Hoãn giao Mistral chỉ là đòn phủ đầu?
Tờ RBTH dẫn lời Phó thủ tướng Nga Dmitry Rogozin nhận định, quyết định mua tàu chở trực thăng Mistral từ Pháp chẳng khác gì “một sai lầm của lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga trước đây”, sau khi Paris dường như phải chịu áp lực của phương Tây và hủy bỏ giao 2 tàu Mistral cho Moscow.
|
Tàu Mistral mà Nga đang khao khát.
|
Tuy nhiên, sự thất bại hợp đồng đã được ký kết từ lâu ở trên chỉ là một trong những cao trào trong một loạt sự cố xảy ra đối với ngành
công nghiệp quốc phòng Nga kể từ mùa hè năm 2014, khi các lệnh trừng phạt diễn ra trong lúc giữa phương Tây và Nga có những bất đồng nhất định xung quanh vấn đề khủng hoảng ở Đông Ukraine.
Vào cuối tháng 7/2014, khi EU vừa ban hành lệnh cấm vận nhập khẩu và xuất khẩu vũ khí cùng nhiều công nghệ và hàng hóa cho Nga, Tạp chí RIR của Nga đã dự đoán rằng tất cả các ngành công nghiệp và dự án của nước này có thể sẽ bị ảnh hưởng.
Đúng như thế, sau đó một lệnh cấm vận vào tháng 7 quyết định ngăn việc cho vay vốn đối với 3 doanh nghiệp quốc phòng lớn của Nga là Uralvagonzavod, Oboronprom và United Aircraft Corporation, trực tiếp cản trở 9 lĩnh vực chủ chốt trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga, khiến cho Nga gặp khó với hợp đồng mua Mistral.
Các hợp đồng “béo bở” bị ảnh hưởng
Vào tháng 9/2014, Bộ Quốc phòng Nga vẫn còn lạc quan cho rằng cơ quan này không hề “lo lắng” bởi bất kỳ sự trừng phạt nào từ phía phương Tây. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt đó lại có thể ảnh hưởng gián tiếp tới Nga thông qua việc tác động đến các nước thứ ba. Đó chính là các nước có sự mua bán các phần cứng quân sự của Nga và thiết bị mà Nga đặt hàng các thành phần do nước ngoài sản xuất.
Thời điểm đó, chính Tổng thống Nga Putin đã nói, ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói chung nên sẵn sàng để sản xuất những thiết bị, linh kiện và nguyên liệu quan trọng, và phải đổi mới năng lực, công nghệ, thiết kế và cơ sở kỹ thuật công nghiệp.
|
Camera ảnh nhiệt Catherine-FC
|
Mặc dù, theo cơ quan xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport, việc mua bán vũ khí của Nga với phương Tây chỉ chiếm không quá 1% và dù có ngừng giao dịch thì vẫn không ảnh hưởng tới khả năng quốc phòng của Nga. Song rõ ràng, lệnh trừng phạt ngoài ảnh hưởng đến Mistral còn khiến một số vấn đề khác phát sinh.
Cụ thể như chúng có thể ảnh hưởng nhiều tới hợp đồng với hãng Thales của Pháp về cung cấp các camera ảnh nhiệt Catherine-FC và Sagem Matiz được sử dụng cho các thiết bị ngắm bắn mục tiêu của các xe bọc thép của Nga. Theo như những hợp động đã ký, Thales sẽ cung cấp khoảng 331 loại Catherine-FC cho Nga, trong đó có 130 chiếc dành cho các xe bọc thép của Nga và 201 chiếc được gắn vào các thiết bị để cung cấp cho các khách hàng nước ngoài của Nga.
Thay đổi đối tác, quay sang Trung Quốc?
Theo Phó Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Sergei Tsyb, nước này có các lĩnh vực sau có thể phải thay đổi chính sách nhập khẩu như lĩnh vực công cụ máy móc công nghiệp đang nhập khẩu lên tới 90%, kỹ thuật máy hạng nặng đang nhập khẩu khoảng từ 60-80% và ngành công nghiệp điện tử nhập khẩu từ 80-90%.
Để giảm sự phụ thuộc của Nga vào các nhà cung cấp phương Tây trong hầu hết các ngành công nghiệp quan trọng như trên, Nga dự kiến sẽ giảm chỉ số nhập khẩu từ 70-90% xuống còn 50-60% vào năm 2020. Tất nhiên việc thay thế hoàn toàn việc nhập khẩu là điều không thể, cho nên ngoài việc tăng cường sản xuất nội địa, Nga cũng phải buộc tìm kiếm các nhà cung cấp mới.
Trong thực tế, hợp tác quân sự với phương Tây đã trở nên suy giảm dần, thậm chí trước cả khi bắt đầu cuộc xung đột ở Ukraine. Từ năm 2012 trở đi, Bộ Quốc phòng Nga đã không ký bất cứ hợp đồng lớn nào với các sản phẩm vũ khí của châu Âu. Hơn nữa, vào tháng 8/2013, Nga còn thông qua một quy định cấm sử dụng các công cụ máy móc của nước ngoài nếu Nga đã có sẵn. Mục đích của động thái này là nhằm vào việc phục hồi các công cụ máy móc có từ thời Liên Xô đã bị hư hại và tăng cao thị phần các thiết bị do Nga sản xuất lên 1/3 so với yêu cầu của ngành công nghiệp. Các nỗ lực đó cuối cùng đã giảm dần tình trạng sửa chữa các tàu của Nga ở những xưởng đóng tàu nước ngoài.
Chương trình thay thế nhập khẩu được Bộ Công nghiệp và Thương mại Nga ban hành vào ngày 25/7/2014 còn dự kiến sử dụng các thiết bị nội địa trước tiên để thay thế các mặt hàng do Ukraine sản xuất và sau đó là những mặt hàng từ các nước áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Chương trình này cũng nhằm mở rộng hợp tác với các quốc gia thuộc Liên minh Hải quan Nga như Belarus và Kazakhstan.
Đồng thời, Nga cũng có thể mở rộng hơn nữa hợp tác với Trung Quốc. Bắc Kinh, theo ông Vladimir Shvarev thuộc Trung tâm Phân tích Thương mại vũ khí toàn cầu nhận định, có thể trở thành một nhà cung cấp chủ chốt các thành phần điện tử cho Nga.