Ngày 21/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã ký Công văn số 1169/TTKQH-TH cho biết ngày 23/10/2017, Quốc hội khóa XIV nước CHXHCN Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 4 tại Thủ đô Hà Nội.
Để Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV diễn ra thành công, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, tổ chức tiếp xúc, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri phản ánh với Quốc hội.
Theo đó, 7h 15 sáng ngày 23/10, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đúng 8 giờ, Quốc hội họp phiên trù bị để thảo luận, thông qua Chương trình kỳ họp. Đúng 9 giờ, Quốc hội họp phiên khai mạc.
|
Quang cảnh kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XIV. |
Phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV được Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và Nhân dân cả nước cùng theo dõi.
Tại buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV diễn ra ngày 20/10 vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV dự kiến sẽ làm việc trong 26 ngày (khai mạc ngày 23/10 và bế mạc vào ngày 24/11/2017).
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng về kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội hàng năm và các năm tiếp theo.
Cụ thể, về công tác xây dựng pháp luật, tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 6 dự án luật, 12 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.
Các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Quản lý nợ công (sửa đổi); Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Luật Thủy sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Việt Nam ở nước ngoài.
Các nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018; Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018; Nghị quyết về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc-Nam phía Đông; Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch; Nghị quyết giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; Nghị quyết về phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đối với ông Trương Quang Nghĩa và chức vụ Tổng thanh tra Chính phủ đối với ông Phan Văn Sáu; Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ; Nghị quyết về việc lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (nếu không đề cập trong Nghị quyết khác của Quốc hội); Nghị quyết về cơ chế, chính sách để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Quốc hội cũng dành khoảng 15 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội cũng dành 3 ngày để thực hiện việc chất vấn và trả lời chất vấn. Dù không tăng số lượng thành viên Chính phủ trả lời chất vấn nhưng việc chất vấn sẽ dài hơn để các đại biểu Quốc hội có điều kiện trao đổi kỹ hơn, sâu hơn, nhiều hơn về các vấn đề mà nhân dân quan tâm.