Tại sao TQ không thể “gây hấn” về kinh tế với Việt Nam?

Google News

TS Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: "Trung Quốc không dễ gây hấn với Việt Nam".

 
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo "Tự chủ kinh tế trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau" do VCCI tổ chức tại Hà Nội sáng 3/7.
Nhận định quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay là khá sâu và dẫn ra một số ví dụ như du lịch từ TQ chiếm ¼ lượng khách du lịch tới Việt Nam; đầu tư của TQ tại Việt Nam chỉ đứng thứ 9 nhưng lại ở một số lĩnh vực nhạy cảm như giao thông, năng lượng… song TS Võ Trí Thành cho rằng, TQ không dễ 'gây hấn' ồ ạt với Việt Nam.
Ông Võ Trí Thành đưa ra 4 nguyên nhân để giải thích cho nhận định này.
Thứ nhất, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa hai nước mà còn liên quan đến nhiều tập đoàn, nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư tại Việt Nam.
Thứ hai, nếu tính tổng thể, Trung Quốc đang có nhiều lợi ích hơn trong mối quan hệ thương mại với Việt Nam.
Thứ ba, Trung Quốc không dễ phá bỏ các ràng buộc với Việt Nam vì hiện nay Việt Nam đang “chơi” với Trung Quốc bằng các cam kết quốc tế.
Cuối cùng, nếu Trung Quốc gây hấn với Việt Nam, hình ảnh của Trung Quốc sẽ xấu đi. Trung Quốc sẽ bị thiệt hại rất nhiều nếu sự lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc biến thành phản ứng thực tế.
Từ đó, TS Võ Trí Thành đánh giá, căng thẳng với Trung Quốc gần đây là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh tái cấu trúc hội nhập nhưng mặt khác, Trung Quốc là nền kinh tế “không thể không chơi” bởi đây là nền kinh tế đang trỗi dậy và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới mà cả thế giới đều không muốn bỏ qua.
Bài phát biểu mang tên “Các kịch bản và ứng phó để không bị ảnh hưởng mạnh” trong trường hợp Trung Quốc gây hấn của TS Võ Trí Thành đưa ra 4 nhóm giải pháp bao gồm: Giải pháp pháp lý; Tính uyển chuyển của thị trường; Đẩy nhanh các hiệp định thương mại tự do với các đối tác khác, trong đó quan trọng nhất là FTA với EU và TPP và cuối cùng là cần phản giám sát chặt chẽ để có cơ chế phản ứng nhanh trong điều kiện có rủi ro xuất hiện.
Theo Một Thế Giới

Bình luận(0)