Thêm đơn kiện BV huyện chẩn đoán sai, bệnh nhân tử vong

Google News

(Kiến Thức) - Mặc dù bệnh nhân luôn kêu đau ngực, khó thở nhưng bác sĩ BV ĐK Đan Phượng lại chẩn đoán là sốt vi rút, sau đó 2 ngày phát hiện bệnh nhân suy tim nặng thì mọi chuyện đã quá muộn.

Theo thông tin từ lá đơn gửi tòa soạn báo điện tử Kiến Thức ngày 8/8/2013, của gia đình anh Bùi Cao Hảo (Thị trấn Phùng – Đan Phượng – Hà Nội), Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng (Hà Nội) chẩn đoán sai cho vợ anh là Đinh Thị Tuyết Mai (47 tuổi) nên dẫn đến cái chết đau lòng của chị Mai.
 Lá đơn của gia đình anh Bùi Cao Hảo. Ảnh: Lê Phương
Để tìm hiểu thực hư vấn đề, chiều ngày 9/8 phóng viên báo điện tử Kiến Thức đã tìm đến nhà anh Hảo và được biết sự việc đã diễn ra một thời gian, nhưng sau bao lần đắn đo, anh Hảo đã quyết định “cầu cứu” đến các cơ quan chức năng, mong nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía bệnh viện.
Trao đổi với Kiến Thức, anh Hảo cho biết: “Ngày 12/5, vợ tôi có biểu hiện sốt và mệt mỏi trong người, môi tím tái nên gia đình đã đưa ra Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng. Sau khi thăm khám, bác sĩ kết luận vợ tôi bị sốt virus và cho điều trị tại khoa lây nhiễm và từ khi vào điều trị vợ tôi chỉ được tiếp nước. Đến ngày 13/5 vợ tôi vẫn kếu đau ở ngực, khó thở …nhưng các bác sĩ không để ý tới và vẫn tiếp nước cho đến 10 giờ tối.
Đến đêm, sau khi hết nước, bệnh tình của vợ tôi vẫn không thuyên giảm, gia đình có đi gọi bác sĩ trực lên khám, thì vẫn nhận được câu trả lời là sốt virus, nghỉ qua đêm là khỏi, do vợ đau vùng ngực và khó thở quá, tôi đi gọi bác sĩ lần 2 và yêu cầu cho vợ tôi đi chụp X.Quang vì sợ tiếp nước nhiều nên tràn dịch màng phổi. Tuy nhiên, các y tá cáu gắt nói: “Sốt virus nên đương nhiên phải mệt rồi"".
Anh Bùi Cao Hảo xem lại hồ sơ bệnh án của người vợ quá cố. Ảnh: Lê Phương 
Sau khi có phim chụp X.quang bác sĩ bảo tốt, nhưng vợ tôi vẫn kêu đau và khó chịu, bác sĩ có đo huyết áp thì có tụt, sau đó bác sĩ lấy gừng đập pha nước cho vợ tôi uống và có nói: “Uống xong sẽ đỡ”, không ngờ sau khi uống xong, vợ tôi không những không đỡ mà còn đau hơn. 
Sau đó, bác sĩ trực có gọi một bác sĩ khác đến khám, một lúc sau thì kết luận vợ tôi bị viêm cơ tim nặng, và phải đi cấp cứu ngay, sau khi nghe kết quả tôi bàng hoàng không biết vì sao vợ tôi sốt virus mà lại chuyến sang bệnh tim nhanh vậy.
Lúc đầu chuyển vợ tôi lên Viện tim Hà Nội, sau lại chuyển sang bệnh viện Bạch Mai, nhưng các bác sĩ ở đây cũng bó tay vì bệnh tình đã quá nặng, và gia đình đã đưa vợ tôi về nhà lo hậu sự”.
Điều anh Hảo bức xúc ở đây là, tại sao ngay lúc đầu vào bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, chị Mai đã kêu đau ngực mà các bác sĩ lại chẩn đoán là sốt virus. Anh Hảo nghẹn ngào: “Giá như chẩn đoán đúng bệnh vợ tôi, phát hiện sớm hơn và chuyển lên tuyến trên thì vợ tôi đã không phải ra đi mãi mãi”. Anh cho biết thêm, đó cũng là ý kiến của các bác sĩ ở bệnh viện tuyến trên khi chị Mai được chuyển lên.
Điều khiến anh Hảo vô cùng bất bình là trong bệnh án của chị Mai ghi: “Vào bệnh viện Đan Phượng bệnh nhân được chẩn đoán: Theo dõi Viêm cơ tim và điều trị 2 ngày không đỡ. Bệnh nhân được chuyển lên Viện tim Hà Nội …”. Trong khi, thực tế là: “ Vợ tôi không được điều trị bệnh tim ở BV ĐK Đan Phượng ngày nào, hai ngày ở đó là điều trị sốt virus theo chẩn đoán của bác sĩ”, anh Hảo nỏi. 
Anh Hảo cho biết thêm, trong hồ sơ bệnh án anh không hề được tường trình một chữ nào, thậm chí sau khi vợ anh mất được 1 tháng anh mới xin được hồ sơ bệnh án.
Khi được hỏi về lý do vì sao không gửi đơn ngay cho các cơ quan chức năng hay cơ quan báo chí sau khi vợ mất thì anh Hảo giải thích: “Tôi cũng đã viết đơn nhưng chưa gửi ngay mà sợ khi gửi rồi sẽ bị tư thù, trù dập nên phải nhiều ngày sau mới quyết định gửi đơn”.
“Mục đích gửi lá đơn này là để vạch ra những sai trái cũng như mong muốn Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng, bác sĩ thăm khám cho vợ tôi có câu trả lời thỏa đáng về sự việc đã xảy ra, để người đã mất cũng như người còn sống khỏi canh cánh trong lòng” anh Hảo nói.
 Bệnh viện Đa khoa huyện Đan Phượng, nơi chẩn đoán nhầm dẫn đến cái chết của chị Đinh Thị Tuyết Mai. Ảnh: Lê Phương
Chiều cùng ngày, phóng viên đã đến Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng làm việc với Ban giám đốc bệnh viện về vấn đề này. Tuy nhiên khi hỏi về lá đơn cũng như vụ việc đã xảy ra thì ông Trần Văn Trung, GĐ Bệnh viện cho biết, không nhận được đơn và không biết vụ việc này xảy ra, đồng thời giao cho Phó giám đốc là ông Bùi Văn Sơn giải quyết.
Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Sơn thừa nhận, có trường hợp bệnh nhân Đinh Thị Tuyết Mai, từng cấp cứu ở đây, và cũng biết bệnh nhân đã tử vong sau đó. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về vấn đề sai lệch trong đơn thư của gia đình và bệnh án, cũng như hỏi thông tin về chữ ký bác sĩ trực hôm đó là ai, thì ông Sơn từ chối trả lời vì hết giờ làm việc và cho biết sẽ xác minh lại.
Anh Hảo cũng cho biết, sau khi chị Mai qua đời, Bệnh viện Đa khoa Đan Phượng chưa hề có động thái thăm hỏi, động viên.
Báo điện tử Kiến Thức sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
Lê Phương

Bình luận(0)