Những chuyện cười ra nước mắt về ly hôn: Tờ hôn thú viết tay

Google News

Đôi vợ chồng ngoài 50 tuổi đưa nhau lên xã nhờ viết đơn ly hôn. Hai người là rổ rá cạp lại, vì thương nhau nên chỉ mua một tờ giấy đăng ký kết hôn rồi nhờ một người biết chữ trong làng viết, rồi ký tên.

Già làng Tu đã ngoài bảy mươi nhưng trí nhớ vẫn rất tốt, giọng nói vẫn còn sang sảng, đôi mắt vẫn tinh anh như thường, ông gõ vào cái tẩu thuốc của mình một cái rồi chặc lưỡi: “Hai đứa nó làm cho cái làng này buồn lắm. Về ở với nhau rồi lại đòi đền bò để đi ở với người khác. May mà cuối cùng không có gì!”. Cái không có gì mà già làng Tu nói là cả một câu chuyện dài.
Ông Kiền sống cặm cụi nuôi con một mình. Thời gian trôi đi, ông vẫn sống buồn chán trong cảnh đơn độc sau khi không còn vợ, bốn người con đã trưởng thành cũng không làm ông Kiền vui được.
Còn bà Tá, đã có chồng và 7 đứa con, nhưng bà lại cùng chung cảnh góa bụa khi chồng bị bệnh chết cách đây gần mười năm. Mặc dù bà đã có bảy đứa con, nhưng cảnh buồn chán thì không kể hết, nhiều như lá trên rừng vậy. Tình cờ một ngày đầu xuân các đây 3 năm, ông Kiền đi rẫy gặp bà Tá. Cả hai cùng người làng, lại cùng chung nỗi buồn cô độc nhiều năm liền thân nhau liền. Đi đâu cũng muốn có nhau, đi làm rẫy cũng muốn có, đi ăn lễ cũng muốn có. Thế rồi ba hôm sau gặp nhau trên rẫy bà Tá tìm gặp ông rồi hỏi: “Kiền à! Tao muốn bắt mày làm thằng chồng. Mày ưng cái bụng không?”. Ông Kiền chưng hửng một chút rồi trả lời: “Cũng ưng lắm. Nhưng nhà tao nghèo lắm, không có trâu bò, không có chiêng ché làm của hồi môn đâu!”. “Mày về nhà tao ở, nhà tao cũng nghèo. Tao với mày cùng ưng nhau thế là được rồi. Chắc làng cũng không bắt phạt gì đâu!”. Thế là đến nhà già làng Tu, bảo già làng đứng ra cúng Yang trời Yang đất và thông báo cho lũ làng được biết là từ đây họ sẽ về sống với nhau.
Lũ làng thương Kiền và Tá nghèo khó nên mỗi nhà góp ít gạo, ít thịt, lễ cúng đám cưới rất đơn giản, nhưng ai nấy cũng chuếnh choáng men say vì vui quá, bởi lần đầu tiên làng có cái đám cưới lạ như thế khi hai ông bà tóc đã trắng gần như cái trứng kiến trên rừng mới làm đám cưới với nhau.
Nhung chuyen cuoi ra nuoc mat ve ly hon: To hon thu viet tay
Máu lấy vợ, ông lão ra in giấy ĐKKH rồi nhờ người tự viết tự ký. (ảnh minh họa) 
Không đám cưới theo phong tục nhưng trước pháp luật thì phải có giấy đăng ký kết hôn mới được. Già làng Tu đứng trước đôi vợ chồng và trước dân làng Tuyên bố: “Giờ tao chưa thể đồng ý cho chúng mày về sống với nhau được vì còn thiếu cái giấy. Chúng mày đi kiếm cái giấy ấy về đây, có tên tuổi chúng mày trong đấy thì mới được. Ở làng này, tao lớn nhất, tao đại diện cho…chính quyền để thực hiện cái luật. Khi nào tao thấy có cái giấy tận mắt thì tao dắt thằng Kiền về ở với con Tá!”, người làng nghe nói thế thì phải cái bụng lắm. Vì làng thì chịu rồi, nhưng cái luật phải làm cho đúng. Cán bộ vẫn bảo thế mà.
Ngày hôm sau, ông Kiền ra chợ mua một bản sao giấy chứng nhận kết hôn, nhờ ông thầy giáo Đinh Văn Lực trong buôn biết cái chữ người Kinh viết giùm, ký tên luôn cho cả hai vợ chồng, rồi đem tới già làng Tu xác nhận. Thấy có cái giấy, già làng Tu hài lòng lắm vì chúng nó biết nghe lời người già, lại làm theo cái luật. Như thế này thì không còn ai nói gì được nữa. Thế là chiều ấy, già làng Tu dắt Kiền đến nhà Tá, cầm tay Kiền đặt vào tay vợ rồi cười ha hả sảng khoái trước khi ra về.
Suýt đền bò vì vợ không chịu ngủ chung chiếu
Sống chung được mấy tháng, bỗng một ngày người làng lại thấy ông Kiền rũ rượi xách đồ về lại nhà cũ của mình ở cuối buôn. Rồi ngày ngày lê la hết nhà này đến nhà khác uống cái rượu cho thật say, rồi ngủ lăn ngủ lóc ở hiên nhà, bụi cây nào đó. Già làng Tu thấy chuyện giận lắm mới gọi Kiền đến. Kiền thật thà kể lại: “Tính ta và tính nó không hạp nhau nữa rồi. Nó không ưng ta nữa! Con riêng của ta và con riêng của nó đông quá mà nó đối xử không công bằng với con ta. Nó không để cho ta “bắt cái nước”, đêm nào cũng đạp ta rớt xuống khỏi giường và đuổi ta ra khỏi nhà. Buồn quá. Ta về lại nhà nhưng nhà cũng chẳng có cái ăn, không có cái uống nên đi nhà này nhà khác ăn ké vậy!”.
