Thượng tá Lê Đức Đoàn: CSGT bụng phệ trông vô cảm lắm!

Google News

(Kiến Thức) - “CSGT bụng bự bước đi khệnh khạng, làm công tác mặt tiền không những không được bắt mắt mà trông thấy vô cảm lắm... Ở đội tôi, có mỗi tôi bụng to nhưng không phệ”, thượng tá Lê Đức Đoàn cởi mở, hài hước nói.


Mới đây, thông tin không cho CSGT bụng phệ, ứng xử thô lỗ ra điều khiể́n giao thông ở Hà Nội mà chuyển sang làm trong văn phòng khiến dư luận hết sức quan tâm.

Lý giải về việc này, Trưởng phòng CSGT Hà Nội, đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết: “Những cán bộ có ngoại hình thấp bé, vòng bụng quá to sẽ được chuyển vào xử lý các công việc văn phòng thay vì hướng dẫn và xử lý vi phạm. Tới đây, chúng tôi bố trí, sắp xếp lại đội ngũ. Việc làm này nhằm giảm bớt áp lực trong quá trình giao tiếp giữa người thực thi công vụ với người dân. Nhiều nước Thái Lan, Ấn Độ cũng đã làm trước như thế và có hiệu quả rất tốt”.

Để cải thiện hình ảnh CSGT trong mắt người dân Thủ đô, khi làm nhiệm vụ mỗi chiến sĩ CSGT luôn phải mang theo cuốn cẩm nang về cách hành xử với người dân. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra xử lý nghiêm với các chiến sĩ CSGT cố tình núp gốc cây để rình người vi phạm, tùy mức độ vi phạm khác nhau sẽ có mức xử lý khác nhau, có thể khiển trách, kiểm điểm, hoặc rút khỏi vị trí đó, đưa về làm trực ban.

Sau khi tung nữ CSGT xuống đường phân làn, CSGT bụng bự cũng lui vào bàn giấy.

Mặc dù hiện nay, vẫn chưa có số đo chuẩn mực về vòng bụng bự của các CSGT, tuy nhiên, các đội CSGT trên địa bàn Hà Nội đang rà soát những trường hợp bụng quá to để gửi lên Phòng CSGT Hà Nội.

Trao đổi với PV Kiến Thức, thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội CSGT số 1, Công an Thành phố Hà Nội thẳng thắn cho biết: “Không biết người dân có thấy phản cảm hay không nhưng tôi thấy bụng phệ trông vô cảm lắm! CSGT điều khiển, hướng dẫn giao thông mà bước đi khệnh khạng, chậm chạp thì nhìn thật thiếu thiện cảm. Việc loại CSGT bụng bự, bụng phệ là đúng. Không biết có nhiều chiến sĩ bụng bự hay không, ở đội tôi có mỗi tôi bụng to nhưng không phệ".

 Thượng tá Lê Đức Đoàn: CSGT bụng bự chuyển công tác khác là đúng.

“CSGT là mặt tiền, ra đường là gặp người dân nên phải chọn người chuẩn chỉ, cao ráo, tác phong nhanh nhẹn. Khi tuyển chọn vào ngành CSGT đã có tiêu chí về sức khỏe và hình thể rồi. Việc dùng các nữ CSGT ra điều khiển giao thông đã tạo được nhiều thiện cảm với người dân về hình ảnh đẹp của CSGT. Đã là mặt tiền thì phải phô ra cái đẹp”, thượng tá Lê Đức Đoàn cởi mở nói.

Về việc chiến sĩ CSGT ứng xử thô lỗ sẽ bị chuyển vị trí vào làm trong văn phòng, thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng, quy định này hay và cần thiết để giữ hình ảnh đẹp của CSGT Thủ đô khi thực thi nhiệm vụ điều khiển giao thông.

