì hục gói được một nồi bánh chưng đủ 10 chiếc vuông vức, gọn gàng và một dây bánh nhỏ xinh cho bọn trẻ. Bố tôi xếp lần lượt vào chiếc nồi to và anh trai tôi bắc lên bếp luộc. Mỗi người một chân một tay, cảm giác mọi việc thật hoàn hảo.

 Không chỉ làm bằng đỗ xanh gạo nếp, bánh còn được gói bằng niềm vui và tình yêu gia đình. Ảnh Internet.

Bây giờ, nhiều nhà luộc bánh chưng bằng mẹo, nhanh lắm, chỉ cần 3-4 giờ là xong. Trong Tết, khi nào bánh lại gạo thì bỏ lò vi sóng quay, rất đơn giản. Nhưng mẹ tôi không thích thế, mẹ nhất định luộc bánh phải đủ 12 giờ, khi bánh sôi lần một được chừng 1 giờ thì vớt ra, sửa sạch vỏ lá, rồi lăn cho bánh thật săn, rền. Sau đó để nguội mới cho vào luộc tiếp. Cứ cạn nước lại chế thêm. Bởi thế, bánh nhà tôi, dù có để đến tận rằm vẫn mềm mịn, xanh mướt.

Cả đêm gia đình tôi ngồi xung quanh bếp lửa hồng, những cục gỗ to bố tôi lấy từ cái nhà mới dỡ bên cạnh được trưng dụng triệt để, bọn trẻ cũng không ngủ được. Mẹ tôi sẽ kể những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa, bố ôn lại những kỷ niệm khi anh tôi còn bé... bọn trẻ con thì tung tăng mấy chiếc bánh nhỏ xinh đã kịp chín trước, miệng thổi phù phù đòi bóc ăn ngay. Niềm vui sáng ngời trên những gương mặt hồng hào bởi ánh lửa.

Tâm nguyện được tự tay gói bánh, được tự tay luộc bánh mỗi dịp Tết đến xuân về của mẹ tôi vẫn được thực hiện. Những hình ảnh tưởng như đã xa xăm với rất nhiều người vẫn hiện hữu trong mùa xuân ở nhà tôi, trên nụ cười mãn nguyện của mẹ, cái nhìn trìu mến của bố, sự háo hức tung tăng của lũ trẻ.

Có mệt một chút, có lích kích một chút, nhưng niềm vui ấy cứ lan toả trong lòng, và anh em tôi, gia đình tôi luôn được bước vào một năm mới với những niềm vui lan toả ấy, còn gì hạnh phúc hơn. Bởi thế mà, chúng tôi chẳng ngại bận, chẳng ngại mệt, cứ đến 24-25 âm lịch là lại mẹ gọi con, chị gọi em:  “Năm nay lại gói bánh thôi, đăng ký mấy cái nào!!!”.

Mời bạn đón đọc bài 2 "Náo nức đi chợ phiên" vào lúc 11h ngày mai trên Kienthuc.net.vn

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Hoàng Yến

Bình luận(0)