Dân tẩy chay cá quả, “con buôn” méo mặt

Google News

(Kiến Thức) - Trước thông tin cá quả Trung Quốc bị đánh thuốc mê nhập vào Việt Nam và tràn lan ở các chợ, người dân tẩy chay khiến chợ cá ế ẩm...

Dân Hà Nội tẩy chay cá quả

Thời gian gần đây, người tiêu dùng xôn xao trước thông tin một lượng lớn cá quả Trung Quốc được bày bán tại nhiều chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội. Và để vận chuyển loại cá này mà vẫn đảm bảo cá còn sống khi về Việt Nam, người ta tiêm vào chúng một lượng nhỏ thuốc mê sau đó mới cấp đông nhẹ. Điều này đã khiến người dân không khỏi lo ngại khi lựa chọn loại thực phẩm này.
Dan tay chay ca qua Trung Quoc con buon meo mat
 Cá quả được bán ở hầu hết các chợ dân sinh Hà Nội.
Qua tìm hiểu của PV Kiến Thức tại một số chợ dân sinh nội thành Hà Nội, cá quả là mặt hàng được bán phổ biến. Nhiều bà nội trợ nhận xét, cá quả có nhiều chất dinh dưỡng, lại thơm ngon và dễ chế biến. Nhiều bà mẹ có con nhỏ cũng thường xuyên chọn loại thực phẩm này để nấu cháo hay làm ruốc cho con.
Nhưng trước thông tin "dậy sóng" này, quan điểm của nhiều người lập tức thay đổi. Theo quan sát của phóng viên tại chợ Cầu Lủ (quận Hoàng Mai), rất ít người chọn mua cá quả. Chị Linh, một khách hàng đi chợ cho biết: Con chị rất thích ăn ruốc làm từ cá quả nên chị thường xuyên mua. Vì thế, chị phải nghiên cứu rất kỹ về đặc điểm của loài cá này. Theo chị, cá quả (cá chuối) Việt Nam có đầu to bẹp, thân màu đen vàng, đuôi thuôn dài, sờ vào chắc và một loại khác là cá sộp (cá ;óc) có đầu nhỏ hơi nhọn, trên thân có hoa văn màu vàng xanh.
Dan tay chay ca qua Trung Quoc con buon meo mat-Hinh-2
 Cá quả Việt Nam ( bên trái) và cá quả Trung Quốc ( bên phải) không có sự khác nhau là mấy.

Một số bà nội trợ cũng chia sẻ trên các diễn đàn rằng loại cá Trung Quốc này bị tiêm thuốc mê nên lúc nào nó cũng lờ đờ chứ không nhanh nhẹn và khỏe như cá quả trong nước. Khi mổ, cá Trung Quốc rất béo, bụng có nhiều mỡ, thịt không chắc và thơm dẻo như cá Việt Nam.

Được biết, thời điểm giữa tháng 10, đầu tháng 11 là mùa thu hoạch cá quả tại miền Bắc. Vì thời tiết sắp lạnh nên các chủ nuôi bắt đầu vét cá để bán, do đó tình trạng bán ồ ạt, mức giá rẻ là phổ biến. Hiện, cá quả có mức giá bán tại ao nuôi đã dao động 40.000 – 60.000 đồng/kg, sau khi về các chợ sẽ có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg (tùy trọng lượng). Đây là mức giá chung tại hầu hết các chợ ở Hà Nội. Nhưng theo một số tiểu thương thì gần đây xuất hiện một loại cá bị nghi vấn là cá Trung Quốc, có giá bán chỉ từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Điều đó, lại càng làm người mua khẳng định rằng đây là cá quả được nhập lậu từ Trung Quốc.
Chị Hồng, tiểu thương bán cá ở chợ Khương Đình (Thanh Xuân) cho biết: “Nhiều ngày nay, người đi chợ ít lựa chọn loại cá quả mà chuyển sang các loại cá khác, có người hỏi mua thì cứ gặng hỏi xem là cá Việt Nam hay Trung Quốc rồi sờ nắn, nâng lên đặt xuống mãi dám mua. Dân buôn bán chúng tôi thực sự ế ẩm”. Chị này còn một mực khẳng định rằng cá quả được bày bán hoàn toàn là cá Việt Nam, các loại cá có khác nhau về màu sắc là vì chúng sống ở nhiều môi trường khác nhau.

Có thực sự đáng sợ?

Hiện tại, cá quả được nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam bao gồm cả nhập chính ngạch và nhập lậu. Ngoài nhập khẩu chính ngạch được kiểm dịch qua cửa khẩu, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục bắt giữ nhiều vụ nhập lậu cá quả từ Trung Quốc đang trên đường vận chuyển vào Việt Nam để tiêu thụ. Ngay trong tháng 7 vừa qua, Hải quan Quảng Ninh đã thu giữ và tiêu hủy 800 kg cá quả nhập lậu có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Về thông tin cá quả Trung Quốc trước khi vào Việt Nam bị gây mê, ông Lê Văn Khoa, Trung tâm Chuẩn đoán Thú y trung ương, Bộ NN-PTNT đã có cuộc trao đổi với báo chí, ông cho hay: Dù là hình thức nhập khẩu như thế nào thì với một quãng đường xa, khi vận chuyển cũng yêu cầu cần phải có phương pháp bảo quản mới đảm bảo cá quả được tươi sống và không thải ra chất thải. Trong các phương pháp bảo quản thì gây mê là một phương pháp được sử dụng khá phổ biến.

Ông Khoa khẳng định: "Trong quá trình vận chuyển, để không thải ra chất thải gây độc cho cá, người ta áp dụng rất nhiều biện pháp như gây sốc nhiệt (giảm nhiệt độ), dùng thuốc gây mê... Do đó, gây mê không phải là phương pháp độc hại, mà phụ thuộc vào thuốc người ta dùng để gây mê là loại thuốc gì?".
Còn ThS Ngô Sỹ Vân, Phòng Nguồn lợi và Khai thác nội địa, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản 1, cho rằng, không thể phân biệt cá quả Trung Quốc và cá quả Việt Nam thông qua màu sắc. Bởi màu sắc thể hiện môi trường nuôi. Nếu nước nuôi sạch cá sẽ có màu sáng. Môi trường nước bẩn như đầm, kênh, rạch cá sẽ có màu đen. Theo ông Vân, để an toàn đối với loại thực phẩm này người dùng nên chọn mua cá sống, bơi khỏe và không có đốm nấm. Khi chế biến, nên bỏ lớp mỡ cá để hạn chế nguy cơ nhiễm hóa chất.

 
Nguyễn Nguyên

>> xem thêm

Bình luận(2)

Minh Hiền

hoàng chỉnh

Tôi thấy vô lý là hiện nay nguồn cá quả của Việt Nam rất dồi dào, tại sao cá quả Trung Quốc lại vào được Việt Nam? Các ngành phải vào cuộc ngay.

Minh Hiền

Hong Ha

Đọc thông tin này, tôi rất mừng vì ý thức của người tiêu dùng đã được nâng cao. Có được điều này phần lớn là nhờ các phương tiện thông tin đại chúng. Mong sao bà con ta tẩy chay những hàng hòa có nguy cơ gây độc hại, gây thiệt hại nền kinh tế nước ta trước mắt cũng như lâu dài.