Trên 18.000 thí sinh của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận sẽ đến TP Đà Lạt tham dự kỳ thi, cũng ít nhất chừng ấy phụ huynh đi theo khiến Đà Lạt trở nên thiếu chỗ ở giá rẻ phù hợp với đa số thí sinh. Số lượng thí sinh đến Đà Lạt dự thi gấp 2,5 lần so với những năm trước đây.
Sáng 28/6, thí sinh từ Ninh Thuận và các huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng đổ về càng lúc càng nhiều, không chỉ ở những khu vực trung tâm mà các điểm thi nằm ở vùng ven TP Đà Lạt. Tình trạng thiếu phòng trọ đã xảy ra. Và những căn phòng nhỏ xây dưới hầm sâu khoảng 5 - 8m đang được nhiều thí sinh chọn ở ôn bài đợi đến ngày thi.
Các căn phòng này ẩm thấp, tối, bỏ hoang nhiều ngày nhưng giá rẻ nên thí sinh từ xa đến chọn ở. Đây là giải pháp bất đắc dĩ mà thí sinh buộc phải chấp nhận do Đà Lạt đang trong tình trạng khan hiếm chỗ trọ.
Học ở độ sâu 8m
Sau hơn 30 phút lang thang qua nhiều con hẻm, cha con anh Nguyễn Văn Sinh buộc phải thuê một phòng dưới tầng hầm ở đường Nguyễn Công Trứ để ở với giá 100.000 đồng/ngày. Cả tuyến đường Nguyễn Công Trứ có khoảng 50 khu nhà trọ có tầng hầm với khoảng 200 phòng, đây cũng là khu vực có nhiều phòng trọ dưới hầm nhất Đà Lạt.
Ngày thường, dù giá rất rẻ nhưng những căn phòng dưới hầm sâu vẫn ế khách trọ vì sinh viên không chọn do có nhiều bất tiện trong sinh hoạt.
|
Do thiếu phòng nên nhiều thí sinh thi tại Đà Lạt buộc lòng phải thuê trọ và ôn thi dưới... lòng đất. |
Theo anh Sinh vào căn phòng trọ anh vừa thuê, chúng tôi chứng kiến nhiều thí sinh đã ở trọ trước đó nhiều ngày trong căn phòng tối, ẩm để ôn thi. Căn phòng anh Sinh thuê chỉ chừng 9m2, mùi ẩm mốc vẫn còn thoang thoảng, trên tường loang lổ vết nước mưa thấm vào.
Dấu vết mạng nhện vẫn còn dù chủ nhà mới dọn để đón khách trọ. Cầu thang từ mặt đường dẫn xuống các phòng rộng chỉ 1m, tối om. Xuống lòng đất, hành lang dẫn tới các phòng nhỏ hẹp tạo thành ngóc ngách giống như địa đạo. Anh Sinh bảo: “Cũng đi nhiều chỗ rồi, không có chỗ nào khá hơn, thôi thì chịu cực một chút nhưng gần trường thi đi lại cho dễ”.
Nói xong anh vội bật hết công tắc điện trong phòng cho sáng, mở toang cửa rồi đi mua nến về thắp cho tan bớt mùi ẩm. Anh Sinh bảo khi mới vô xem phòng anh bị sốc vì không thể tưởng tượng có những nhà trọ nằm sâu dưới đất phải đi gần 30 bậc thang mới đến nơi. “Những phòng trọ trên mặt đất giá cao gấp đôi, gấp ba lần giá tầng hầm, tôi không đủ sức thuê”- anh Sinh nói.
Ở một khu trọ khác trên đường Nguyễn Công Trứ, trục đường nhiều sinh viên ở trọ, chúng tôi gặp học sinh A Sôn (ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). A Sôn và hai người bạn sống dưới tầng hầm để ôn thi một tháng. A Sôn cho biết thời gian qua là một thử thách lớn về chỗ ở với cô bởi dưới tầng hầm không có ánh sáng tự nhiên.
