Cách nhận biết tôm, cá “ngậm” urê

Google News

(Kiến Thức) - Theo các chuyên gia, urê khiến tôm trương nước nên tăng cân, bán không bị hao. 

Kết quả khảo sát của Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM (Bộ Y tế) vừa qua cho thấy, trên 20 mẫu tôm bán trong các chợ trên địa bàn TPHCM chứa lượng urê rất cao. Theo các chuyên gia, urê khiến tôm trương nước nên tăng cân, bán không bị hao. Khi nấu nhiệt độ cao có phần làm các chất bay hơi nhưng vẫn còn nguy cơ ảnh hưởng sức khoẻ.  
Ngâm phân đạm để tăng cân, đẹp mã 
Trước thông tin này, nhiều người dân lo lắng về tình trạng tôm, cá bị ướp urê làm ảnh hưởng sức khỏe. Bà Nguyễn Thị Vân (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ, khi biết được tình trạng tôm ngâm phân đạm urê bà đã rất dè dặt trong việc mua tôm làm thức ăn. Bởi không chỉ ở TP HCM mà ngay cả Hà Nội hay các tỉnh, thành khác cũng có thể gặp tình trạng tương tự. Nhiều lần đi chợ, thấy những mớ tôm căng tròn bà mua về nhưng sau khi luộc thì tôm ngót rất nhiều. Lúc này thực phẩm ngon thành món ăn dở. 
Theo ThS Ngô Sỹ Vân, Phòng Nguồn lợi và Khai thác nội địa, Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng thủy sản 1, tình trạng sử dụng urê để ướp cá, tôm hay các hải sản khác đã được xem là một thủ thuật gian lận trong buôn bán của một số tiểu thương. Trước đây dư luận đã lên tiếng về việc cá ướp urê làm người dân lo lắng. Vì thế, khi phát hiện tôm cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. 
Vị chuyên gia này cho hay, urê chính là loại đạm dùng để bón cho cây trồng, có công thức (NH2)2CO thường là chất rắn màu trắng, dễ tan trong nước, chứa khoảng 46% Nitơ. Khi gặp nước, urê sẽ bị thủy phân tạo thành đạm amôn (NH4), là loại đạm cây dễ hấp thu. Tuy nhiên, khi cây không hấp thụ kịp, amôn nhanh chóng bị enzym phân giải thành amôniac (NH3) và bốc hơi có mùi khai. Bên cạnh đó, đạm urê còn bị phản ứng nitrat hóa, tạo thành oxit nitơ và bay hơi. 
Trong cơ thể người và động vật NH3  được hình thành từ quá trình trao đổi chất qua thận và thải ra ngoài theo nước tiểu. Amoniac NH3  và một số muối vô cơ tồn tại trong cơ thể động vật với một lượng nhất định, để cân bằng áp suất thẩm thấu theo đặc tính thích nghi của từng loài. Khi NH3 và các muối này tăng cao sẽ trở nên độc hại cho cơ thể.
Cũng theo ThS Ngô Sỹ Vân, một số tiểu thương đã lợi dụng đặc tính của amonic để ngâm tôm, cá để làm cho cơ thể trương lên và nặng cân hơn, kèm theo đó cũng làm tươi lâu hơn.
Cach nhan biet tom, ca “ngam” ure
 Ảnh minh họa.
Hải sản nước ngọt ít tác dụng với urê
ThS Ngô Sỹ Vân nhấn mạnh, cách ướp được người ta áp dụng như cho phân đạm hòa vào nước ngọt (nước đá nếu ướp lạnh) rồi cho cá tôm vào. Tuy nhiên, việc làm này áp dụng cho các đối tượng thủy sản sống ở biển có nồng độ muối trong cơ thể thấp. Đối với các đối tượng thủy sản nước ngọt với nồng độ các ion muối trong cơ thể cao nên ít có tác dụng khi dùng đạm. Đây cũng là lý do cá biển trước đây được phát hiện "ngậm" urê.
"Hải sản nước mặn khi ngâm vào nước ngọt dễ bị mất nước dẫn đến nhăn nheo, hao cân nên cho urê vào sẽ ngăn làm mất nước, cơ thể trương nước nên mã ngoài đẹp hơn. Với các tạp chất khác dùng để làm thủ thuật trong buôn bán cũng có tác dụng tương tự", ThS Ngô Sỹ Vân nhấn mạnh. 
Có thể nhận biết tôm bị ngậm urê hay hóa chất thông qua cơ chế trương nước tạo nên sự "quá tải" đối với cơ thể và lớp vỏ bọc của chúng. Đó là tôm sẽ căng vỏ, các đốt nối giữa vỏ bị giãn ra, long đầu, gai tôm vểnh, xòe đuôi, kèm theo đó mày sắc nhợt nhạt. 
"Đạm urê bị phân hủy và bay hơi ở nhiệt độ cao, do vậy thực phẩm có chứa loại này khi đun nấu sẽ bị bay hơi và có mùi khai amoniac. Chúng ta ăn phải lượng lớn thịt, tôm, cá nhiễm nhiều loại chất này cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ như ngộ độc, đau đầu, giảm trí nhớ... Còn ở lượng nhỏ cần được nghiên cứu một cách cụ thể hơn".
ThS Ngô Sỹ Vân
Hiền Dung

Bình luận(0)