Già làng hỏi sao vợ không cho ngủ chung. Kiền gãi đầu gãi tãi một hồi rồi lắc đầu không biết. Già làng Tu liền gọi vợ Kiền tới hỏi cho ra lẽ. Trước mặt già làng Tu, cả Kiền và Tá đều kể tội nhau. Tá thì dứt khoát đuổi Kiền ra khỏi nhà, không muốn nằm chung với nhau nữa. Tá bảo bắt Kiền làm chồng mà không ngủ ở nhà, cứ ra ngoài rẫy ngủ miết. “Con riêng của ta bị đau, ta gọi thằng Kiền về làm lễ cúng yàng mà nó vẫn không chịu về cúng theo phong tục người Barnah mình làm ta giận lắm. Ta bị đau cái tay, ngón tay sưng vù như cái ống nứa, thằng Kiền cũng không hỏi han một lời nên ta muốn bỏ nó thôi! Hồi trước thì ưng cái bụng lắm, còn giờ ta ghét, không thèm nhìn mặt nữa!”. Già làng Tu phải đứng ra hòa giải mới xuôi.
Thế nhưng hai người dắt nhau về được vài ngày thì lại thấy Kiền đến bắt đền già làng Tu. Kiền bảo vợ kiên quyết không cho mình ở trong nhà nữa. Đến nước này Kiền quyết không về ở nữa. Nhưng bắt vợ phải đập một con bò làm lễ để bồi thường danh dự cho mình theo lệ làng, bà Tá thì cũng đòi ông Kiền phải bồi thường cho mình một bò sống và một bò chết. Tá hỏa, già làng Tu lại gọi hai vợ chồng đến hòa giải. Hòa giải tới lần thứ tư thì không được nữa. Nghe lời già làng Tu, Kiền lại nhờ thấy giáo Đinh Văn Lực viết cho cái giấy để đòi vợ phải đền bò rồi mang lên xã nộp.
Cán bộ tư pháp xã xem đơn, xem giấy tờ giật mình vì mình đâu ký cái giấy kết hôn này, Trong sổ lưu của xã cũng không có. Tưởng mình trong lúc làm việc lẫn lộn nên hỏi lại ông Kiền. Thật thà Kiền kể lại rành mạch: “Tao có gặp mày bao giờ đâu! Cái giấy này tao mua ngoài chợ, rồi nhờ cái thằng có chữ viết vào. Viết tên tao với tên vợ tao vào rồi nó ký luôn vào đấy chứ tao có biết cái chữ ra làm sao đâu mà viết!”. Nghe đến đây, cán bộ tư pháp xã mới hết toát mồ hôi hột vì tưởng mình làm sai, hóa ra là do “máu” có vợ quá nên ông Kiền này mới tự làm cho mình cái giấy kết hôn.
Sau khi hỏi cặn kẽ hết mọi chuyện, cán bộ mới gọi cả người vợ lên giảng giải: “Hai người làm thế này là không đúng rồi!” “Sao lại không đúng, tao có giấy này rồi, già làng đã nói được rồi mà!”, Kiền cãi lại. “Cái giấy này như thế này là làm sai rồi. Không có giá trị đâu. Giấy này phải do ta đứng ra làm, có cái con dấu đỏ này cộp vào chỗ này này, phải có mấy bản thế này mỗi người giữ một bản, ta giữ một bản. Như thế mới đúng cái luật của chính phủ chứ!” Đến lúc này thì cả Kiền và Tá mới hiểu ra, hai người ú ớ: “Thế cái giấy này làm không đúng à! Thế thằng Kiền không phải là chồng tao à!”. “Không phải đâu! Đừng bắt đền bò nữa nhé! Bò nhiều tiền lắm, có thì giữ lại mà nuôi. Nuôi lớn rồi bán lấy tiền mà lo cho gia đình!”.
Giảng giải xong rồi, ông Kiền và bà Tá bước ra khỏi ủy ban xã mà hớn hở. Hóa ra mình làm sai. Thế là không phải đền bò nữa rồi. Nghe lời cán bộ về thôi. Về đến làng, đem chuyện này thuật lại với già làng Tu. Già Tu ngớ người ra một chút rồi bảo mọi người cùng đến gặp mặt và tuyên bố Kiền và Tá chưa phải là vợ chồng theo cái luật của nhà nước nên không phải đền bò gì cả. Mỗi người ai lại về nhà nấy, làm ăn mà sống.
Kể lại chuyện ấy mà già làng Tu cứ ho sặc sụa vì cười. Sau vụ việc ấy thấy mình làm cũng chưa đúng nên già làng Tu cũng áy náy lắm. Già bảo bây giờ có cái “alo” rồi, có gì khó nói già lại điện thoại hỏi cán bộ. Như thế cho chắc ăn. Sau lần ấy, giữa Kiền và Tá vẫn đối xử với nhau bình thường, nhưng không ai nhắc lại chuyện cũ nữa.
Theo Tiêu Dao/Phununews

>> xem thêm

Bình luận(0)