Nghi vấn “cầu bê tông cốt xốp”: Thanh tra cần vào cuộc

Google News

(Kiến Thức) - Nói về vụ việc nghi vấn cầu Zét là cầu bê tông cốt xốp, luật sư Đặng Hữu Tuấn cho rằng cần kiểm tra toàn bộ công trình để có kết luận chính xác.

Dư luận vẫn đang đặc biệt quan tâm đến sự việc nghi vấn cầu Zét là “cầu bê tông cốt xốp” mà người dân ở xã Tốt Động (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) phản ánh tới Báo điện tử Kiến Thức.
Đáng chú ý, ngay sau khi tiếp nhận thông tin, PGĐ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Phạm Hoàng Tuấn, và các đơn vị nhà thầu, đơn vị thi công, giám sát, đại diện UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tốt Động cùng PV Kiến Thức đã xuống hiện trường để kiểm tra.
Tại hiện trường, lý giải về những miếng xốp xuất hiện trong thành cầu Zét, đơn vị thi công và nhà thầu cho hay: "Đó là các điểm sau này hoàn thiện xong cầu sẽ tiến hành lắp ráp các đèn cao áp nên mới để như vậy, đến khi tiến hành lắp ráp cột đèn đập cho dễ".
Nói về các miếng xốp nằm bên trong tường bê tông ở các vết nứt chạy dài, đại diện nhà thầu giải thích: “Đấy là những khe lún. Hiện tại, do công tác giải tỏa mặt bằng vẫn chưa xong, sau này trước khi bàn giao đưa vào sử dụng, anh em sẽ vệ sinh sạch sẽ các khe, chích thẳng, đồng thời chèn bê tông, nhựa đường… Toàn bộ bê tông dài bắt buộc phải có khe lún, giữa các khe lún dọc ngang đều có khe lún hết”. Song qua những lời giải thích của các bên, người dân ở xã Tốt Động vẫn chưa thật sự tin và vẫn nghi vấn có sự “gian lận” trong quá trình thi công cây cầu, qua loạt vết nứt chạy dài trên các khối bê tông liền ở thành cầu Zét.
 Hình ảnh những miếng xốp nhét bên trong thành cầu Zét mà các đơn vị thi công, nhà thầu giải thích sau này sẽ là những điểm lắp ráp các hộp kỹ thuật đèn điện.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Hữu Tuấn, Công ty Luật TNHH An Nam nêu quan điểm: "Cần phải có được cái nhìn xuyên suốt vấn đề của sự việc thì mới có thể kết luận được vấn đề ai sai, sai ở đâu".
"Theo tôi được biết, trước khi thi công công trình, cụ thể ở đây là cầu Zét thì phải có bản thiết kế xây dựng cho cầu và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Phần nổi của sự việc chúng ta nhìn thấy ở một số vị trí có các mảng xốp nằm trong bê tông, theo tôi thì chưa thể khẳng định được là do bên thi công làm “ẩu” hay “rút ruột” công trình mà phải xem lại bản thiết kế của cây cầu. Ví dụ: trong bản thiết kế ở các vị trí đó yêu cầu phải trừ lỗ để thi công hạng mục khác thì bên nhà thầu thi công cho xốp vào vị trí đó để sau này đỡ phải đục phá là không sai, ở một số nơi họ còn dùng cây chuối để trừ lỗ khi đổ bê tông; còn trong bản thiết kế nếu vị trí đó yêu cầu phải đổ bê tông cốt thép mà đơn vị thi công lại “đổ bê tông cốt xốp” thì nhà thầu thi công đã thực hiện sai và phải chịu trách nhiệm.
Trường hợp, nếu việc ở một số vị trí trên cầu có xốp nếu bên thi công đã thực hiện đúng như phân tích ở trên, mà giờ thanh tra xây dựng vào cuộc lại kết luận là sai do phần thiết kế thì lúc đó lại quy trách nhiệm đến đơn vị thiết kế và đơn vị phê duyệt thiết kế. Ví dụ: về nguyên tắc thiết kế công trình phải làm như thế này mới an toàn nhưng các đơn vị lại thiết kế khác đi, vi phạm các nguyên tắc trong thiết kế xây dựng thì lúc đó mới quy trách nhiệm cho các đơn vị này được", Luật sư Tuấn nói.
