Giúp bạn nhận biết bệnh ung thư tuyến mồ hôi

Google News

(Kiến Thức) - Theo ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, ung thư tuyến mồ hôi tập trung ở phần chi dưới và thân mình...

Ung thư tuyến mồ hôi là một bệnh lý hiếm gặp. Theo ghi nhận y văn, tại Mỹ chiếm 0,02% tỷ lệ bệnh ung thư hằng năm và ở Bệnh viện Ung bướu TP HCM ghi nhận chưa đến 10 ca nhưng bệnh nhân đều không có tiền sử bệnh đặc biệt trước đó. 
Bệnh gặp ở người lớn tuổi
Đến nay, y học thế giới vẫn chưa biết chính xác nguyên nhân trực tiếp gây ung thư tuyến mồ hôi. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, bệnh có liên quan đến tia cực tím (UV - khi tia này tiếp xúc với phần da gây ra hiện tượng suy giảm miễn dịch của da nơi tiếp xúc); hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc điều trị viêm khớp trong thời gian dài. 
Một số y văn mô tả, nam giới thường mắc bệnh nhiều hơn nữ (song cũng chưa rõ nguyên nhân), người da trắng mắc bệnh cao hơn người da màu, chủ yếu gặp người cao tuổi (70 - 80 tuổi) mắc bệnh cao hơn so với trẻ tuổi (20 - 30 tuổi). Bệnh thường gặp từ độ tuổi trung niên, khoảng 50 - 60 tuổi. Vị trí thường gặp ở tầng sinh môn, bộ phận sinh dục chiếm 34,5%, phần thân mình chiếm 26,4%, đầu và cổ 18,3% và còn lại 13% ở phần chi dưới. 
Vị trí tổn thương khi phát hiện bệnh của bệnh nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM đều nằm ở phần chi dưới và thân mình. Bệnh nhân ung thư tuyến mồ hôi có thể đến với các tình huống lâm sàng khác nhau nhưng thường gặp là một (hoặc nhiều) khối bướu nhỏ dưới da, sượng cứng, bề mặt da trên bướu sậm màu hoặc có màu hồng, giới hạn bướu không rõ ràng. Bướu có thể đau, lớn nhanh và xâm lấn mô xung quanh, hoặc loét ra da, trong bướu có thể chứa dịch do hoại tử một phần bướu, có thể kèm hoặc không kèm đổ mồ hôi tại vị trí bướu. Bướu xuất hiện không có dấu hiệu chuyên biệt nào nên rất khó để chẩn đoán hay chẩn đoán đúng loại ung thư. 
Dau hieu nhan biet ung thu tuyen mo hoi
 Ảnh minh họa.
Chưa có phác đồ điều trị tái phát
Bệnh nhân đến với hạch vùng di căn, các khối hạch thường tròn, cứng, có thể rời rạc hoặc dính chùm với nhau, không gây đau đớn hoặc di căn xa ở xương, gan, phổi. Chẩn đoán dựa vào khám lâm sàng và các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học như siêu âm hay CT scan hoặc MRI để xác định tổn thương và mức độ lan rộng sang các cơ quan lân cận, đánh giá sang thương nguyên phát tại chỗ và hạch vùng hoặc di căn xa (X-quang phổi, xạ hình xương) và PET scan để đánh giá trong những trường hợp tái phát. Chẩn đoán xác định dựa trên giải phẫu bệnh. 
Tiên lượng của ung thư tuyến mồ hôi phụ thuộc vào kích thước, độ lan rộng sang thương, tình trạng hạch vùng hay di căn xa lúc chẩn đoán, ngoài ra độ biệt hóa mô học cũng là một yếu tố tiên lượng bệnh. 
Điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt rộng, nạo hạch vùng. Vai trò của xạ trị bổ túc tại chỗ, tại vùng để tránh tái phát và hóa trị hỗ trợ sau phẫu thuật chưa có bằng chứng rõ ràng. Hiện nay, theo ghi  nhận y văn vẫn chưa có hướng dẫn điều trị cụ thể sau phẫu thuật vì số lượng ca ghi nhận hàng năm rất ít.  Hóa trị triệu chứng trong những trường hợp di căn xa phổi, gan, xương, mô mềm. Việc điều trị ở giai đoạn tiến xa hay tái phát di căn chủ yếu dựa trên kinh nghiệm lâm sàng.
BSCK II Trần Nguyên Hà (Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM)

>> xem thêm

Bình luận(0)