Những bệnh ngoài da thường gặp ở trẻ

Google News

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gặp một số tình trạng ngoài da như phát ban do viêm da, nhiễm virus hay vi khuẩn, nấm.

Nhung benh ngoai da thuong gap o tre

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gặp bệnh ngoài da theo nhiều nguyên nhân gây ra. Ảnh: Shutterstock.

Trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, trẻ em hay thanh thiếu niên đều có nguy cơ mắc bệnh ngoài da. Theo Cleveland Clinic, các tình trạng da ở trẻ em có thể bao gồm phát ban, mụn cóc, mụn trứng cá, vết bớt và tất cả loại phát ban.

Nhiều loại phát ban khác nhau có thể ảnh hưởng đến con bạn như viêm da, nhiễm virus, nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm nấm…

Viêm da

Viêm da là thuật ngữ chung để chỉ bất kỳ tình trạng nào gây viêm da. Những tình trạng này có thể gây phát ban đỏ, ngứa ngáy và khô da cho con. Nó có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Các loại viêm da bao gồm hăm tã, chàm và viêm da tiếp xúc.

Hăm tã: Hăm tã còn được gọi là viêm da do tã lót. Đây là bệnh ngoài da phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh. Hăm tã xảy ra khi độ ẩm trong vùng quấn tã của bé gây kích ứng hoặc nấm, vi khuẩn phát triển với số lượng nhỏ trên da.

Để ngăn ngừa hoặc điều trị hăm tã, cha mẹ cần giữ cho vùng quấn tã của bé sạch sẽ, khô ráo bằng cách thay tã thường xuyên. Khi thay tã cho con, bạn hãy chờ một lúc trước khi mặc lại. Bạn cũng có thể bôi thuốc mỡ hoặc kem để bảo vệ da bé.

Nhung benh ngoai da thuong gap o tre-Hinh-2

Trẻ có thể bị hăm tã do vi khuẩn hoặc nấm phát triển trên nền da ẩm khi mặc tã. Ảnh: iStock.

Viêm da tiết bã nhờn: Đây là tình trạng da trông giống như các mảng vảy màu vàng thường được bao quanh bởi phát ban đỏ trên da đầu của bé. Tuyến bã nhờn tiết quá nhiều dầu trên da đầu có thể gây ra tình trạng viêm da. Phụ huynh có thể xử lý tại nhà bằng cách gội đầu cho con bằng dầu gội dịu nhẹ hoặc xoa nhẹ lớp vảy nếu nó không làm bé khó chịu.

Bệnh chàm: Bệnh này còn được gọi là bệnh viêm da cơ địa. Bệnh nhi thường ngứa, sau đó nổi mẩn đỏ, khó chịu và khô da. Nguyên nhân là hàng rào bảo vệ da có vấn đề, khiến da bé nhạy cảm, dễ bị nhiễm trùng hơn.

Việc điều trị nhắm tới kiểm soát triệu chứng. Ngoài ra, cha mẹ có thể giúp con tránh các tác nhân gây dị ứng theo mùa. Tắm bằng nước ấm không quá nóng, dưỡng ẩm thường xuyên, đặc biệt ngay sau khi tắm hoặc tiếp xúc với nước, cũng giúp bé giảm nguy cơ mắc bệnh chàm.

Viêm da tiếp xúc: Bệnh có thể xảy ra khi trẻ có phản ứng với chất gây dị ứng hoặc chất kích ứng. Chất gây dị ứng có thể bao gồm cây thường xuân độc hoặc thuốc. Các chất gây kích ứng có thể bao gồm nước hoa, xà phòng, chất tẩy rửa và sơn. Viêm da tiếp xúc gây phát ban ngứa trên da, đôi khi khiến trẻ đau đớn. Phụ huynh giúp con bằng cách bôi kem dưỡng ẩm, kem chống ngứa và steroid tại chỗ (hoặc đôi khi uống).

Bệnh ngoài da do nhiễm virus

Trẻ có thể nhiễm nhiều loại virus gây ra tình trạng phát ban ở da. Nó bao gồm bệnh thứ năm (còn gọi là ban đỏ nhiễm khuẩn), ban đào, thủy đậu, sởi, rubella, u mềm lây và tay chân miệng.

Bệnh thứ năm: Bệnh gây ra phát ban đỏ tươi trên má của con bạn. Parvovirus B19 gây ra bệnh thứ năm. Cùng với phát ban, con có thể bị sốt và có các triệu chứng không đặc hiệu khác. Sau một vài ngày, các vết mẩn đỏ trên mặt sẽ mờ dần. Nhưng sau đó, các mảng màu hồng có thể phát triển thành hình viền trên cánh tay và chân của con. Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc chống viêm không steroid (NSAID), kem chống ngứa hoặc thuốc kháng histamine.

Ban đào: Nó còn được gọi là bệnh thứ sáu. Herpesvirus 6 ở người gây ra ban đỏ. Với ban đào, bé sẽ đột ngột sốt cao, có thể kéo dài đến một tuần. Sau khi hạ sốt, một nốt ban màu hồng nhạt hơi nổi lên có thể xuất hiện trên ngực hoặc bụng của bé. Phát ban có thể lan đến cánh tay trên và cổ, sau đó mất dần sau khoảng 24 giờ. Cha mẹ có thể dùng acetaminophen để hạ sốt cho bé.

