Hành trình trở thành ngôn ngữ toàn cầu của emoji

Google News

Những ký tự nhỏ như mặt cười, trái tim hay quả bóng đại diện cho thứ ngôn ngữ ra đời trong thời đại kỹ thuật số, thêm cảm xúc cho những văn bản khô khan.

Zing lược dịch bài viết của tác giả Arielle Pardes, trang Wired về lịch sử hình thành và phát triển của emoji.

Từ khi xuất hiện trên những chiếc điện thoại Nhật Bản vào những năm 1990, emoji đã phổ biến trên toàn cầu, trở thành nét giao tiếp đặc trưng trong những năm gần đây.

Không chỉ trong nhắn tin, emoji còn len lỏi vào những văn bản, thông báo quan trọng. Nhà Trắng từng đưa ra báo cáo kinh tế sử dụng emoji vào năm 2014. Đến 2015, biểu tượng cười ra nước mắt được Từ điển Oxford chọn là “Từ của năm”.

Hanh trinh tro thanh ngon ngu toan cau cua emoji

Từ thập niên 1990, người dùng Internet đã kết hợp các ký tự để tạo ra biểu tượng cảm xúc (emoticon) trong khi chat. Ảnh: Reddit.

Ngôn ngữ của thời đại Internet

Không chỉ dành cho giới trẻ chuyên nhắn tin bằng teencode, emoji là thứ ngôn ngữ dành cho mọi người. Điều đó đặt ra áp lực cho người thiết kế và lập nên tiêu chuẩn cho emoji. Nếu muốn trở thành ngôn ngữ toàn cầu, emoji cần phát triển liên tục cho mọi nền văn hóa, mọi hoàn cảnh và thời gian.

Ngày nay, có hàng nghìn emoji biểu thị con người theo nhiều cách, và những emoji thể hiện cách tương tác của chúng ta với thế giới. Trong xu hướng số hóa và toàn cầu hóa, emoji sẽ trở thành công cụ phiên dịch và giao tiếp quan trọng - một ngôn ngữ cầu nối (lingua franca) của thời đại kỹ thuật số.

Trước khi có tên emoji, chúng ta thường gọi biểu tượng cảm xúc là emoticon, gồm các ký hiệu như :-), :-( hay 8-D xuất hiện trong các phòng chat trên Internet những năm 1990. Bạn có thể biểu thị cảm xúc mỉa mai bằng biểu tượng ;-) ở cuối tin nhắn, hoặc “sao cũng được” với hình ảnh ¯\_(ツ)_/¯. Chúng là những cử chỉ quan trọng của ngôn ngữ mạng (netspeak) thời kỳ đầu.

Hanh trinh tro thanh ngon ngu toan cau cua emoji-Hinh-2

Những emoji đầu tiên do Shigetaka Kurita thiết kế. Ảnh: Docomo.

Những emoji đầu tiên

Emoji đầu tiên được tạo ra vào năm 1999 bởi nghệ sĩ người Nhật tên Shigetaka Kurita. Lúc đó, Kurita làm việc cho i-mode, nền tảng Internet di động sơ khai của nhà mạng Docomo. Ý tưởng của Kurita là tạo nên giao diện hấp dẫn để truyền tải thông tin một cách đơn giản và ngắn gọn, ví dụ như biểu tượng đám mây thay cho trạng thái thời tiết nhiều mây.

Kurita đã tạo ra những hình ảnh 12 x 12 pixel, có thể được chọn từ giao diện kiểu bàn phím trong i-mode. Trong 176 emoji đầu tiên của Kurita - nay được trưng bày trong Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại New York (Mỹ) - còn có những biểu tượng thể hiện thời tiết, phương tiện giao thông, công nghệ và các pha của Mặt Trăng.

Không chỉ mang ý nghĩa thông tin, lần đầu tiên emoji giúp con người mang cảm xúc vào những đoạn tin nhắn. Một câu như “Tôi hiểu rồi” nghe có vẻ lạnh lùng, nhưng thêm biểu tượng trái tim thì trông ấm áp làm sao. Đó là sự khởi đầu của một ngôn ngữ hình ảnh mới.

Hanh trinh tro thanh ngon ngu toan cau cua emoji-Hinh-3

Năm 2010, emoji được Hiệp hội Unicode công nhận. Ảnh: Mozilla.

Quá trình công nhận và phát triển

Emoji nhanh chóng phổ biến tại Nhật khi các công ty đối thủ học hỏi ý tưởng của Docomo. Thời điểm điện thoại di động bùng nổ vào giữa thập niên 2000 là lúc các công ty ngoài Nhật Bản như Apple nhìn thấy tiềm năng của emoji.

Năm 2007, một đội ngũ quốc tế hóa phần mềm tại Google đã đề xuất việc công nhận emoji lên Hiệp hội Unicode (Unicode Consortium) - tổ chức phi lợi nhuận có nhiệm vụ công nhận, duy trì các tiêu chuẩn văn bản trên máy tính.

