Hai cách thương con

Google News

(Kiến Thức) - Nghe bà chủ nhà trọ quen gọi điện báo, con trai ông để lại chìa khóa, chuyển đồ đạc đi đâu trong đêm, ông Phú tức tốc bắt xe ô tô từ quê lên chỗ con trọ học. 

Mở cửa phòng, ông thấy tất cả trống trơn, chỉ có một lá thư gấp ngay ngắn trên bàn. Vội vàng mở ra đọc, thì vẻn vẹn mấy dòng của Tuấn: "Bố, con nghỉ học rồi. Con vào Nam lập nghiệp, khi nào thành danh con sẽ về tạ lỗi với bố mẹ. Con đổi số điện thoại. Bố mẹ đừng tìm con".

Ảnh minh họa. 

Ông Phú tất tả lên trường của Tuấn thì nhận được thông tin: Tuấn đã bị đình chỉ học do nợ quá nhiều môn và bỏ học vô tổ chức. Ông hốt hoảng, dò la mọi nguồn quan hệ của con, từ bạn bè ở lớp tới quanh xóm trọ, tất cả đều chỉ chung câu trả lời: Không rõ Tuấn đi đâu. Chỉ biết thời gian vừa rồi, Tuấn nghiện net, thường xuyên vay mượn tiền và nghỉ học.

Đang trong cơn tuyệt vọng, thì tình cờ, ông Phú được một anh xe ôm đầu ngõ tiết lộ, anh có chuyển đồ cho một thanh niên trong đêm, từ phòng trọ của Tuấn, nhưng không biết chỗ ở cụ thể, chỉ biết khu chuyển tới. Mừng như vớ được vàng, ngày nào ông Phú cũng ăn vận hóa trang, bịt mặt kín mít, đứng phục ở góc ngõ nơi được "chỉ điểm". Gần một tuần đội gió dầm sương, một đêm, đang căng mắt ra nhìn những người đi lại ông Phú nhìn thấy Tuấn bước xuống từ xe bus. Ông lao ra, ôm chầm lấy con, nước mắt rơi lã chã.

Ông tới trường, xin nhà trường cho con được học, thi lại. Ông lân la gặp gỡ, làm thân với bạn bè của con, nhờ mọi người làm "mạng lưới" báo cho ông mọi thông tin "khả nghi" từ Tuấn. Cuối năm rồi Tuấn tốt nghiệp, có một công việc tốt, thu nhập cao, chẳng còn dấu vết một cậu Tuấn bỏ học, viết lá thư "bái biệt" năm nào.

Cạnh phòng trọ Tuấn, Nam cũng lâm vào tình trạng "bí bết" gần như Tuấn. Thế nhưng, khi cô giáo chủ nhiệm viết thư báo về nhà, mọi thông tin về Nam đều được ông bố ỉm đi vì lo vợ sẽ mắng cậu con trai quý tử, sợ hàng xóm láng giềng biết chuyện cười chê. Với ông, Nam luôn là số một, ông có thói quen coi con hàng xóm, các bạn học của con chẳng là gì và cũng coi những lỗi kia của con không đáng bị chê trách đến thế. Ông càng gửi tiền nhiều hơn theo yêu cầu của con. Chỉ đến khi nhà trường viết thông báo đuổi học Nam, ông mới tất tả lên gặp thầy cô thì mọi chuyện đã quá muộn. Ông ngậm ngùi nhìn đứa con trai hy vọng giờ vất vưởng không nghề nghiệp, ngày ngày giao du cùng đám bạn xấu.

Mai Nguyên

Bình luận(0)