Sa-tăng là ác quỷ hay thiên thần?

Google News

(Kiến Thức) - Trước khi trở thành chúa quỷ, đại diện cho những gì xấu xa nhất, Sa-tăng từng là tổng thiên thần do Chúa trời tạo ra, được Chúa yêu quý nhất.

Sa-tăng thường được biết đến dưới hình dạng một ác quỷ to lớn lừng lững, mặt mũi hung ác và chiếc đầu có  hai sừng nhọn hoắt.
 
Quỷ Sa-tăng trong Kinh thánh
 
Nếu như mọi tồn tại trên thế giới – cả trên trời, mặt đất và biển cả - đều là sản phẩm của Chúa thì Sa-tăng cũng vậy. Ban đầu, đó là một trong ba tổng lãnh thiên thần do Chúa trời tạo ra, có tên là Lucifer, có nghĩa là ngôi sao mai ngời sáng. Lucifer cùng với hai tổng thiên thần khác là Michael và Gabriel giúp Chúa trời cai quản thiên giới. Vị thiên thần này không những có quyền lực lớn mà còn có hình dung tuyệt đẹp, được Chúa vô cùng yêu thương, giao nhiều trọng trách. Điều đó khiến Lucifer dần dần trở nên kiêu ngạo và ngông cuồng, cảm thấy mình không thua kém gì Chúa trời. Ông ta đố kỵ với Chúa, thèm khát địa vị của ngài, thèm khát quyền lực tối thượng.
 
Ấp ủ tham vọng thoán vị, Lucifer rủ rê các thiên thần tạo phản lật đổ Chúa trời và lạ thay, có đến 1/3 số thiên thần đi theo ông ta. Một cuộc chiến khủng khiếp diễn ra trên thiên đường và kết cục là vị tổng thiên thần sa ngã tự coi mình cao hơn Chúa đã thất bại, bị ném xuống 18 tầng địa ngục và trở thành chúa quỷ. Từ đó, ông ta được gọi là Sa-tăng, có nghĩa là sự hủy diệt.
 
 Ảnh: Wikipedia.

Sa-tăng được coi là kẻ đã hóa thân thành con rắn để quyến rũ A-đam và Eva phản lại lời răn của Chúa: không được ăn trái cây hiểu biết về sự tốt xấu. Họ đã ăn trái cây đó, để từ chỗ ngây thơ, trong trắng hoàn toàn như một đứa trẻ, họ đã có tri thức đầu tiên, lần đầu tiên biết về sự tốt và xấu, lần đầu tiên thấy xấu hổ về sự trần truồng của mình và những dục vọng của xác thịt. Hiểu biết đó khiến họ bị đẩy ra khỏi vườn địa đàng, và con cháu đời đời mang tội với tổ tông.
 
Quỷ vương Sa-tăng cũng từng cám dỗ cả Chúa Jesu khi ngài ở trong hoang mạc, trước thời điểm ngài xuất hiện công khai truyền đạo. Sứ mệnh của Jesu là hiến mình trên thập giá để cứu chuộc loài người, nhưng Sa-tăng hứa sẽ đem cho ngài toàn bộ quyền lực và vinh quang của cõi thế gian, và dĩ nhiên là quỷ đã thất bại. Sau này, quỷ vương còn nhiều lần tiếp tục trổ tài lung lạc các môn đồ của Chúa trên hành trình truyền đạo.

Theo nghĩa biểu trưng, Sa-tăng không phải là con quỷ tìm cách ăn thịt người, mà là hiện thân cho sự sa ngã của linh hồn, là sự buông mình theo cám dỗ của dục vọng đen tối. Khi con người vướng vào tội lỗi, chứng tỏ họ đã bị quỷ dữ - tức cái ác, cái xấu – lung lạc và chiếm hữu.

 Về tích Sa-tăng dụ dỗ A-đam và Eva ăn táo cấm,  nhiều người cho rằng khi gác sang một bên ý nghĩa tôn giáo, chỉ căn cứ vào câu chuyện thì có thể coi Sa-tăng có vai trò tích cực đối với loài người. Nếu không có con rắn xúi giục ăn trái cấm, A-đam và Eva không bao giờ có tri thức. Họ sẽ mãi mãi được sống sung sướng, bình an trong vườn địa đàng, là “con cưng” của Thượng đế, nhưng trong tình trạng “trắng xóa” về trí tuệ, họ chẳng hơn gì những tạo vật vô tình khác như chim muông, cây cảnh, có chăng là đẹp hơn, được Chúa yêu thích hơn mà thôi. Nhưng khi đã ăn trái cây đó, mắt họ mở ra, tri thức ùa đến, tuy cái xấu, sự đau đớn, khổ não cũng xuất hiện trong đời họ, nhưng so với các tạo vật còn lại, họ đã ở đẳng cấp khác hẳn.

Luồng ý kiến trên cho rằng, đối với sự tiến hóa của loài người, chuyện con rắn dụ A-đam và Eva ăn táo cũng mang tính cách mạng, mở ra một kỷ nguyên mới, không khác gì thần Prometheus trong thần thoại Hy Lạp ăn cắp lửa cho loài người, giúp họ thoát khỏi thời mông muội.  Đó là chưa kể, vì ăn trái cấm, A-đam và Eva mới được thức tỉnh về ham muốn xác thịt và nhờ đó, loài người mới được sinh sôi đông đúc như ngày nay.

