Dưa hấu để nửa năm không hỏng không phải do hóa chất

Google News

(Kiến Thức) - Hiện tượng dưa hấu mua về để nửa năm không hỏng được chuyên gia lý giải rằng không phải do sử dụng chất bảo quản, mà do đất trồng.

Thời gian gần đây, nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi quả dưa hấu mua thắp hương dịp Tết Nguyên đán đến nay vẫn còn tươi, không bị hư hỏng. Khi bổ ra, quả dưa có màu đỏ nhạt, chảy nước nhưng không ai dám ăn do lo sợ có chứa nhiều chất bảo quản… Theo các chuyên gia, việc dưa hấu để được nửa năm không phải do sử dụng chất bảo quản, mà vì trồng giống ít chất dinh dưỡng, hàm lượng đường thấp. 
Dưa hấu không chứa chất bảo quản 
Quả dưa hấu do nhà ông Đỗ Xuân Liêm (Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội) mua đến nay vẫn còn tươi là một ví dụ điển hình. Ông cho hay, vào ngày 28 Tết Nguyên Đán năm 2015, khi đi qua đường Láng và thấy bày bán rất nhiều dưa hấu được khắc vỏ rất đẹp. Vì vậy, ông mua một quả về để lên ban thờ trong dịp Tết.
Sau đó khoảng 2 tháng, gia đình ông quên mất không bổ ra ăn nhưng do thời gian để dưa đã lâu, phòng ban thờ lại nắng nóng, không có quạt điện hay điều hòa mà thấy quả dưa không hỏng nên gia đình không bổ nữa mà cứ để trên ban thờ cho đẹp. 
Tương tự, cũng vào dịp trước Tết Nguyên đán này, anh Phạm Văn Dũng (quận 11, TPHCM) mua cặp dưa hấu để chưng Tết với giá 100.000đ/quả. Tính đến nay, đã hơn 6 tháng nhưng cặp dưa vẫn không hỏng. 
Theo quan sát, bề ngoài quả dưa không có sự khác biệt nào so với quả dưa được mua ở thời điểm hiện tại, tức vẫn xanh vỏ, nếu có chỉ hơi sẫm màu hơn. Khi bổ thử một quả dưa để kiểm tra thì thấy, bên trong ruột vẫn đỏ, nếm thử vị ngọt thanh. 
Trước thực tế này, nhiều người dân lo lắng liệu có hay không dưa hấu được tiêm thuốc kích thích hay sử dụng các chất bảo quản để kéo dài thời gian tươi. Như vậy chắc chắn sẽ gây độc hại cho sức khoẻ người tiêu dùng...
Theo TS Hoàng Thi Lệ Hằng, Trưởng Bộ môn Bảo quản chế biến, Viện Rau quả, việc người dân lo lắng hoa quả có chất bảo quản để kéo dài thời gian tươi là đúng, nhưng có thể khẳng định đến thời điểm này, dưa hấu chưa bị sử dụng bất cứ chất bảo quản nào. Vì thế, người dân có thể an tâm để ăn. Đối với thời gian bảo quản đến hơn nửa năm thì có thể do nhiều yếu tố như loại dưa, chất dinh dưỡng, quá trình chăm bón... 
Chuyen gia ly giai chuyen dua hau de nua nam khong hong
 Ảnh minh họa.
Dưa ít dinh dưỡng sẽ lâu hỏng
Phân tích thêm về vấn đề này, TS Hoàng Thị Lệ Hằng cho hay, dưa hấu là loại có thời gian bảo quản lâu hơn các loại rau quả khác. Nếu một quả dưa bình thường, không bị dập vỏ có thể kéo dài thời gian bảo quản là 2 – 3 tháng. Khi bị dập vỏ, vi khuẩn, nấm mốc xâm nhập làm dưa nhanh hỏng hơn. Kèm theo đó, nếu để ngoài nắng, nhiệt độ tăng cao cũng dưa nhanh hỏng. 
“Dưa sau khi hái cũng là một thực thể sống, cần sự hô hấp và các vi khuẩn cũng như enzym vẫn hoạt động bình thường. Trong môi trường lý tưởng như thoáng mát, không bị dập làm nẫu ruột... quá trình hô hấp của quả dưa vẫn diễn ra bình thường. Còn nếu thời tiết nóng, tức bị tác động nhiệt vào, cùng với quá trình tạo nhiệt bên trong quả dưa sẽ khiến quả nhanh bị hỏng hơn”, TS Hoàng Thị Lệ Hằng cho hay. 
Ngoài ra, một lý do khác khiến dưa được kéo dài thời gian bảo quản còn phụ thuộc vào độ đường, chất dinh dưỡng. Dưa càng ít ngọt, ít dinh dưỡng thì thời gian bảo quản càng dài. Theo như trong ảnh, quả dưa có màu đỏ nhạt chứng tỏ dưa không có độ ngọt cao. Đối với dưa Sài Gòn, thường ngọt nên nhanh hỏng hơn một số loại dưa ở miền Bắc. 
“Dưa có hàm lượng đường cao trên 10% thường bị nấm men và vi sinh vật hoạt động mạnh khiến dưa nhanh hỏng. Dưa ở một số địa phương do loại giống, quá trình chăm bón, chất đất... nên không có nhiều dinh dưỡng cũng như độ đường, ăn vào nhạt, lòng dưa không đỏ. Loại dưa này nếu để trong nhà có thể kéo dài đến nửa năm”, vị chuyên gia nói thêm.
Để bảo quản dưa lâu còn phụ thuộc vào yếu tố canh tác như bón phân, tưới nước, nhất là giai đoạn gần thu hoạch. Ví dụ, giai đoạn không được tưới nhiều nước, bởi tưới nhiều dưa cũng sẽ có nhiều nước gây hỏng nhanh. Tương tự, nếu dưa gặp mưa cũng không tốt. Ngoài ra, hiện nay có một số giống dưa có thể giúp kéo dài thời gian sau thu hoạch. 
TS Ngô Thị Hạnh (Bộ môn Rau và Cây gia vị, Viện Nghiên cứu Rau quả)  
Hiền Dung

>> xem thêm

Bình luận(0)