Những cú sốc mang tên K+

Google News

(Kiến Thức) - Ngay từ khi ra mắt, Truyền hình số vệ tinh K+ đã có cú "chào hàng" ngoạn mục. Trong quá trình phát triển của mình, K+ liên tiếp đưa ra những tuyên bố gây sốc cho khách hàng. 

"Chào hàng" ngoạn mục và tuyên bố độc quyền

Ngay từ khi ra đời vào năm 2010, K+ đã gây sốc đối với người tiêu dùng với tuyên bố độc quyền về bóng đá. Khoảng giữa tháng 7/2010, kênh truyền hình K+ ("đứa con chung" giữa đài truyền hình VTV/VCTV và Hãng truyền hình Canal + Canal Overseas) tuyên bố đã có trong tay bản hợp đồng với nhà cung cấp để độc quyền phát sóng giải bóng đá Ngoại hạng Anh vào ngày Chủ nhật trên lãnh thổ Việt Nam. Sau khi K+ tuyên bố, rất nhiều nhà đài đã phản ứng và xem đây là hành vi thể hiện sự độc quyền của K+. Nhiều người hâm mộ cũng lên tiếng phản đối vì phải tốn khá nhiều chi phí (mua đầu thu và trả phí hàng tháng cho K+) để xem được các trận đấu ngày Chủ nhật.

 

Bộ Công thương đã yêu cầu K+ đàm phán với các đài khác để giải quyết, nhưng khi việc đàm phán giữa các đài truyền hình theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông chưa tiến triển được bao nhiêu thì K+ lên tiếng tố một số nhà đài đã vi phạm bản quyền khi phát sóng các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh vào ngày Chủ nhật khi đơn vị này đang giữ độc quyền, đặc biệt là Truyền hình cáp Hà Nội (HCTV). Phía HCTV cho biết, họ đã mua được bản quyền từ kênh truyền hình True Sport (Thái Lan) để phát.

Ngày 26/8/2010, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức cuộc họp giữa đại diện K+, MP & Silva. Đại diện HCTV không tới dự. Tại cuộc họp, K+ và MP & Silva đã công khai bản hợp đồng hai bên đã kí. Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử lúc bấy giờ là ông Lưu Vũ Hải đã xác nhận, bản hợp đồng độc quyền phát sóng gói Super Sunday của K+ với đối tác MP & Silva là hợp pháp, đồng thời yêu cầu các đài trong nước dừng việc phát sóng các trận đấu Ngoại hạng Anh.

Ngày 27/8/2010, ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh cũng đã gửi thông cáo nhằm ngăn chặn việc phát sóng trái phép giải này tại Việt Nam. Thông cáo nêu rõ: "Việc các đài truyền hình ở Việt Nam thu sóng từ True Sport rồi phát trên hệ thống của mình là vi phạm bản quyền giải Ngoại hạng Anh tại cả Thái Lan và Việt Nam. Bất kì đài truyền hình nào phát sóng Ngoại hạng Anh tại Việt Nam mà chưa được sự đồng ý của K+ đều là không hợp lệ". 

Tới thời điểm này, K+ vẫn là đơn vị duy nhất có bản quyền phát sóng EPL ngày Chủ nhật. Hiện tại HCTV đã ngừng phát sóng các trận đấu Ngoại hạng Anh từ True Sport.

Tiếp tục tuyên bố độc quyền

Nếu coi bản quyền truyền hình bóng đá là một trận đấu thì K+ đang nắm giữ vai trò của người dẫn dắt lối chơi. K+ nắm giữ ưu thế về bản quyền ở những giải đấu trọng điểm như: Ngoại Hạng Anh, giải VĐQG Pháp, VĐQG Tây Ban Nha, VĐQG Italia... Kể từ mùa giải 2012-2013, đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình này đã còn sở hữu thêm bản quyền của các giải đấu rất hấp dẫn như: Giải VĐQG Đức (Bundesliga), Giải hạng nhất Anh (Championship), Giải bóng đá Liên đoàn Anh (Carling Cup), 150 trận đấu vòng loại World Cup 2014 của các đội bóng hàng đầu châu Âu và Nam Mỹ, các trận đấu giao hữu quốc tế của đội tuyển Argentina và Brazil… 

 Truyền hình K+ tuyên bố độc quyền phát sóng giải Ngoại hạng Anh trong 3 năm 2013 - 2016

Ngày 15/4 vừa qua, K+ đã ra thông cáo báo chí gián tiếp khẳng định K+ đã có trong tay độc quyền bản quyền truyền hình giải bóng đá Ngoại hạng Anh ba mùa giải 2013-2014, 2014-2015, 2015-2016. 

