Tài xế cứu xe mất phanh bị hoài nghi: Niềm tin bị thách thức

Google News

Chuyên gia Trịnh Hòa Bình chia sẻ về vụ tài xế cứu xe mất phanh được tôn vinh rồi bị hoài nghi.

Xung quanh câu chuyện anh tài xế xe tải Phan Văn Bắc (30 tuổi, thôn 6, xã Đạ Oai, huyện Đa Huoai, tỉnh Lâm Đồng) - tài xế cứu xe khách mất phanh chở gần 40 người được tôn vinh rồi lại bị hoài nghi về động cơ, hành động quả cảm này, NTNN/Dân Việt cuộc trò chuyện với chuyên gia Trịnh Hòa Bình (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam) về câu chuyện làm sao để nhân rộng người tốt, việc tốt trong xã hội.
Tai xe cuu xe mat phanh bi hoai nghi Niem tin bi thach thuc
 
Ông Bình nói: Những ngày qua dư luận xôn xao câu chuyện Phan Văn Bắc - tài xế xe tải biển số 49C - 098.51 chở nông sản từ Đức Trọng đi TP.HCM đã "cứu" 40 người trên xe khách thoát nạn đang thực sự trở thành một tấm gương sáng cho cộng đồng khi hành động này đã được tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
Phải khẳng định rằng hành vi này xưa nay không phải là thiếu. Trước đó, anh Trương Xuân Đức, lái đoàn tàu qua huyện Duy Tiên (Hà Nam) cũng đã có những hành động tương tự khi tránh một chiếc ô tô cố tình đi qua đường ray. Thay vì lùi số, đảm bảo an toàn cho bản thân thì anh giữ chặt vô lăng, đảm bảo tính mạng cho hành khách trên tàu còn bản thân thì bị mất đi một cánh tay do hành động dũng cảm này. Ngoài ra còn nhiều nữa những việc làm tốt như em học sinh liều mình nhảy hồ cứu bạn chết đuối, thiếu tá công an ôm hồ sơ nộp học bổng cho con phạm nhân...
Tai xe cuu xe mat phanh bi hoai nghi Niem tin bi thach thuc-Hinh-2
Hiện trường vụ xe tải của anh Phan Văn Bắc cứu xe khách. I.T 
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng anh Bắc không phải là người tốt khi nghe người tài xế xe khách “nói rõ sự thật”?
- Tôi theo dõi thông tin trên báo chí rất kỹ, tôi cho rằng chẳng sao cả. Kể cả khi lời ông Nguyễn Thanh Phong - chủ xe khách là đúng sự thật đi chăng nữa thì anh Bắc vẫn xứng đáng được tôn vinh và khen thưởng.
Tôi cũng cho rằng, việc ông chủ và tài xế xe khách lên tiếng nói rõ thêm về sự việc là cần thiết. Nhưng kể cả khi có sự lên tiếng đó thì xét đi xét lại thì hành động giúp xe khách của anh Phan Văn Bắc vẫn là tuyệt vời. Anh ta có thể không là người phát ra tín hiệu cứu giúp đầu tiên nhưng ngay khi lái xe Toàn đã thúc đầu xe ca vào xe tải khi xe chạy với tốc độ cao 80- 120km/giờ, anh Bắc biết mà vẫn hỗ trợ xe khách tới cùng thì đây là điều rất đáng biểu dương.
Theo tôi, giả sử như có việc anh Bắc xuống xe, đòi giữ nguyên hiện trường và bồi thường tổn thất cho chiếc xe (sau khi giúp đỡ) chẳng có gì là sai. Nếu thông tin này là có thì nó còn cho thấy anh Bắc không chỉ dũng cảm, không chỉ có đức tính hào hiệp sẵn sàng giúp đỡ người khác mà còn biết cách hành xử chuyên nghiệp. Ở đây còn cần thêm một lời khen, chứ không thể vì cách ứng xử này mà nói anh ấy là người xấu. Mọi lời khen, phần thưởng dành cho tài xế Bắc là chuẩn xác và đúng chỗ.
Chúng ta có nhiều phong trào về thi đua người tốt việc tốt nhưng những người thực sự “ghi điểm” trong lòng dân không nhiều. Ông nhận định như thế nào về điều này?
