Vụ tài xế Grabbike tử vong, nghi bị sát hại ở Hà Nội đang thu hút sự chú ý của dư luận cả nước. Bởi từ trước đến nay có quá nhiều vụ giết người, cướp tài sản mà nạn nhân là các tài xế xe ôm, taxi, tuy nhiên chưa có biện pháp hữu hiệu nào ngăn chặn tình trạng trên.
Trong vụ nam sinh viên làm tài xế Grabbike để trang trải cho cuộc sống bị sát hại ở Hà Nội, có thể thấy bản thân tài xế này cũng đã lường trước được sự việc, đã gửi tin nhắn, hình ảnh những đối tượng khách có nghi vấn mang lại sự chẳng lành và dặn bạn bè có gì báo công an nhưng chuyến xe định mệnh ấy vẫn lấy đi tính mạng của tài xế.
Vậy làm sao để bảo vệ an toàn tính mạng cho những tài xế xe ôm, taxi trước những đối tượng lên xe với mục đích cướp tài sản? PV Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, xe ôm công nghệ là một loại hình kinh doanh mới, sử dụng công nghệ trong lĩnh vực vận tải hành khách bằng xe mô tô. Hoạt động vận tải này có nhiều ưu điểm trong thời công nghệ như: dễ dàng kết nối giữa hành khách và lái xe, giá cả rõ ràng, không bị chặt chém, kiểm soát được lộ trình di chuyển... nhưng cũng dần dần bộc lộ nhiều nhược điểm cần phải có sự quản lý của nhà nước cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cũng như an toàn cho người lao động.
|
Dù đã cảnh giác nhưng nam tài xế vẫn bị sát hại? |
“Những vụ án giết người cướp tài sản xảy ra mà nạn nhân là người lái xe ôm không phải là chuyện hiếm, cũng không lạ. Trước khi có lái xe ôm công nghệ thì rất nhiều người làm xe ôm truyền thống cũng đã trở thành nạn nhân của những vụ giết người, cướp tài sản”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, đối với xe ôm công nghệ thì vụ việc xảy ra có thể để lại nhiều dấu vết hơn, dễ phá án hơn cho cơ quan điều tra như: Lộ trình của cuốc xe, thông tin về số điện thoại của người gọi, thời điểm, địa điểm của chuyến đi...
Bởi vậy, việc xe ôm, thậm chí lái xe taxi, bị đối tượng cướp tài sản nhắm đến là chuyện đã diễn ra nhiều năm nay bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: Những người lái xe này sẽ điều khiển xe theo cung đường, tuyến đường, lộ trình do khách hàng yêu cầu. Bởi vậy, người lái xe sẽ không chủ động được tình thế, khó kiểm soát được an toàn khi khách hàng là những đối tượng có mục đích giết người, cướp tài sản, đặc biệt là những chuyến xe đến những nơi vắng vẻ hoặc trong đêm tối.
Khách hàng của hoạt động dịch vụ vận tải này rất đa dạng, nhiều thành phần, trong đó không ít những đối tượng nghiện ngập, túng quẫn, khi tình huống thuận lợi, thời cơ xuất hiện thì rất dễ nảy sinh ý định giết người để chiếm đoạt phương tiện là ô tô, xe máy hoặc những tài sản có giá trị của người lái xe.
Những người lái xe ôm công nghệ luôn có tài sản là chiếc xe máy, điện thoại, ngoài ra còn có thể là ví tiền, đồng hồ... Đây là những tài sản có giá trị mà các đối tượng nghiện ngập, túng quẫn có thể nghĩ đến khi và nảy sinh ý định chiếm đoạt những tài sản này.
Bên cạnh đó, với hình thức vận tải hành khách bằng taxi, xe ôm công nghệ thì hành khách quyết định đến lộ trình nên các đối tượng có ý định chiếm đoạt tài sản có thể chủ động lên kế hoạch đưa người lái xe đến chỗ vắng vẻ, khó kiểm soát để tấn công nhầm chiếm đoạt tài sản...
