“Chán như Tết”: Nhà toàn con gái lại lấy chồng xa...

Google News

(Kiến Thức) - "Ba chị em lấy chồng xa, Tết đến nỗi xót xa thương bố mẹ cô quạnh cứ cứa vào, thành khoảng trống trong lòng, mà không niềm vui nào bù đắp nổi", chị Vân Hà (Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự.

Chị Vân Hà chia sẻ, những ngày trước Tết, lòng chị thì vẫn hồi hộp nhưng không thể còn cái háo hức như hồi thơ bé nữa. Tuổi thơ bé xíu xiu, ngày nào trong năm chị cũng ước là ngày Tết. Tết hồi ấy có nghĩa là được mặc quần áo mới, được ăn những thức ăn ngon lành, được nghỉ học, được đi chơi, được xem "vô tuyến". Tết hồi ấy có nghĩa là nếu lỡ có lỗi gì cũng sẽ không bị mắng, có nghĩa là chị em, bố mẹ sẽ cùng đi chơi, cùng về quê...

Bây giờ, Tết là cả một sự lo lắng, và cả một khoảng trống. Tết lo đi thăm thầy cô, cơ quan, họ hàng, sơ sểnh quên ai có thể áy náy cả năm trời, áy náy đến Tết sau. Tết thương bố mẹ thui thủi một mình, ai rửa cái lá, ai vo rổ gạo cho bố gói bánh, ai đi chợ chọn đào, quất cùng mẹ....và bố mẹ sẽ buồn khi nhà không đủ đầy con cái như "hồi xưa" nữa...

 Chị Vân Hà: "Tết là khoảng trống lớn trong lòng"

Chị bảo, Tết, nhà có 3 con gái, mới cảm nhận hết nỗi niềm trong lòng bố mẹ. Cái phấp phỏng từ đầu tháng chạp, phấp phỏng từ ngày ông Táo: năm nay có đứa nào về ăn Tết với mình, có đứa nào về đón giao thừa, ai sẽ xông nhà, chúng nó ở nhà chồng có biết liệu đường lo toan cho trọn vẹn không... Bao nhiêu cái lo, cái lo nào của bố mẹ cũng hướng về con gái.

Đã lấy chồng 5 năm rồi, năm nào giao thừa chị cũng khóc. Chị bảo, cứ đồng hồ điểm 12 giờ, gọi điện thoại cho bố mẹ là cả mẹ cả con cùng nấc lên, chẳng ai nói được gì. Không riêng chị, những cuộc điện thoại của hai chị gái chị cũng thế, cũng sẽ lại gọi điện về, và khóc. 

Chị chẳng biết vì sao lại hay khóc vào lúc giao thừa? Phải chăng ấy là thời khắc mà người ta hay nhớ về cái nơi cội nguồn mình đã sinh ra và lớn lên, cái nơi "chôn nhau cắt rốn", cái nơi mà suốt tuổi ấu thơ, người ta mong chờ Tết đến như một niềm hạnh phúc vô biên... Và thường khi ấy, trong cái không khí đông vui của nhà chồng, chợt xót lòng khi nghĩ đến sự vắng lặng của nhà mình. 

Chị bảo, hi xưa, giao thừa là thời khắc vui vẻ nhất của gia đình chị. Nhà đông con gái nên tầm 10 giờ là bàn thờ đã xong xuôi. Bốn bố con ngồi chơi "phỏm" chờ thời khắc sang năm mới. Mẹ ngồi ngoài cổ vũ. Lúc đồng hồ điểm 12 giờ là bố đi thắp hương, mấy mẹ con bỏ bánh kẹo ra đĩa. Rồi cả nhà chúc rượu nhau, ăn một chút bánh kẹo, mừng tuổi và ngồi buôn chuyện trong lúc bố đi xông nhà hàng xóm. Một đôi năm bố bảo mấy chị em tự đi chơi rồi về xông nhà... chẳng cần phải con trai vì con gái bố, đứa nào cũng ngoan hiền, học giỏi.

Thế mà chục năm nay rồi, cứ lần lượt chị cả, chị hai, rồi đến mình đi lấy chồng. Ngày Tết, đứa nào cũng phải lo việc nhà chồng, đã thế lại toàn lấy chồng xa nên chẳng thể cố thu xếp mà chạy qua chạy lại như người ta. Chị Hà bảo, ba chị em chị, đứa thì về với bố mẹ trước Tết, đứa thì về sau Tết, lâu lắm, vài ba năm mới luân phiên trong ba chị em có đứa được “nhà chồng” rộng lượng cho về với bố mẹ đúng Tết. Còn thường thì, chỉ hai ông bà đi ra đi vào.

 Thương mẹ cha mỏi mắt ngóng trông. (Ảnh minh họa)

Chị Hà tâm sự, có năm, nhà nội mừng thọ cụ vào ngày 4, thế là mùng 5 cả nhà mới về nhà ngoại được. Bàn thờ ông bà vẫn để nguyên chưa hoá vàng. Khi chị mở tủ lạnh, nhìn hai con gà cúng giao thừa và sáng mùng 1 vẫn còn nguyên, rổ bánh trưng đã mốc vỏ vẫn chưa bóc thêm cái nào, giò xào, giò lụa cũng còn nguyên bọc, chị đã đứng chết trân ngay cửa tủ lạnh mà hu hu khóc. 

Bố chị bị tiểu đường, mẹ bị rối loạn chuyển hoá, ngày thường các cụ toàn ăn kiêng, có mỗi ngày Tết mới sắm sanh dư dả, cũng chỉ để đợi các con về. Thế nên con cái về muộn thì mọi thứ đều được khui ra muộn. Còn suốt mấy ngày Tết, ông bà vẫn chỉ ăn cơm dưa muối, thêm vài miếng đông, hoặc đến bữa mỗi ông bà nấu một bát miến là xong.

Những năm trước, Tết chỉ nghỉ 4-6 ngày chị đã thấy dài lắm rồi, mong mãi mới hết mùng 3 để về với bố mẹ. Vậy mà năm nay, nghỉ tận 9 ngày, chồng chị vẫn định chia đôi. Chị bảo: thế thì mùng 5-mùng 6 mới được xuống núi (nhà chồng chị ở Hà Giang), thương bố mẹ lắm. Nên chị chỉ mong Tết ngắn, càng ngắn càng Tết. Năm nào chị cũng chỉ mong mau hết tết. Ít nhất không phải tết người ta cũng như nhà mình, đều cắm cúi làm ăn, con cái ai cũng đều ở xa. Ngày tết càng dài, nhà mình càng vắng, bố mẹ mình càng cô quạnh!

BÀI CÙNG SỰ KIỆN

An Nhiên

Bình luận(0)