Bệnh thủy đậu: Virus varicella zoster gây ra bệnh thủy đậu. Trước tiên, bệnh thường gây phát ban trên mặt, ngực và lưng trẻ. Nó có thể lan ra toàn bộ cơ thể. Các nốt ban chuyển thành các mụn nước ngứa, chứa đầy dịch, sau đó các mụn nước chuyển thành vảy.

Bệnh thủy đậu thường tự khỏi sau 1-2 tuần. Bạn có thể điều trị các triệu chứng của trẻ bằng thuốc kháng histamine và acetaminophen. Chúng dễ lây lan cho đến khi tất cả các mụn nước đóng vảy.

Bệnh sởi: Morbillivirus gây ra bệnh sởi. Bệnh rất dễ lây lan và được phòng ngừa bằng vaccine. Bệnh gây ra phát ban, bắt đầu ở trên mặt của trẻ. Chúng thường xuất hiện sau tai hoặc xung quanh miệng sau đó di chuyển xuống cơ thể.

Ban đầu, phát ban là những chấm đỏ phẳng. Sau đó, nó có thể xuất hiện các đốm trắng nhỏ hơn nổi lên trên các nốt đỏ. Các đốm có thể liên kết với nhau khi nó di chuyển xuống cơ thể của con bạn.

Bệnh sởi diễn biến theo lộ trình. Nó sẽ biến mất trong vòng khoảng 2 tuần trừ khi xuất hiện biến chứng. Bạn có thể điều trị các triệu chứng sốt và đau nhức của con bằng acetaminophen hoặc NSAID.

Rubella: Bệnh này còn được gọi là bệnh sởi Đức và có thể được phòng ngừa bằng vaccine. Nó có thể trông tương tự nhưng do loại virus khác với bệnh sởi gây ra. Rubella gây ra phát ban đỏ hoặc hồng, bắt đầu từ mặt và cổ của bé. Sau đó, nó lan sang các bộ phận khác của cơ thể và kéo dài khoảng 3 ngày trừ khi có biến chứng.

Em bé có thể bị sốt, ho hoặc sổ mũi trước khi phát ban xuất hiện. Rubella cũng diễn biến theo lộ trình. Bạn có thể điều trị các triệu chứng sốt và đau nhức của con mình bằng acetaminophen hoặc NSAID.

U mềm lây: Virus u mềm lây gây ra phát ban lành tính nhưng đôi khi khó chịu. Bệnh có triệu chứng là những nốt nổi lên trên da trẻ. Các vết sưng thường có màu thịt, hồng hoặc trắng như ngọc trai với các vết lõm ở trung tâm. Các vết sưng tấy sẽ xuất hiện trên mặt, ngực, bụng, cánh tay và chân. Chúng không đau nhưng có thể tồn tại trong vài tháng hoặc vài năm. U mềm lây cuối cùng sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.

Bệnh tay chân miệng: Virus họ enterovirus gây ra bệnh tay chân miệng. Căn bệnh này khiến trẻ phát ban đỏ xung quanh miệng, trên lòng bàn tay và lòng bàn chân. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến các khu vực khác. Phát ban có thể biến thành vết sưng tấy hoặc mụn nước trên da và trong miệng của bé và rất đau. Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi trong vòng một đến hai tuần. Bạn có thể điều trị các triệu chứng của trẻ bằng acetaminophen hoặc NSAID.

Viêm da do nhiễm khuẩn

Các loại phát ban ở trẻ em cũng có thể bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn như bệnh tinh hồng nhiệt và bệnh chốc lở.

Nhung benh ngoai da thuong gap o tre-Hinh-3

Bệnh tinh hồng nhiệt khiến trẻ sốt, đau họng, đau đầu và có phát ban đỏ ở cổ, ngực. Ảnh: Healthline.

Bệnh tinh hồng nhiệt: Bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A gây ra. Bệnh nhi thường viêm họng và có sốt ban đỏ. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, đau họng, đau đầu. Tuy nhiên, triệu chứng chính là phát ban đỏ nổi lên trên cổ và ngực trên của trẻ. Sau đó, phát ban có thể lan sang các vùng khác trên cơ thể. Mặt của con có thể đỏ với một vùng nhợt nhạt còn lại xung quanh miệng. Phát ban thô ráp như giấy nhám và có thể giống như con bạn bị cháy nắng. Bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Chốc lở: Bệnh do liên cầu khuẩn nhóm A hoặc tụ cầu vàng gây ra. Nó phổ biến nhất ở trẻ em từ 2 đến 5 tuổi nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Chốc lở gây ra các mụn đỏ, mụn nước hoặc các nốt sần sùi. Những vết này phổ biến nhất xung quanh miệng và mũi của trẻ mới biết đi và có thể ở bất cứ nơi nào mà da bị kích ứng liên tục. Điều trị chốc lở thường bao gồm thuốc kháng sinh có thể uống hoặc bôi trực tiếp lên da.

Bệnh ngoài da do nhiễm nấm

Bệnh hắc lào hay lác đồng tiền do nấm gây ra. Trẻ mắc bệnh có các mảng tròn hoặc bầu dục trên da. Các mảng có trung tâm mịn và viền đỏ, có vảy. Chúng có thể giống hình chiếc nhẫn từ đầu hoặc sau một thời gian. Các mảng này có thể ngứa, đau, sưng tấy và viêm. Bạn có thể điều trị hắc lào cho trẻ bằng thuốc trị nấm qua đường uống hoặc bôi trực tiếp lên da.

Theo Nguyên Lê/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)