Bởi vậy, có thể nói rằng lái xe taxi, xe ôm công nghệ là nghề có tính chất nguy hiểm, đặc biệt là thực hiện những chuyến xe vào ban đêm và khách hàng những đối tượng nghiện ngập.
“Với những đối tượng côn đồ, manh động, bất chấp pháp luật, nghiện nhập, túng quẫn... thì chúng sẵn sàng ra tay hành động giết hại những người lái xe để cướp đi chiếc xe là công cụ mưu sinh của họ và những tài sản khác có giá trị. Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án giết người cướp tài sản đối với nạn nhân là người lái xe ôm thì cần phải làm rõ những nguyên nhân, điều kiện phạm tội, phải kiểm soát được những nguyên nhân đó thì mới đảm bảo được điều kiện phòng ngừa loại tội phạm này”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, để giảm thiểu những vụ án giết người cướp tài sản đối với nạn nhân là người lái xe ôm, taxi, trước tiên, với những đối tượng nghiện ma túy, lô đề cờ bạc, những đối tượng có nhiều tiền án tiền sự thì cần phải được quản lý, kiểm soát chặt chẽ để tránh những đối tượng này có thể nảy sinh ý định, có thời cơ thực hiện hành vi phạm tội.
Bên cạnh đó, những người lái xe thì cần trang bị cho họ những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong việc thoát hiểm khi khách hàng là những đối tượng có ý định thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải là taxi, xe ôm công nghệ trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cho các lái xe trong trường hợp gặp phải những tình huống có vấn đề; Cần phải kiểm soát và quản lý chặt chẽ lộ trình của các chuyến xe.
Trong trường hợp nghi ngờ tình huống lái xe bị cướp thì doanh nghiệp vận tải phải kịp thời có tình huống xử lý và trình báo phải phối hợp với cơ quan công an để sớm phát hiện, xử lý theo quy định pháp luật; Cần phải đảm bảo quyền lợi của người lái xe về việc bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác khi tai nạn, rủi ro xảy ra.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì lao động thời vụ không bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Bởi vậy, với những người lái xe taxi truyền thống thì cơ hội đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là cao hơn, còn đối với những người lái xe công nghệ thì việc đóng bảo hiểm còn được quy định lòng lẻo, nhiều doanh nghiệp thực hiện không nghiêm túc dẫn đến nhiều người lái xe không được đảm bảo quyền lợi, chế độ của mình khi có sự vụ xảy ra.
Có quan điểm cho rằng xe ôm công nghệ là nghề phụ, công việc không ổn định, có tính chất thời vụ... Điều này là chưa đúng, không phải ai lái xe ôm công nghệ cũng có tính chất thời vụ, làm thêm. Có nhiều người coi đây là một nghề và sống bằng nghề này.
Bởi vậy, cũng cần phải có quy định cụ thể đối với đối tượng này để yêu cầu các hãng taxi công nghệ, xe ôm công nghệ phải đảm bảo quyền lợi về bảo hiểm cho các lái xe. Khi có ốm đau, tai nạn xảy ra thì quyền lợi của những người lái xe có được đóng bảo hiểm sẽ được đảm bảo tốt hơn.
“Trong những vụ án giết người, cướp tài sản thì đối tượng thực hiện hành vi giết người, cướp tài sản phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản cho nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân. Tuy nhiên, trong những vụ án này thì đối tượng thực hiện hành vi phạm tội thường là những đối tượng nghiện ngập, không có tài sản, không có tài sản nên việc đảm bảo quyền cho nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân là rất khó. Nếu có chế độ, quyền lợi về bảo hiểm thì không những đảm bảo được quyền lợi trong những tình huống lái xe bị cướp tấn công mà trong các vụ việc tai nạn giao thông xảy ra người lái xe và gia đình họ cũng sẽ được đảm bảo quyền lợi tốt hơn”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đảm bảo an toàn cho các lái xe là việc hết sức quan trọng, không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là trách nhiệm của doanh nghiệp và cả cộng đồng.