Đại diện các đơn vị gồm: Chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát, UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tốt Động đã xuống hiện trường giải thích về nghi vấn "cầu Zét bê tông cốt xốp" của người dân. 
Luật sư Tuấn phân tích thêm: "Ngoài ra, còn một chi tiết nữa cần phải làm rõ, đó là hiện tại cây cầu vẫn chưa được bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng các phương tiện đã được lưu thông. Về nguyên tắc, sau khi đơn vị thi công hoàn thành công việc xây dựng, sẽ có một đơn vị tiến hành nghiệm thu công trình rồi mới đưa công trình vào sử dụng nhưng ở đây, cầu chưa thi công xong, chưa được nghiệm thu, nhưng đã đưa vào sử dụng. Dường như công trình này đang đi không đúng với nguyên tắc thông thường.
Thứ hai, đối với vấn đề cây cầu chưa được đưa vào sử dụng nhưng đã xuất hiện một số vết nứt thì thì đúng là có phần đáng lo ngại. Hiện nay, đã có rất nhiều dự án mặc dù được đầu tư với số vốn lớn nhưng lại nhanh chóng xuống cấp trầm trọng ngay sau khi xây dựng xong, sửa chữa nhiều lần gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, đi lại của người dân, cho nên khi thấy cầu xây chưa hoàn thiện mà đã nhìn thấy ngay bằng mắt thường những vấn đề bất ổn thì người dân phản ứng lại là việc rất hiển nhiên. Tuy nhiên, nói lại rằng, cây cầu vẫn chưa hoàn thiện và chưa được nghiệm thu để đưa vào sử dụng. Do đó, những phần lỗi như vậy thì buộc bên thi công phải có trách nhiệm sửa chữa và khắc phục. Còn nếu các vết nứt đó vẫn nằm trong tiêu chuẩn cho phép thì đơn vị thi công cần có giải trình cặn kẽ, có căn cứ mới tạo được lòng tin cho người dân. Lưu ý thêm, thông thường sau khi đưa các công trình xây dựng vào sử dụng thì bên nhà thầu vẫn còn phải có thêm trách nhiệm bảo hành công trình trong một thời gian nhất định. Nếu công trình còn có hỏng hóc gì thì bên thi công sẽ phải chịu trách nhiệm sửa chữa.
Như vậy, theo tôi để đánh giá được khách quan sự việc thì các cơ quan thanh tra có thẩm quyền cần vào cuộc để tìm được nguyên nhân xuất phát từ đâu và do ai thực hiện thì mới có thể đưa ra kết luận được cho vụ việc".
Theo luật sư Đặng Hữu Tuấn, nếu một trong những đơn vị trên hoặc những đơn vị cấu kết với nhau cố ý làm trái các quy định của nhà nước về đầu tư xây dựng công trình để trục lợi mà gây ra hậu quả là gây thiệt hại về người hoặc tài sản của người khác (ở đây cụ thể là vốn đầu tư của nhà nước) thì có thể xem xét xử lý hình sự về Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng được quy định tại Điều 229 BLHS 1999.
“1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong các lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, nghiệm thu công trình hay các lĩnh vực khác nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 220 của Bộ luật này gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Là người có chức vụ, quyền hạn;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Trong trường hợp có đơn vị, cá nhân trên không cố ý vi phạm nhưng công trình này thuộc trách nhiệm quản lý, sửa chữa thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông được quy định tại Điều 220 BLHS 1999:
“1. Người nào có trách nhiệm trong việc duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường không mà vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình đó gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”
Linh Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)