Cả ngày sống trong ánh điện, chăn mền lúc nào cũng lành lạnh, ươn ướt như có sương thấm vô. Từ ngày trọ học ở đây, A Sôn có cảm giác mắt mình kém hơn, nhìn chữ không rõ như trước. A Sôn kể những hôm mưa to nước cống tràn đổ vào nhà. “Tụi em trèo lên giường ngồi mà cứ tưởng tượng cảnh nước mưa sẽ dâng lên rồi ngập cả phòng. Có bạn ngồi bó gối khóc”- A Sôn nhớ lại.
|
Nhóm 13 thí sinh người Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận chỉ đủ tiền thuê 2 phòng trọ dưới hầm - Ảnh: Mai Vinh |
13 thí sinh thuê 2 phòng
Nhóm thí sinh từ tỉnh Ninh Thuận gồm 13 người đến Đà Lạt từ ngày 27/6. Sau một buổi chiều tìm phòng trọ, cuối cùng cả nhóm quyết định thuê hai phòng trọ nằm sâu dưới lòng đất khoảng 7m. Từ mặt đường xuống tới phòng trọ là những bậc thang sâu hun hút, rộng chỉ 1m, tối om, ngày cũng như đêm.
Thí sinh Kim Soắn cho biết 13 người trong nhóm đều có hoàn cảnh khó khăn nên chỉ dám thuê hai phòng. Do nhiều người nằm chung một giường nên khi ngủ phải nằm ngang, không thể co chân lại được. Kim Soắn bảo: “Lần đầu tiên cả nhóm đi xa nhà một mình, lại ở dưới lòng đất nên thấy lo lắng nhưng phải chấp nhận vì không có lựa chọn nào khác”.
Chị Dương Dung Thanh là người quản lý khu nhà trọ hai tầng hầm chìm dưới lòng đất với hơn 10 phòng. Tính từ mặt đường đến tầng thấp nhất khoảng 8m. Chị Thanh cho biết đã hơn năm nay, khu trọ dưới hầm của gia đình chị bị bỏ trống không có người thuê vì “quanh năm đều là ban đêm”.
“Thật tình đứng ở đây mà còn thấy lành lạnh, xuống tầng dưới cùng còn khó chịu hơn. Trong lúc khan hiếm phòng thì dọn cho thuê, giải tỏa căng thẳng chỗ ở chứ cũng không lời lãi gì nhiều”. Những căn phòng này chị Thanh cho thuê với giá 50.000 đồng/người/ngày, những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn chị Thanh chỉ lấy 20.000 đồng/người/ngày. Đi từ cầu thang sâu hun hút dẫn lên mặt đường, chị Thanh bảo cầu trời mấy ngày thi đừng mưa to, không thì nước ngập không biết xử lý ra sao nữa.
Chỉ còn 15% phòng trọ còn trống
Tại các điểm thi ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt, mặc dù có nhiều cơ sở lưu trú nhưng đây đang là mùa du lịch cao điểm nên luôn trong tình trạng hết phòng. Hoặc nếu còn phòng thì với giá dao động ở mức thấp nhất là 250.000 đồng/ngày, nhiều phụ huynh cho biết họ không có điều kiện thuê phòng với mức giá cao như vậy.
Nhiều chủ trọ cho biết nhiều người đã nhờ bạn bè, người thân tại Đà Lạt tìm và đặt giữ chỗ trước đó nhiều ngày. Hiện giá phòng trọ sinh viên đã bị nâng lên gấp 3 lần so với ngày thường. Ghi nhận của Tỉnh đoàn Lâm Đồng vào trưa 28/6, chỉ khoảng 15% phòng trọ còn trống. Các đơn vị tiếp sức mùa thi đang ra sức vận động người dân hỗ trợ chỗ trọ miễn phí để giúp đỡ thí sinh không thuê được chỗ trọ.
Lý giải việc khan hiếm chỗ ở, ông Phan Tuấn Anh, phó chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Đà Lạt, cho biết trường này đang phối hợp với Thành đoàn TP Đà Lạt để vận động khoảng 5.000 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và gia đình, chủ yếu ở các vùng ven để thí sinh được ở gần điểm thi, tránh những rủi ro khi di chuyển.
Ông nói: “Ban tổ chức kỳ thi sẽ nỗ lực tối đa vận động chỗ trọ cho thí sinh nhưng hiện mọi thứ đang rất khó khăn. Một số điểm có sức chứa lớn tại TP Đà Lạt như Trung tâm Văn hóa thanh thiếu niên tỉnh Lâm Đồng, các chùa, nhà dòng… đã được huy động tham gia đón tiếp thí sinh trọ miễn phí khi tới Đà Lạt dự thi”.