- Hiện nay nhiều phong trào thi đua của chúng ta còn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, nhiều nơi, nhiều người còn làm giả thành tích. Chừng nào những hoạt động khuyến khích cái tốt còn được nhìn nhận như một “phong trào” để viết báo cáo thì sẽ còn nguy hiểm, không hiệu quả. Nhìn một cách khách quan, các phong trào thi đua ít nhiều cũng tạo ra được cái nếp, giúp cho mỗi người, mỗi đơn vị tìm ra được những việc làm, người tốt nhất định.
Tai xe cuu xe mat phanh bi hoai nghi Niem tin bi thach thuc-Hinh-3
Anh Phan Văn Bắc. 
Mặc dù vậy, người ta vẫn có cảm giác rằng, người tốt ngày giảm đi?
- Tôi có thể thông cảm với ý nghĩ của một số người cho rằng xã hội giờ "hiếm" người tốt. Trong bối cảnh những định hướng giá trị trong xã hội đang xuống cấp, bị thách thức đe dọa, cái xấu lôi kéo, dẫn dắt thì rõ ràng người ta có quyền nghi ngờ về người tốt, việc tốt. Thực tế, cái tốt trong xã hội chưa được tôn vinh, “kích hoạt”, đề cao đúng mức nên cũng khiến dư luận nghi hoặc chưa tin tưởng.
Thế nhưng, nếu nói rằng nó thiếu vắng thì tôi không tin, bởi người tốt chúng ta vẫn có nhiều lắm. Trong những hoàn cảnh đặc biệt nào đó người tốt, việc tốt vẫn xuất hiện. Căn bản là chúng ta ít nói về cái tốt, thay vào đó lại thường chú ý và bị ấn tượng bởi những cái xấu vì thế mới thấy gương người tốt ngày một ít hơn.
Vậy điều gì khiến cho một người tốt hôm nay vừa được tôn vinh lên tới tận mây xanh, nhưng ngày mai đã lại bị "dìm" xuống?
- Cuộc sống không thiếu những câu chuyện đau lòng như vậy. Sở dĩ có chuyện này là bởi niềm tin của đám đông rất mong manh dễ bị tổn thương.
Thực tế, đám đông không không được chứng kiến sự việc và chỉ nghe phương tiện truyền thông dẫn dắt vì vậy nếu kênh truyền thông nói người đó tốt thì ngay lập tức đã tin là tốt, kênh truyền thông nói là xấu thì ngay lập tức lại “thất vọng", "trở mặt”. Họ thất vọng, thậm chí phỉ nhổ, tỏ ra thất vọng và mất niềm tin nghiêm trọng vào sự việc đó. Nhưng đám đông là vậy, lúc nào họ cũng bị dẫn dắt, định hướng bởi những thông tin có tính chất chủ đạo. Nhiều khi người Việt mình hay đưa những phán đoán chủ quan thành kết luận thay vì chờ kết luận của cơ quan chức năng. Điều này lý giải vì sao, có những cá nhân vừa hôm trước được tôn lên làm anh hùng, nhưng hôm sau họ đã bị đám đông đã vùi dập xuống bùn đen.
Khi niềm tin của đám đông bị tổn thương, người ta có thể sẵn sang quay lưng lại với mọi thứ. Họ có thể tiêu cực hóa mọi vấn đề, thậm chí biến một con người không có tội thành có tội. Điều này liên quan tới một vấn đề lớn là hiện nay niềm tin xã hội của chúng ta đang bị thách thức rất là lớn, không chỉ xung quanh vài ba vụ việc như thế này.
Tính gương mẫu của những nhân vật lớn không đủ tầm để cho người dân noi theo. Trong hệ thống của chúng ta có những vấn đề này vấn đề khác. Niềm tin xã hội mong manh, phổ biến là một sự nghi ngờ. Cho nên cái tốt còn “rón rén”. Người tốt sợ lên tiếng, sợ bị ném đá, sợ bị soi mói, sợ bị cho là đang thổi phồng, khuếch trương thanh danh.
Theo ông, cần có cơ chế chính sách nào để khuyến khích, nhân rộng những việc tốt, người tốt trong xã hội?
- Muốn nhân rộng việc tốt, người tốt không còn cách nào khác chúng ta phải làm tốt cơ chế khen thưởng và tôn vinh. Con người ta lúc nào cũng xem trọng việc thưởng và phạt. Về chế tài phạt, hiện nay chúng ta làm nhiều, thế nhưng việc tôn vinh người tốt, việc tốt thì vẫn còn yếu. Chỉ khi đám đông phát hiện hành vi tốt, lên tiếng thì các cơ quan quản lý mới tôn vinh.