Về cơ bản, máy tính hoạt động dựa trên những con số nên mọi chữ cái nhập vào đều được mã hóa, hoặc biểu diễn bằng mã số. Trước khi Unicode hình thành, có hàng trăm hệ thống mã hóa khác nhau, nghĩa là những hệ thống khác nhau sẽ hiển thị chữ cái theo cách khác nhau.

Unicode tập trung vào việc quy chuẩn những đoạn mã ngôn ngữ, giúp những ký tư tiếng Anh, Trung Quốc hoặc tiếng Việt được nhập vào đều hiển thị giống nhau trên mọi thiết bị, nền tảng.

Kat Momoi, Mark Davis và Markus Scherer là những nhân viên Google nhìn thấy sự phổ biến của emoji tại Nhật Bản, do đó cho rằng chúng cần theo một tiêu chuẩn. Năm 2009, 2 kỹ sư Apple là Yasuo Kida và Peter Edberg đã đề xuất áp dụng 625 emoji vào bộ tiêu chuẩn Unicode.

Hanh trinh tro thanh ngon ngu toan cau cua emoji-Hinh-4

Ngày 17/7 hàng năm được xem là Ngày Emoji Thế giới. Apple thường sử dụng ngày này để công bố các emoji mới sắp có mặt trên iOS. Ảnh: New York Post.

Đề xuất được Hiệp hội Unicode chấp thuận vào năm 2010. Được Unicode công nhận không chỉ giúp vốn từ vựng của emoji liên tục phát triển, mà còn hợp thức hóa emoji như một hình thức giao tiếp. Đó là lúc emoji trở thành thứ ngôn ngữ mới. Emoji đã trở nên quá phổ biến để loại bỏ.

Năm 2011, Apple bổ sung bàn phím emoji vào iOS, và Android cũng làm như vậy sau đó 2 năm. Những cụm từ như “I love you” hay “Laugh out loud” có thể được thay thế bằng emoji. Hàng năm, nhiều emoji được bổ sung giúp việc sử dụng trở nên phong phú hơn, dựa trên xu hướng giao tiếp của thế giới.

Có thể mất 2 năm để một emoji được cập nhật. Trước hết, nó phải được đề xuất lên Hiệp hội Unicode, giải thích lý do nên được đưa vào và những chi tiết để thiết kế emoji. Đề xuất được xem xét bởi một tiểu ban của Hiệp hội Unicode, và sẽ được thông qua nếu nhận được sự chấp thuận từ các thành viên.

Đề cao sự đa dạng

Khi emoji phát triển, sự ưu tiên của emoji trở thành chủ đề gây tranh cãi. Năm 2014, một cuộc Chính trị hóa Emoji (Great Emoji Politicization) diễn ra, tập trung vào emoji thức ăn (không có emoji cho đồ ăn truyền thống châu Phi), quốc kỳ (thiếu một số nước) hay gia đình. Là một ngôn ngữ của thời đại Internet, nhưng emoji đến lúc ấy vẫn chưa có khả năng diễn tả phụ nữ đi làm hay người da màu.

Năm 2015, Hiệp hội Unicode đã tiến thêm một bước trong việc đa dạng hóa emoji bằng cách thêm tùy chọn thay đổi màu da, bổ sung nhiều hoạt động hơn. Những bản cập nhật emoji sau đó cũng từng bước đa dạng hóa con người và văn hóa.

Hiệp hội Unicode phê duyệt emoji mới mỗi năm, chúng thường được bổ sung trong các bản cập nhật hệ điều hành. Tháng 9 vừa qua, 217 emoji đã được thông qua cho năm 2021 gồm hình trái tim rực lửa, khuôn mặt hoa mắt, hàn gắn con tim cùng nhiều emoji liên quan đến tình yêu và con người.

Hanh trinh tro thanh ngon ngu toan cau cua emoji-Hinh-5

Năm 2017, emoji trở thành nhân vật chính trong phim Đội quân cảm xúc (The Emoji Movie). Ảnh: Sony Pictures Animation.

Những emoji tiếp theo sẽ phụ thuộc vào đề xuất được gửi lên Hiệp hội Unicode. Bất kỳ ai cũng có thể gửi đề xuất thêm emoji, chỉ cần hình mẫu của biểu tượng, giải thích cách thức, lý do mọi người sử dụng và ý nghĩa của nó đối với việc phát triển emoji.

Ngoài tin nhắn, emoji ngày nay còn xuất hiện dưới nhiều hình thức như Animoji của Apple hay Facebook Avatar. Khi công nghệ vượt khỏi những chiếc điện thoại nhỏ bé, các emoji cũng sẽ xuất hiện dưới nhiều hình thức mới.

Không chỉ dùng để nhắn tin, giờ đây emoji đã trở thành ngôn ngữ kỹ thuật số phức tạp và mạnh mẽ - một dạng ngôn ngữ liên tục phát triển.

Ai sáng tạo ra biểu tượng cảm xúc? Shigetaka Kurita (48 tuổi), nhà thiết kế giao diện ở Nhật Bản, được biết đến là người phát minh biểu tượng cảm xúc (emoji).
Theo Phúc Thịnh/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)