Nước mắm cao đạm chứa thạch tín: Kết luận mập mờ, chuyên gia phản bác

Google News

(Kiến Thức) - Thông tin nước mắm chứa thạch tín đã khiến người tiêu dùng hoang mang, các doanh nghiệp, hộ gia đình, ngư dân sản xuất nước mắm truyền thống bị thiệt hại nặng nề....

Mới đây, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) đã công bố, kết quả cuộc khảo sát 150 mẫu nước mắm thành phần đóng chai có hàm lượng nitơ toàn phần ghi trên nhãn từ 10g/l - 60g/l của 88 nhãn hiệu được mua trực tiếp từ đại lý phân phối, các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ bán lẻ và cửa hàng bán sản phẩm đặc sản.
Kết quả khảo sát cho thấy có 101/150 mẫu nước mắm được khảo sát (chiếm 67,33%) không đạt quy định về hàm lượng asen tổng (thạch tín) cho phép có trong sản phẩm nước chấm tối đa là 1.0mg/L với hàm lượng asen tổng của các mẫu không đạt theo quy định dao động từ trên 1 mg/L đến 5 mg/L.
Đặc biệt đáng lưu ý, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, tỉ lệ có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng quy định càng tăng, cụ thể là 95,65% số mẫu khảo sát có độ đạm từ 45 trở lên được đánh giá có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.
Thông tin nước mắm chứa thạch tín vượt ngưỡng quy định này đã khiến cho người tiêu dùng hoang mang, lo lắng; các doanh nghiệp, hộ gia đình, ngư dân sản xuất nước mắm truyền thống bị thiệt hại nặng nề; thị trường nhiễu loạn thông tin; thậm chí còn có nguy cơ nước mắm Việt nam bị kiểm tra và cấm nhập khẩu vào thị trường các nước….
Vậy bản chất của thông tin nước mắm có hàm lượng asen tổng vượt ngưỡng quy định ở trên như thế nào? Để làm rõ vấn đề nước mắm nhiễm asen độc hay không độc này, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi nhanh với PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Sự mập mờ trong kết luận công bố nước mắm chứa Asen.
Chia sẻ quan điểm với Kiến Thức, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: “Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng công bố thông tin 67,33% mẫu nước mắm không đạt về chỉ tiêu arsen là không chuẩn mực. Việc thông tin “nước mắm nhiễm arsen” một cách mập mờ đã gây hoang mang trong dư luận. Đặc biệt ảnh gây hưởng lớn đến hoạt động kinh của các hộ dân và các doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống. Bởi, người dân thì sợ hãi vì chẳng hiểu arsen hữu cơ thế nào, arsen vô cơ thế nào, cứ nghe đến nước mắm chứa arsen (thạch tín) là kinh rồi. Thế nhưng, trên thực tế thạch tín như thế nào lại là vấn đề khác”.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, đối với việc xác định hàm lượng arsen trong nước mắm, nếu là tổng lượng arsen thì khác, mà lượng arsen vô cơ lại khác. Arsen vô cơ thì độc, còn arsen hữu cơ không độc, nó vẫn tồn tại như một chất tự nhiên có trong con cá. “Chính vì thế, việc nhấn mạnh rằng "nước mắm có độ đạm cao thì arsen càng nhiều" khiến người dân càng hoang mang. Từ đó có thể dẫn đến rất nhiều suy diễn khác nhau.” - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, thực tế theo kết quả khảo sát, đối với những mẫu nước mắm có hàm lượng đạm cao thì lượng arsen vô cơ lại hầu như không có mà arsen chứa trong nước mắm hoàn toàn là arsen hữu cơ, đây là sản phẩm của quá trình phân hủy hải sản và không gây độc. Hơn nữa, hàm lượng arsen phát hiện trong nước mắm mặc dù vượt ngưỡng quy định của Bộ Y tế nhưng vì là arsen hữu cơ nên không có gì đáng lo ngại. Do đó, thông tin đã công bố cần phải được làm rõ, cần phải được phân tích một cách minh bạch, và những người công bố thông tin phải chịu trách nhiệm.
Bên cạnh nhận định của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, TS. BS Nguyễn Khánh Hòa – Quản lý labo các chất vận chuyển nucleotide, Bộ môn Dược lý, Khoa Y và Nha, Trường Đại học Alberta, Canada cũng có bài viết phân tích rõ: arsen được biết đến như một kim loại có độc tính tương đối cao, có khả năng gây chết người nếu nhiễm độc cấp gây ung thư, đái tháo đường và một số bệnh mãn tính khác nếu nhiễm độc mạn tính.
Tuy nhiên trong tự nhiên arsen tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau và do vậy độc tính cũng khác nhau. Trong đó, arsen vô cơ là các muối (arsenite hoặc arsenate) với các nguyên tố khác trừ cacbon, các dạng này thường tồn tại trong đất và nước, nhiễm vào người thông qua thức ăn bị nhiễm hoặc nước uống. Các inorganic arsen là những chất có độc tính cao.
Còn organic arsen là hợp chất của arsen với cacbon và một số nguyên tố khác như hidro và oxy. Organic arsen là các chất không hoặc có rất ít độc tính và thường tồn tại trong thủy, hải sản. Arsen chứa trong nước mắm cũng như chứa trong các loại hải sản hầu hết là arsen hữu cơ, không gây độc.
Trong khi đó, nước mắm là sản phẩm sản xuất từ các loại hải sản vì vậy việc nước mắm có chứa arsen là điều đương nhiên không thể tránh khỏi.
Vì vậy, việc giật tít cho rằng nước mắm Việt Nam có chứa hàm lượng kim loại độc tính cao là không chính xác và gây hiểu lầm cho người tiêu dùng cũng như gây thiệt hại cho nhà sản xuất.
Hồng Liên

>> xem thêm

Bình luận(0)