Nếu Quốc hội đồng ý với đề xuất của Chính phủ thì Việt Nam sắp có 2 tân Phó thủ tướng là ông Vũ Đức Đam và ông Phạm Bình Minh. Còn ông Nguyễn Thiện Nhân sẽ rời ghế Phó Thủ tướng, đảm nhận vị trí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kiến Thức xin điểm lại những dấu ấn, câu chuyện thú vị mà những chính khách trên để lại trong lòng công chúng.
Ứng cử viên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Tôi là vị chủ tịch tỉnh nhàn nhất"
|
Ứng cử viên cho chức Phó thủ tướng Vũ Đức Đam từng chỉ mơ ước làm chủ tịch huyện. |
Nhắc tới ông Vũ Đức Đam, người ta không thể quên phong cách “bàn làm việc không giấy” và ước mơ trở thành chủ tịch huyện của ông.
Chuyên môn của ông là công nghệ thông tin, nên trong suốt những năm công tác trong lĩnh vực này hay khi đã làm lãnh đạo của 2 tỉnh Bắc Ninh và Quảng Ninh, ông đã xây dựng cho mình một nguyên tắc “bàn làm việc không giấy”.
Nhiều người lần đầu đến phòng làm việc của ông không khỏi ngạc nhiên khi thấy bàn làm việc trống trơn, chỉ có mỗi màn hình máy tính nhấp nháy. Thế nhưng như triển khai công việc thì tất cả công văn, giấy tờ đều đầy đủ, lấy ra nhanh gọn.
Ông tâm sự: “Với tôi, ứng dụng công nghệ thông tin rất đơn giản. Giải quyết các vấn đề về công nghệ càng đơn giản hơn. Quan trọng là con người, con người có sợ hãi khi phải đối diện với công nghệ hay không? Có quyết tâm để sử dụng nó để đem lại thuận lợi cho công việc của mình hay không mà thôi”.
Trong suốt những năm công tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ông được đánh giá là một người nhiệt huyết, có tầm nhìn, giàu niềm tin với ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Ông cũng được xem là người “có duyên” với những sự kiện công nghệ thông tin lớn của nước ta như: mở cửa internet tại Việt Nam; Intel, Foxcom, Microsoft đầu tư vào Việt Nam…
Năm 2010, ông còn nhận giải Sao khuê duy nhất dành cho cá nhân.
Cách đây vài năm, khi còn đương nhiệm vị trí Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, ông đã “thật thà” chia sẻ với báo chí rằng, có lẽ ông là vị chủ tịch tỉnh nhàn nhất trong tất cả các vị chủ tịch của 64 tỉnh thành. “Tôi vẫn có thời gian đi đá bóng buổi chiều, vẫn có thời gian học hát, học nhảy buổi tối và vẫn có thời gian giao lưu với bạn bè”.
Thế nhưng ông cũng thừa nhận làm một Bí thư tốt không dễ dàng.
“Làm bí thư có 2 điều cần quan tâm, thứ nhất phải là chỗ dựa khi Đảng viên khó khăn. Khi khó khăn người ta nghĩ đến mình, ít nhất phải cho người ta ấm lòng. Điều thứ 2, là thuyết phục được Đảng viên làm theo ý mình mà không phải ra lệnh. Vì thế, làm tròn vai một Bí thư thì dễ - nhưng làm một Bí thư tốt thì không dễ dàng chút nào”, ông Đam giải thích.
Ông cũng không ngần ngại khi nói rằng nếu cho ông chọn việc, ông muốn được làm một chủ tịch huyện. “Tôi nghĩ rằng, chỉ một năm thôi, huyện của tôi sẽ là điểm đến yêu thích của mọi người. Còn làm Chủ tịch một tỉnh thật là khó để làm thật tốt mọi việc, chỉ dám nghĩ rằng mình đã làm hết sức trong khả năng và quyền lực cho phép”, ông chia sẻ.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: khả năng diễn thuyết trời phú
Nhiều lãnh đạo của Việt Nam trưởng thành trong chiến tranh và học tập ở trong nước hoặc tại các nước thuộc khối Xã hội Chủ nghĩa. Phải đến khi ông Nguyễn Thiện Nhân được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ thì đây mới là lần đầu tiên Việt Nam có một ủy viên Bộ Chính trị học đại học Mỹ.
|
Nhiều người nhận xét ông Nguyễn Thiện Nhân là người có khả năng diễn thuyết rất "siêu đẳng". |
Ông Nguyễn Thiện Nhân được biết đến là người có khả năng ngoại ngữ và diễn thuyết rất giỏi. Nhiều người đã phải công nhận điều này khi xem những lần ông diễn thuyết trên tivi. Ông có thể nói vo và rất ít khi phải cầm theo văn bản hoặc đang nói lại dừng lại nhìn vào văn bản. Ông có thể nói một mạch 40 - 60 phút mà không bị vấp váp hay lặp ý.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thiện Nhân còn được xem là một chính khách hiếm hoi của Việt Nam (sau Bộ trưởng Bộ Ngoại giao) chịu phỏng vấn trực tiếp, trả lời trực tiếp bằng tiếng Anh với báo chí nước ngoài. Ông có bằng tiến sĩ của nước ngoài (Mỹ và Đức) và có bằng tiến sĩ danh dự của một trường đại học ở nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, được một tổ chức nước ngoài vinh danh.
Ông cũng có mối quan hệ, giao thiệp khá rộng với bạn bè quốc tế. Ông Fred Burke, Tổng giám đốc công ty luật Baker & McKenzie có chi nhánh tại TP HCM, người quen biết ông Nhân hơn một thập kỷ qua từng nhận xét về ông như sau: "Ông ấy thuộc về một thế hệ mới với nhiều kinh nghiệm quốc tế đáng kể. Tôi đã cùng ông ấy sang Mỹ, nơi ông ấy thuyết trình bằng slide PowerPoint cho các nhà đầu tư tiềm năng, và cách tiếp cận của ông ấy thể hiện đẳng cấp thế giới".
Còn ông Carl Thayer, giáo sư danh dự Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra, nhận định: "Kỹ năng căn bản của ông Nhân được thể hiện khi làm việc với phương tây. Đây là người có mạng lưới liên hệ quốc tế tuyệt vời".