“Lực lượng CSGT là lực lượng công khai, ra đường là chạm mặt với người dân, với những người tham gia giao thông nên phải được nhân dân ủng hộ. Ứng xử đẹp sẽ được người dân ủng hộ, ngược lại ứng xử thô lỗ, thiếu văn hóa sẽ gây phản cảm. Những chiến sĩ CSGT có thái độ không đúng mực khi thi hành nhiệm vụ bị người dân phản ánh, hoặc bị lực lượng chức năng phát hiện nên chuyển sang làm những công việc khác như trực ban, làm văn phòng… Muốn hình ảnh CSGT đẹp lên thì cần phải có những chủ trương mạnh mẽ”, thượng tá Lê Đức Đoàn phân tích.

 Người CSGT có trí tuệ là người luôn giúp đỡ người khác thực thi nhiệm vụ

Thượng tá Lê Đức Đoàn cho biết thêm: “Khi thực hiện nhiệm vụ điều khiển giao thông, chiến sĩ CSGT phải tạo được uy thế, phải thể hiện trí tuệ của mình, có phong thái làm việc đàng hoàng, đứng công khai xử lý vi phạm. Nói chung phải có trí tuệ, đạo đức, hình thể và thể chất".

"Trên thực tế, vẫn còn không ít CSGT đứng núp ở gốc cây, góc khuất khi điều khiển giao thông, chỉ chăm chăm xử phạt người vi phạm, trong khi giao thông lộn xộn, đó là hình ảnh phản cảm, mà nói đúng hơn là sự vô cảm, thiếu đạo đức, không đáng có. Đứng ở chỗ khuất rồi lao ra xử phạt khi phát hiện người tham gia giao thông mắc lỗi rất phản cảm. Khiến người vi phạm giao thông dễ bức xúc, dễ xảy ra cãi vã, không có lợi. Dân mình vốn tò mò, thấy cãi cọ là người ta đứng lại xem, gây ách tắc giao thông”.

“Khi điều khiển giao thông, người CSGT ứng xử có văn hóa là người phải biết thông cảm cho những người ngoại tỉnh, phụ nữ, người già. Họ chèn vạch khi đèn đỏ, gương xe vỡ hay không biết luật mà đi ngược đường thì cũng nên nhắc nhở chứ không nên phạt. Đồng tiền phạt đó là bữa cháo cho người chồng đang trong bệnh viện, là tiền mua sách vở cho con của họ nên phải cân nhắc. Thấy người ngã xe thì chạy lại nâng người ta dậy, chứ không chỉ chăm chăm vào xử lý vi phạm. CSGT phải rèn về tinh thần phục vụ, luyện về chuyên môn nghiệp vụ, đặt quyền lợi nhân dân lên trên. Đúng luật và hiểu biết, dân sẽ yêu quý”.

Lãnh đạo đội CSGT sai cũng phải chịu trách nhiệm

Trao đổi với PV Kiến Thức về thông tin Phòng CSGT Hà Nội đã xử lý 23 trường hợp, trong đó có 3 đồng chí phải về trực ban, đặc biệt có 2 đồng chí chỉ huy cũng bị rút về làm tại văn phòng do có thái độ chưa đúng mực hoặc không làm đúng quy trình, thượng tá Lê Đức Đoàn cho rằng: “Cán bộ, chiến sĩ phải hội đủ các tiêu chí mới được làm lãnh đạo. Trong đó, lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Muốn làm lãnh đạo thì phải có cái đầu, tức là phải có trí tuệ để nhìn rõ mọi vấn đề. Hơn nữa, phải có trách nhiệm và biết chịu trách nhiệm cá nhân mới khiến anh em chiến sĩ tâm phục khẩu phục. Thậm chí, trong đội có một vài chiến sĩ CSGT hành xử chưa đúng, thì với vai trò trách nhiệm của mình, lãnh đạo đội cũng phải đứng ra chịu trách nhiệm”.


Hải Ninh

Bình luận(0)