“Chán như tết“: Ấm ức Tết phải theo chồng

Google News

(Kiến Thức) - Từ khi cưới nhau, Tết nào vợ chồng chị Hoài cũng nảy ra cuộc chiến khốc liệt quanh việc chia lịch ăn Tết nội ngoại thế nào cho thỏa đáng. Người chịu nhịn luôn là chị Hoài, nhưng cái "mất" cả hai đều phải gánh chịu, đó là không khí căng thẳng bao trùm ngay những ngày đầu năm mới.

"Đây chỉ tiến chứ không lùi"

Nhắc tới quãng thời gian nghỉ Tết, chị Hoài (Từ Liêm, Hà Nội) lúc nào cũng bức xúc, như có cơn lũ trong lòng, chỉ cần có người khơi là tuôn ra ào ạt. "Tức lắm, 22 âm mình đã được nghỉ Tết rồi, ở lại sắm sửa tới 25 là về nội. Thế mà ở lại nhà nội từ đó biệt tới tận mùng 4, có năm tối mùng 4 mới về nhà ngoại. Mùng 4 coi như hết Tết rồi còn gì. Mùng 5 đã đi làm, chưa kể mùng 2 bên ngoại mình có cái giỗ quan trọng, anh em họ hàng tập trung họp mặt đông đủ nhất vào ngày này. Thế mà nói thế nào anh ấy cũng không đồng ý, cứ ép phải ở lại nhà nội tới tận mùng 4", chị Hoài ấm ức.

Dâu mới về nhà chồng, phản ứng gay gắt thì không tiện. Nỗi bức xúc trong lòng không biết ngỏ cùng ai, chị Hoài chỉ còn biết nước mắt lưng tròng, bỏ bữa cơm đông đủ gia đình nhà chồng phần vì giận, phần vì "nuốt không nổi". "Bố mẹ chồng  đập cửa gọi tôi ra ăn cơm, tôi cáo mệt không ăn. Mọi người cũng cứ nghĩ là tôi mệt, chứ không biết tôi và chồng vừa có cuộc khẩu chiến ác liệt", chị Hoài nhớ lại.

Đỉnh điểm của mâu thuẫn là chỉ một việc cỏn con cũng bùng nổ thành chuyện lớn. "Mùng 2 là ngày giỗ ông bác tôi. Tôi muốn anh ấy đi từ sớm, nhưng nghe cả nhà chèo kéo ở lại ăn cơm, anh ấy bảo tôi ăn chút cơm rồi đi. Thế rồi ngồi vào mâm rượu, chắc ngại mọi người cho là sợ vợ anh ấy cứ lươn khươn ăn uống cùng anh em. Để rồi khi dứt đứng lên được thì cũng gần trưa rồi.

Anh ấy phóng xe như bay. Một chiếc giầy của tôi bị tuột dây văng ra. Tôi bảo anh ấy dừng xe, lùi lại để tôi nhặt nó. Anh ấy không lùi, bảo tôi tự đi mà nhặt trong khi tôi đi giầy cao gót, lại đi tất, không thể nhảy lò cò, cũng không dẫm xuống đất bẩn được. Anh ấy bảo tôi "đây chỉ tiến chứ không lùi". Thấy anh ấy ngang thế, tôi đành xuống xe, tức thì anh ấy phóng vù luôn", chị Hoài nhăn mặt kể lại câu chuyện bi hài của mình.

Là một phụ nữ hiện đại, đôi lúc chị Hoài ước chồng bớt “truyền thống” hơn. 

Coi nhà chồng là nhà mình thì đi đâu chẳng được

Chị Hoài kể, chồng chị phóng xe vụt đi định chọc tức vợ, nhưng vẫn chờ ở một khúc quanh. Không ngờ, vợ rẽ sang lối khác bắt taxi lên chùa, rồi về thẳng nhà trọ. Chồng chị đứng đợi vợ 5 tiếng liền, nhưng thi gan nhất quyết không gọi điện cho vợ.

Chị Hoài chia sẻ, khi chị kể lại câu chuyện cho bạn bè nghe thì cái câu "chỉ tiến không lùi" đã trở thành "kinh điển" mỗi khi họ nhắc tới chồng chị. Chị bảo, nó là câu nói vui, nhưng thực ra lại thể hiện quan điểm, tính cách của chồng chị. "Anh ấy là người chồng tốt, thương yêu vợ con hết mực. Nhưng trong một số chuyện, khi anh ấy đã coi là đúng thì nhất quyết không thay đổi, ép vợ phải theo. Nhất là những chuyện liên quan tới họ mạc, gia đình chồng... anh ấy thể hiện là một người đàn ông khá gia trưởng, theo mẫu "truyền thống", chị Hoài tâm sự.

Tôi hỏi anh Đông, chồng chị Hoài, việc chị Hoài mong ước được về ăn Tết ở nhà mình là hoàn toàn chính đáng, anh ngăn cản thế không phải là bất công sao, anh Đông đáp rất nhanh: "Tôi thấy chẳng có gì gọi là mất công bằng hay bất công ở đây. Gái lấy chồng thì phải theo chồng. Nếu cô ấy coi nhà chồng là nhà mình thì ở đâu chẳng được". Khi nghe tôi "chất vấn", vậy sao anh không coi nhà vợ như nhà mình, anh lắc đầu bảo: "Cái đó đi ngược lại quy luật, tôi cưới vợ chứ đâu phải vợ cưới tôi".

Tôi bảo anh Đông, tình cảm phải là tự nguyện, anh ép vợ thế thì kết quả chỉ được cái hình thức, chứ thực sự người một nơi, tâm trí một nơi, vợ chồng căng thẳng, mất vui ngày xuân, đánh đổi thế có đáng không, anh cười: "Thì tôi dẫn vợ đi thăm họ hàng, làng xóm để cô ấy thắt chặt thêm tình cảm anh em, láng giềng còn gì. Suốt một năm tôi đối xử với gia đình cô ấy trọn đạo rể hiền, chỉ có mỗi ngày Tết, tôi muốn cô ấy về nhà tôi thì sao lại gọi là quá đáng được".

Mai Loan

Bình luận(0)