Văcxin hết hạn - liều “thuốc độc” nguy hiểm

Google News

(Kiến Thức) - Vắc xin hết “đát” có thể biến chất, không còn tác dụng phòng ngừa, hoặc biến đổi thành những chất khác gây hại cho cơ thể.

Gần đây liên tiếp xảy ra một số vụ việc liên quan đến tiêm văcxin cho trẻ như vắcxin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị tạm ngừng lưu hành do nghi ngờ gây ra các phản ứng nặng sau tiêm; “ăn bớt” vắcxin dịch vụ tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội... Mới đây nhất là vụ tiêm vắc xin hết “đát” cho một loạt trẻ em bị phanh phui ở TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

48 em bé đã bị tiêm lô văcxin hết hạn sử dụng

Sáng 20/5, ông Phan Văn Ngọc (Phú Yên) đưa hai con trai đến tiêm văcxin ngừa quai bị tại Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa. Sau khi chích ngừa, ông nhặt vỏ lọ từ sọt rác, phát hiện sản phẩm đã hết hạn sử dụng. 

Nhà chức trách tỉnh Phú Yên chiều 21/5 đã xác định ngoài con trai ông Ngọc bị nhân viên y tế tiêm văcxin hết hạn sử dụng, còn có 47 em bé khác đã chích ngừa loại này. 

 Văcxin hết hạn tiêm cho 48 trẻ ở Phú Yên.

Ông Đoàn Hùng Ánh, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế dự phòng TP Tuy Hòa cho biết thông tin trên chiều cùng ngày. Tuy nhiên ông thừa nhận chưa xác định được danh tính các em bé đã bị tiêm văcxin hết đát, chích vào ngày nào vì trung tâm không lưu hộp, vỏ lọ. Quy trình sử dụng văcxin này trái với quy định của Bộ Y tế là phải lưu vỏ lọ trong 14 ngày sau khi tiêm.

Liều văc xin hết hạn sử dụng đã tiêm cho cháu Phan Tấn Thạnh, con ông Ngọc, nằm ở hộp thứ 10 trong tổng số 10 hộp văcxin, mỗi hộp 5 liều mà cán bộ và nhân viên y tế của Trung tâm y tế dự phòng TP Tuy Hòa đã sử dụng để tiêm chủng vào đầu buổi sáng 20/5. "Trong 5 liều văcxin của hộp cuối cùng, ngoài cháu Thạnh, cán bộ và nhân viên của trung tâm đã tiêm cho 2 cháu khác”, ông Ánh nói.

Hiện cơ quan chức năng đã xác định danh tính 3 em bé tiêm phải văcxin hết hạn sử dụng, tiếp tục theo dõi sức khỏe các cháu để có hướng xử lý phù hợp. Giám đốc Sở Y tế Phú Yên Phan Vũ Nhân cho biết hiện 5 lọ văcxin hạn sử dụng đến tháng 4/2013, trong đó 3 lọ đã tiêm, đang được niêm phong, cất giữ tại Sở Y tế Phú Yên.

Sở Y tế Phú Yên đang đề nghị Công ty Đức Minh cung cấp hồ sơ phân phối văcxin Trivivac có hạn sử dụng đến tháng 4/2013 trên cả nước, khu vực miền Trung và tỉnh Phú Yên, để tìm nguyên nhân một hộp hết đát lại lọt vào lô thuốc hạn dùng tháng 6/2013.

Theo ông Nhân, nhân viên y tế đã làm sai trách nhiệm khi không kiểm tra hạn sử dụng của văcxin trước khi tiêm phòng cho trẻ.

Hà Nội: Vacxin hết hạn vẫn tiêm cho trẻ

Ngày 7/2/2012, khi đưa con đến tiêm phòng vacxin 4 trong 1, nhắc lại mũi thứ hai, phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, và bại liệt tại Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương, khi tiêm xong thì chị Lê Thị Thu Trang trú tại Tập thể Thông tấn xã, Hai Bà Trưng - Hà Nội, mới tá hỏa vì phát hiện vacxin đã hết hạn vào ngày 1/2/2012.

Theo chị Trang thì thường tiêm cho các con ở 70 Nguyễn Chí Thanh và 131 Lò Đúc, nhưng hầu như các lần tiêm xong, chị thường giữ lại các vỏ hộp thuốc để xem.Trao đổi với PV báo điện tử Infonet, chị nói "Tôi rất bức xúc khi hạn dùng là ngày 1/2/2012, mà ngày tiêm cho cháu là ngày hôm qua (7/2/2012), tức là đã quá tới 6 ngày".