Trong khi đó, K+ đã có thông báo chính thức độc quyền một số trận đấu giải Ngoại hạng Anh trên hạ tầng truyền dẫn của K+ trong 3 mùa 2013-2016 bằng thông điệp: "Những trận đấu hấp dẫn của Ngoại hạng Anh chắc chắn sẽ chỉ được phát trực tiếp duy nhất trên các kênh truyền hình K+". 

Theo như cách chia các gói của IMG thì gói Chủ nhật được bán riêng với những trận đấu hay nhất và mức giá bán cũng cao nhất. Hai gói còn lại là các trận đấu sớm ngày thứ bảy và các trận đấu còn lại vào giữa tuần.

Với tuyên bố này có thể hiểu Canal + Canal Overseas đã chuyển độc quyền toàn bộ gói bản quyền Ngoại hạng Anh ba mùa giải 2013-2016, trong đó có hai gói độc quyền (độc quyền các trận Chủ nhật và độc quyền trận đấu sớm nhất ngày Thứ bảy) cho K+ sau khi đã mua từ IMG (đơn vị sở hữu bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh trên lãnh thổ Việt Nam). 

Thông báo này của K+ cũng được hiểu rằng, để bù lại số tiền đã bỏ ra để có bản quyền Ngoại hạng Anh 2013-2016, chắc chắn các thuê bao của K+ sẽ phải gánh thêm chi phí thuê bao vốn đã tương đối nặng, trong trường hợp có thêm hoặc không có thêm (hoặc có thêm không đáng kể) thuê bao mới.

Vào thời điểm đó, ban đàm phán bản quyền Ngoại hạng Anh do VTV đứng đầu không có động thái nào ngoài việc đã gửi công văn cho IMG và Canal + Canal Overseas đề nghị chia sẻ bản quyền nhưng bị từ chối hoặc chưa nhận được phản hồi chính thức.

Tung hàng "độc" đánh vào tâm lý phái mạnh

Bên cạnh việc tuyên bố độc quyền phát sóng ở Việt Nam với giải bóng đá Ngoại hạng Anh, K+ còn liên tiếp tung ra những chương trình hấp dẫn, chỉ có ở trên K+, đáp ứng nhu cầu của mọi thành phần khán giả như: Super Match với phần bình luận của các chuyên gia trước, giữa và sau các trận đấu đỉnh cao chỉ có trên K+; Talkshow Đội tuyển tôi yêu với những câu chuyện thú vị trong và ngoài sân cỏ qua lăng kính của các chuyên gia và người nổi tiếng với sự dàn dựng, đầu tư một cách công phu. Đặc biệt, nếu khán giả không có nhiều thời gian thì Trận đấu 10 phút sẽ giúp khán giả nắm bắt được thông tin về trận đấu. Bên cạnh đó, K+ còn có các chương trình như: Phút bù giờ xoay quanh một chủ đề thời sự và nóng hổi nhất của thể thao trong tuần; bản tin thể thao Điểm hẹn cập nhật thông tin thể thao hàng ngày…

 Một chương trình bình luận “nóng” trên K+

Trước đó, vào tối 13/8/2012, K+ đã trình làng 5 gương mặt bình luận viên được chọn lọc từ chương trình “Người truyền lửa”, một chiến dịch tuyển chọn và đào tạo bình luận viên quy mô và chuyên nghiệp nhất Việt Nam từ trước đến nay, với hy vọng sẽ làm hài lòng những thực khách khó tính trong đại tiệc bóng đá. 

Từ mùa giải 2012-2013, K+ còn tung ra một cú đột phá mang tên “Multifoot” - ứng dụng cho phép khán giả theo dõi, cập nhật trực tiếp những tình huống, diễn biến gay cấn, những pha bóng đẹp mắt của 8 trận bóng khác nhau tại cùng một thời điểm ngay trên một màn hình mà không cần phải chuyển đổi kênh.