Đạo thờ quỷ Sa-tăng

Từ xa xưa, Sa-tăng đã được không ít người thờ phụng với quan điểm thế giới có hai phần tốt và xấu, thiện và ác, và Sa-tăng đại diện cho một trong hai phần đó. Khoảng thế kỷ 12, các Lễ hội Đen xuất hiện với những nghi lễ quái đản dâng lên quỷ vương, bao gồm việc hành xác và những hành vi tình dục kỳ quái. Đến thế kỷ 16 – 17, lễ hội này khá thịnh hành ở châu Âu.

 Hiện thế giới có rất nhiều kiểu thờ phụng Sa-tăng với nghi lễ và niềm tin khác nhau. Ở Mỹ, năm 1966, một cựu chuyên gia luyện thú và thôi miên tên là Anton Lavey đã sáng lập ra cái gọi là Hội thờ quỷ Sa-tăng mà ông ta là Giáo hoàng Đen, có tổ chức với nhiều cấp bậc, có khẩu hiệu và “kinh thánh” hẳn hoi. Nghi thức tế bái của hội này vô cùng quái đản, rùng rợn như nghi lễ ma cà rồng hút máu, hành dâm tập thể, dùng ma túy, tự cắt rạch da, cắt tay chân lấy máu hiến cho Sa-tăng - kẻ có quyền năng đánh thức bản chất thật sự của con người. 

Có đến vài chục nghìn người thờ Sa-tăng ở Mỹ, đa phần là thanh niên, thậm chí vị thành niên, những kẻ nghiện ngập, hung hãn, đầy kích động. Những người này thậm chí dám tự sát để hiến linh hồn cho quỷ, với mục đích được Sa-tăng ban cho nhiều quyền lực để cai trị thế giới trong kiếp sau. Để đạt được quyền lực đen tối, họ cũng hiến cho quỷ vương linh hồn của người khác hay động vật khác (nhiều tín đồ Sa-tăng giáo thường xuyên giết súc vật, cắt lấy bộ phận sinh dục dâng lên chúa quỷ).
 
Nhiều người tôn thờ Sa-tăng cho rằng, vị chúa tể của họ chẳng phải là quá xấu xa, độc ác. Họ lý luận rằng theo Kinh thánh của Ki-tô giáo, Chúa trời đã giết hàng triệu người: Trong trận đại hồng thủy, trừ gia đình Noah, cả loài người bị xóa sổ. Toàn bộ dân thành Sodom và thành Gomorrah bị hủy diệt vì Chúa cho rằng dân ở đó quá tội lỗi. Để đưa người Israel ra khỏi Ai Cập, Chúa không ngại giáng cả chục tai họa xuống đất nước này, trong đó có việc giết toàn bộ những người Ai Cập là con trai đầu lòng. Trong khi đó, Sa-tăng không giết nhiều người, hắn chỉ cám dỗ người ta làm theo cái phần xấu xa sẵn có trong họ mà thôi.

 Đối với một nhóm nhỏ, việc thờ Sa-tăng không mang nghĩa tôn thờ cái ác và bạo lực, mà là tôn thờ một triết lý sống: cởi bỏ những kỷ luật, quy tắc trói buộc của xã hội để sống thật với bản ngã, dục vọng của bản thân. Họ quan niệm, sự tham lam, xấu xa cũng là một phần của bản chất người và không cần phải xiềng xích nó, nhất là những thôi thúc của thể xác.

Tuy nhiên, đa số những người tôn thờ Sa-tăng hiểu rằng họ đang thờ cái ác và tội lỗi, không ngần ngại “thực hành” nó thường xuyên. Nhiều thảm kịch đã xảy ra do sự bệnh hoạn trong tâm hồn của con người thời hiện đại, khi lấy tội lỗi làm khoái cảm. Cách đây khoảng 6 – 7 năm, ở một tỉnh miền nam nước Pháp, một nhóm học sinh đeo biểu tượng quỷ Sa-tăng (số 666 và cây thập giá ngược) đã đào mộ, cạy quan tài rồi vừa múa may vừa dùng thập giá cắm vào tim xác chết và chụp ảnh một cách khoái trá. Khi bị cảnh sát bắt, chúng tự nhận là tín đồ của Sa-tăng giáo.

Vào cuối năm 2011, tại Witten, Đức, một cặp vợ chồng trẻ đã dùng búa giết chết người bạn thân trong nghi lễ tế Sa-tăng tại nhà riêng, sau đó xăm biểu tượng của quỷ lên người nạn nhân, uống máu anh ta. Hai kẻ sát nhân khai với cảnh sát rằng chúng chỉ thực hiện nghi thức cống nạp linh hồn cho quỷ - chủ nhân của chúng, và anh bạn này được chọn để hiến tế vì anh ra rất hài hước, hẳn sẽ phục vụ tốt cho chủ nhân.  Cô vợ, Manuella, còn nói rằng chúng là ma cà rồng nên phải uống máu anh bạn đó, rằng cô ta đã ký giấy bán linh hồn cho Sa-tăng rồi. Chẳng biết 15 năm tù có làm cho cặp vợ chồng này bớt trung thành với vị chủ nhân đáng sợ đó không.

Cái ác cũng cổ xưa như chính loài người, và dường như luôn tồn tại song hành cùng nhân loại. Vì thế nên quỷ vương từ trong truyền thuyết mấy nghìn năm vẫn tiếp tục “sống” trong thế giới hiện đại với sự xuất hiện của bao nhiêu tội ác mới. Thật may, Sa-tăng chưa bao giờ là chủ nhân của thế gian, vì thế cái ác vẫn chỉ có thể hoành hành trong bóng tối.

TIN BÀI LIÊN QUAN
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
Phan Trần

Bình luận(0)