Văcxin quá hạn tiêm cho con chị Trang hồi đầu năm 2012.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Trung tâm dịch vụ Khoa học Kỹ thuật và y tế dự phòng và bà Nguyễn Hương Giang nhân viên phòng kinh doanh, đã có buổi làm việc với gia đình chị Trang. Bác sĩ Sơn khẳng định, thuốc không có vấn đề gì và xin chịu trách nhiệm nếu có tai biến gì xảy ra cho sức khỏe của cháu bé.

BS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết, theo phiếu nhập kho của CTy Tư vấn phát triển đầu tư và thương mại Hồng Thúy-đơn vị nhập khẩu loại thuốc này cho biết, - đây là văcxin Tetraxin lô E 0278 – 1 của Sanofi Pasteur được nhập khẩu từ Pháp, sản xuất ngày 2/4/2009 và có hạn dùng đến ngày 29/2/2012.

Giải thích điều này BS. Sơn cho biết, theo hướng dẫn sử dụng được Bộ Y tế cấp phép in bằng tiếng Việt thì thời hạn sử dụng từ ngày sản xuất đến khi hết hạn là 36 tháng, nghĩa là phải đến tháng 2/4/2012 thuốc mới hết hạn sử dụng. Tuy nhiên, so sánh tờ hướng dẫn sử dụng với tờ tiếng Anh và tiếng pháp thì đều không thấy ghi: hạn dùng 36 tháng kể từ ngày sản xuất(?).

Tiêm vắcxin hết hạn – đầu độc cơ thể

Trước một loạt các sai sót trong tiêm chủng được phát hiện trong thời gian vừa qua, từ việc tiêm thiếu liều vắc-xin tại Hà Nội, tiêm vắc-xin hết hạn sử dụng cho trẻ em tại Tuy Hòa (Phú Yên), dư luận đang vô cùng bất bình, hoang mang, nghi ngại, mất niềm tin với công tác tiêm chủng.

Điều đáng nói hơn là những sai sót này lại xảy ra trong hoạt động tiêm chủng dịch vụ. Nó làm ảnh hưởng đến công tác tiêm chủng nói chung và tiêm chủng mở rộng nói riêng.

Chia sẻ quan điểm trước một loạt những sai sót này, GS. TS Nguyễn Thu Nhạn – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam tỏ ra vô cùng bất bình trước những sai phạm của các nhân viện tiêm chủng.

GS. Nhạn cho biết: “Vắc-xin cũng là một loại thuốc. Thuốc chữa được bệnh thì thuốc cũng giết được người. Sử dụng vắc-xin hết hạn khác gì liều thuốc độc. Bởi lẽ, sau khi hết hạn sử dụng, tác dụng để bảo vệ và phòng ngừa bệnh của vắc-xin không còn đủ. Một số thành phần trong vắc-xin và thuốc có thể biến chất gây hại cho cơ thể.

Điều bất bình hơn là nhân viên tiêm chủng, những người hiểu hơn ai hết tác dụng, tác hại của vắc-xin, lại thản nhiên tiêm những liều "thuốc độc" ấy vào cơ thể của trẻ. Đó là một sai phạm vô cùng lớn và nghiêm trọng…”

Thêm vào đó, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Anh Tuấn, Trưởng phòng Khám - Tiêm phòng Viện Pasteur TP HCM cho biết, nguyên tắc là văcxin cũng như các loại thuốc nên dùng trong hạn sử dụng, bởi vì người ta ước tính sau khi hết hạn sử dụng một số thành phần trong văcxin và thuốc có thể biến chất.

Theo đó, thành phần văcxin biến chất gây ra hai tác dụng. Thứ nhất là tác dụng chính của thuốc tức tác dụng để bảo vệ và phòng ngừa sẽ không còn đủ. Thứ hai, đôi khi những thành phần trong thuốc có thể biến đổi thành những chất khác gây hại cho cơ thể.

Nếu trót tiêm văcxin quá hạn thì nguyên tắc bắt buộc là phải theo dõi, đánh giá hiệu quả và tác dụng của văcxin này như thế nào. Tùy theo loại có thể theo dõi đánh giá được hiệu quả và tác dụng, một số văcxin chưa thể làm được kháng thể.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:

HL (TH)

Bình luận(0)