Được biết, K+ triển khai ứng dụng Multifoot trên kênh truyền hình K+1 ở cả hai chuẩn SD và HD. Đây là ứng dụng này mới chỉ được triển khai ở một vài quốc gia tiên tiến ở châu Âu vì chi phí đầu tư tốn kém và phức tạp. 

Với những hấp dẫn của kênh truyền hình K+, khán giả có thực sự thích thú hay khó chịu với chi phí trả tiền hàng tháng cao ngất, trong thời buổi kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Bất ngờ tuyên bố ngưng phát nhiều kênh truyền hình

Dư luận chưa hết sốc vì tuyên bố độc tuyền 3 mùa giải Ngoại hạng Anh tới thì mới đây, K+ lại gây sốc khi tuyên bố ngưng phát sóng 21 kênh truyền hình nước ngoài, trong đó có các kênh như: CNN, BBC, Start World...

Theo quy định mới, kênh truyền hình nước ngoài chưa có Giấy phép Biên tập sẽ không được phát sóng trên bất kỳ hệ thống truyền hình trả tiền nào tại Việt Nam. Qui định này chính thức được áp dụng trên tất cả các hệ thống truyền hình trả tiền tại Việt Nam từ ngày 15/5/2013. Theo đó, bất cứ nhà cung cấp nào phát sóng tín hiệu các kênh truyền hình chưa có Giấy phép Biên tập trên lãnh thổ Việt Nam đều vi phạm quy chế này.

 

Trong 1 thông báo phát đi, K+ cho biết, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền này tạm dừng 21 kênh truyền hình nước ngoài kể từ ngày 15/5 để thực hiện quy định mới.

Tuy nhiên, từ 17/5, có 5 kênh truyền hình gồm CINEMAX, AXN, STAR MOVIES HD, AXN HD và FOX SPORTS PLUS đã chính thức được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Giấy phép Biên tập để được tiếp tục phát sóng tại Việt Nam trên hệ thống truyền hình này.

Dự kiến sắp tới, một số kênh nước ngoài khác sẽ được cấp giấy phép biên tập và K+ sẽ cập nhật từng giờ để có thể lại lên sóng những kênh này. 

Người hâm mộ bóng đá kêu gọi "tẩy chay" K+

Việc một mình bỏ số tiền lớn để mua bản quyền rồi đưa ra mức giá bán đầu thu và phí thuê bao cao ngất ngưởng khiến K+ gặp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận và bị người hâm mộ bóng đá Việt Nam "tẩy chay". 

Còn nhớ, năm 2010, Hội cổ động viên Việt Nam phát động chương trình "1 triệu chữ ký phản đối K+ độc quyền với sự hưởng ứng của nhiều tầng lớp xã hội. Theo ông Trần Song Hải – Phó Chủ tịch Hội cổ động viên Việt Nam, thì thời điểm đó, chỉ sau 5 ngày, chương trình đã thu được 350 nghìn chữ ký.

 

Một số trang web cũng đã được lập để kêu gọi khán giả phản đối cách làm của K+, đồng thời thu hút thêm nhiều chữ ký đồng tình vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng. Một tài khoản Facebook với khoảng 19.000 thành viên đã được thành lập và "rủ nhau" in áo đồng phục phản đối K+.

Trước làn sóng sôi sục của cổ động viên Việt Nam, ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc VSTV, đơn vị sở hữu K+ lúc đó, đã khẳng định với báo chí rằng, K+ đã đạt được thỏa thuận cho phép tiếp sóng giải ngoại hạng Anh trên một kênh truyền hình kỹ thuật số và hệ thống truyền hình giao thức Internet trên mạng viễn thông (IPTV) của FPT. Tuy nhiên, khách hàng cũng phải trả thêm một khoản phí để xem được các trận đấu này.

Với một nhà cung cấp dịch vụ mới tham gia thị trường như K+, việc ký được hợp đồng độc quyền cung cấp một sản phẩm phổ biến như các giải bóng đá quốc tế là bước đi rất khôn ngoan để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, nếu K+ hành xử không hợp tình, hợp lý, thì đây rất có thể là con dao hai lưỡi khi gặp sự phản đối kịch liệt từ khán giả. Với giá "cắt cổ" mà K+ đưa ra, người tiêu dùng ngậm ngùi rằng bóng đá chỉ dành cho "người giàu".

Diên Lệ (Tổng hợp)

Bình luận(0)