Tuy nhiên, để khuyến khích cái tốt người tốt thì cơ quan chức năng cũng cần phải có những phát hiện, tôn vinh kịp thời những giá trị tốt đẹp. Có như vậy người ta mới không sợ cái xấu, cái ác, cái giả nữa. Lần này, việc tôn vinh tài xế xe tải Phan Văn Bắc cùng hành vi cứu giúp xe khách gặp nạn là động thái kịp thời rất quan trọng. Không ít người sẽ lấy đây làm động lực để cố gắng làm việc tốt, bởi họ tin rằng làm việc tốt kiểu gì cũng sẽ được đến đáp xứng đáng.
Khen thưởng là xứng đáng
Liên quan tới thông tin thông tin một số tờ báo dẫn lời phát biểu của ông Nguyễn Thanh Phong - chủ xe khách nói về tình huống anh Phan Văn Bắc cứu xe khách rằng: “Khi đó tôi bị kẹt chân trong buồng lái, không ra được, tôi bị dính trong chiếc xe. Nhưng mà anh ta (anh Bắc -PV) không cứu tôi, mà anh ta muốn giữ lại hiện trường cũng như tôi là người gây tai nạn là phải đền bù cho anh ta. Khi xe tôi bị chập điện, bốc khói, dân chúng la quá thì anh ta mới lên xe tải điều khiển cho 2 xe rời nhau để người ta cứu tôi". Thông tin này khiến dư luận dấy lên sự hoài nghi với nhiều người, thậm chí “lên án“ anh Phan Văn Bắc.
Trả lời báo chí, đại tá Hồ Văn Lai - Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Phòng CSGT Công an tỉnh Lâm Đồng, Công an huyện Đạ Huoai đã làm việc với cả hai tài xế chính là ông Phan Duy Toàn và anh Phan Văn Bắc để xác minh vụ việc. Lời trình bày của cả hai người đều trùng khớp nhau. Dựa trên cơ sở này cùng một số nhân chứng có liên quan, cơ quan chức năng mới đề xuất cấp trên khen thưởng kịp thời cho tài xế Phan Văn Bắc.
“Thực tế lúc này qua gương chiếu hậu, anh Bắc có thể né để xe khách vượt lên phía trước. Và khi xe khách vượt lên phía trước rồi thì khả năng gây tai nạn nghiêm trọng rất cao vì lúc này vận tốc chiếc xe đang chạy rất nhanh” - đại tá Lai nói trên báo Công an Nhân dân. Quản lý về an toàn giao thông trên địa bàn, trung tá Vũ Xuân Quảng - Trạm CSGT Madagui (Phòng CSGT đường sắt, đường bộ Công an tỉnh Lâm Đồng) đã một lần nữa xác nhận: “Vụ việc xảy ra ngày 6.9 tại km 97+500 - QL 20 thuộc thị trấn Đạm Ri, Đạ Huoai, Lâm Đồng. Vào hồi 14 giờ 30 ngày 6.9 tại địa điểm trên, xe tải biển số 49C-09851 do Phan Văn Bắc (SN 1986, ngụ thôn 6, Đạ Oai, Đạ Huoai) điều khiển lưu thông theo hướng từ TP.Bảo Lộc đi TP.HCM đã phát hiện xe khách biển số 53N-2824 có biểu hiện mất thắng. Tài xế Phan Văn Bắc đã điều khiển xe chạy chậm phía trước xe khách và dìu xuống hết đèo Bảo Lộc với một đoạn đường là 465m nhằm không để xảy ra tai nạn giao thông.
"Tính mạng của gần 40 hành khách đi trên xe khách an toàn là nhờ có sự trợ giúp của lái xe tải tên Phan Văn Bắc như nội dung đã nêu trên" - trung tá Quảng nêu rõ.
Là nhân chứng trực tiếp trên xe khách, chị Trần Thị Thơm (39 tuổi), ngồi ở hàng ghế thứ 3 trong xe khách nói: "Từ trong xe, chúng tôi cũng đứng dậy xua tay, hét lớn nhưng vì vướng cửa kính nên ở ngoài không nghe được". Còn ông Phan Bá Ngà (49 tuổi, ngụ khu 8, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, Long An) - Giám đốc công ty tổ chức chuyến du lịch này cũng cảm kích: “Cảm ơn anh Toàn (tài xế xe khách), cảm ơn anh Bắc (lái xe tải) và ông Phong đã giúp chúng tôi thoát nạn”.
>>> Mời quý độc giả xem video về tai nạn giao thông (nguồn Youtube):

Theo Dân Việt

Bình luận(0)