Đối với vụ giết, cướp xe ôm công nghệ xảy ra tại Cổ Nhuế thì cơ quan công an sẽ sớm tìm ra hung thủ trên cơ sở những thông tin, hình ảnh của đối tượng gây án để lại trên điện thoại của người thân nạn nhân. Những đối tượng gây án sẽ phải đối mặt với tội giết người theo khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự và tội cướp tài sản theo Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015, hình phạt cao nhất của tội giết người là tử hình, hình phạt cao nhất của tội cướp tài sản là tù chung thân, khi kết tội tòa án sẽ tổng hợp hình phạt của hai tội danh này mà các đối tượng phải đối mặt sẽ là tử hình. Hình phạt sẽ là hết sức nghiêm khắc, ngoài ra các đối tượng này phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho nạn nhân.
Tuy nhiên, dù có áp dụng mức hình phạt cao nhất là tử hình và Toà án có tuyên mức bồi thường thiệt hại là bao nhiêu tiền cho gia đình nạn nhân chăng nữa thì cũng không thể khắc phục được hậu quả mà các đối tượng phạm tội đã gây ra đối với nạn nhân và xã hội.
Bởi vậy, để giảm thiểu những vụ án đau lòng như vậy thì cần phải thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tội phạm, trong đó cần kiểm soát chặt chẽ những đối tượng có nguy cơ cao thực hiện hành vi phạm tội; trang bị những kiến thức, kỹ năng thoát hiểm cần thiết cho lái xe và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải công nghệ... thì mới có thể giảm bớt được những vụ việc đau lòng như vụ án này.
Luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ mộttrong những kinh nghiệm tự vệ cần thiết của lái xe taxi, xe ôm là khi những đối tượng nghiện ma túy, (cơ thể có mùi khét), những đối tượng lang thang, xăm trổ... bắt xe ở những địa điểm nhạy cảm như ngõ vắng, khu vực nhiều tệ nạn, bến xe.. và đặt lộ trình đi đến những nơi vắng vẻ, đêm tối thường liên tục thay đổi lộ trình, đi hai người, yêu cầu cặp đôi cùng một chuyến xe thì những người lái xe nên từ chối chở hoặc có những biện pháp đề phòng cụ thể.
“Có những tình huống để thoát hiểm, người lái xe đã lao thẳng xe vào trụ sở cơ quan công an để trình báo hoặc hô hoán, dừng xe để yêu cầu xuống xe nếu như các đối tượng có ý định ra tay hoặc yêu cầu đi vào khu vực vắng vẻ, lợi dụng đêm tối để thực hiện hành vi phạm tội. Không để những đối tượng có cơ hội thực hiện hành vi phạm tội, có thời cơ để ra tay sát hại người lái xe nhằm cướp tài sản. Bởi vậy, việc trang bị những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm cần thiết cho người lái xe và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác thì mới có thể giảm thiểu được những vụ án đau lòng như vậy”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Ngày 29/9, đại diện Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân một tài xế Grabbike tử vong, nghi bị sát hại.
Trước đó, vào tối ngày 28/9, người dân phát hiện thi thể nam thanh niên mặc trang phục Grab tại bãi đất hoang thuộc phường Thụy Phương, cách cầu Thăng Long khoảng 2 km. Sau khi thu thập thông tin, cảnh sát xác định nạn nhân là Nguyễn Cao S. (18 tuổi, quê Thanh Hóa). Anh này là xe ôm công nghệ, đang học năm thứ nhất Trường cao đẳng Công nghệ ô tô, địa chỉ ở quận Đống Đa, Hà Nội.
Đáng chú ý, tối ngày 26/9, trước khi mất tích, S. có linh cảm không lành khi chở khách. S. còn cẩn thận chụp ảnh hai vị khách và gửi cho bạn bè kèm lời nhắn “Có gì báo công an nhé, tí chở 2 thằng này lên Cổ Nhuế”. Sau chuyến xe đó, S. không về nên bạn bè đã báo gia đình và chức năng.