Trung Quốc leo thang giàn khoan là cơ hội kinh tế VN bứt phá

Google News

(Kiến Thức) - Diễn biến căng thẳng trên biển Đông, về ngắn hạn có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng về lâu dài là cơ hội để kinh tế Việt Nam cân bằng với Trung Quốc.

Diễn biến trên biển Đông khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển chủ quyền Việt Nam ngày càng gia tăng. Trung Quốc không ngừng tăng cường tàu để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, đồng thời vẫn duy trì chiến lược gây hấn, đâm va và phun vòi rồng vào các tàu chấp pháp của Việt Nam.
Hành động của Trung Quốc không chỉ nhận được sự phản đối gay gắt của toàn dân Việt Nam, mà còn chịu sự chỉ trích của dư luận thế giới, những người luôn yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa.
Trước những hành động ngày càng ngang ngược và ngoan cố của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp đấu tranh ngoại giao, trong đó có giao thiệp trực tiếp. Được biết, Việt Nam đã có 20 cuộc giao thiệp như vậy và kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và tàu hộ tống ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Có thông tin cho rằng, Trung Quốc sẽ rút một số thỏa thuận với Việt Nam. Tuy nhiên, trả lời vấn đề với báo giới chiều 20/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, hiện chưa có thỏa thuận nào rút cả. Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc là phát triển quan hệ giữa nhân dân 2 nước.
Nhiều người cũng tỏ ra lo ngại trước tình hình biển Đông có thể tác động tới mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam - Trung Quốc và tới nền kinh tế của Việt Nam.
 Việt Nam nhập khẩu hàng hóa rất lớn từ thị trường Trung Quốc. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư.
Trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ bất bình đẳng bởi có thể nói Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào kinh tế Trung Quốc.
TS Lê Đăng Doanh dẫn chứng cụ thể, trong nhiều năm gần đây, Trung Quốc liên tục là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Năm 2013, tổng kim ngạch hai chiều đạt gần 50 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 13,320 tỷ USD (chiếm 28% xuất khẩu của Việt Nam), chủ yếu là nông sản và các nguyên liệu thô. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 36,960 tỷ USD (chỉ chiếm 1% xuất khẩu của Trung Quốc), chủ yếu là các linh kiện điện thoại di động, các phụ kiện cho dệt may và da giày, các trang thiết bị cho các nhà máy điện. Như vậy, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nghiêng về nhập siêu ở phía Việt Nam.
"Tình hình căng thẳng trên biển Đông cho thấy, Trung Quốc thể hiện họ đang tiếp tục leo thang. Cho nên, Việt Nam cần tính tới khả năng hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước sẽ xấu đi. Nếu Trung Quốc ngừng quan hệ thương mại với Việt Nam, tác động tới nền kinh tế Trung Quốc sẽ rất ít nhưng tác động tới nền kinh tế của Việt Nam thì rất lớn, có thể chứng minh qua các con số trên. Vì vậy, Việt Nam cần có các phương án tính đến tình huống này", TS Lê Đăng Doanh nhận định.
TS Doanh nói thêm: Nếu như Trung Quốc tiếp tục các biện pháp gây sức ép với Việt Nam, về ngắn hạn có thể gây bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam nhưng về lâu dài thì đây là cơ hội để Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế độc lập và cân bằng với Trung Quốc. Trong tình hình này, Việt Nam vừa phải phát triển kinh tế vừa phải chuẩn bị cho những tình huống xấu có thể xảy ra.
Nói về các giải pháp để giảm thiểu lớn nhất những tác động của Trung Quốc tới nền kinh tế Việt Nam, bên lề Hội nghị về thu hút vốn đầu tư trong nông nghiệp diễn ra sáng 19/5, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, cả nước cần chung tay đồng lòng và có những hành động thiết thực. Về phía Chính phủ cần chủ động cải cách, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, giảm đầu tư lãng phí, tham ô, lễ hội rườm rà. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng việc hợp tác với một số nhà cung cấp của các nước khác. Việt Nam đang có quan hệ thương mại với 243 nước trên thế giới nên chúng ta có thể tìm được nguồn nguyên liệu thay thế. Nhưng quan trọng phải chủ động thay thế, tích cực thay thế. Các quan hệ thương mại này cũng giúp Việt Nam có các thị trường xuất khẩu khác thay cho Trung Quốc.
Còn về phía người tiêu dùng Việt Nam, phong trào người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cần được nhân rộng và tích cực hơn nữa. Các tỉnh biên giới cần phát động phong trào không buôn lậu, tẩy chay hàng lậu và những hàng hóa kém chất lượng của Trung Quốc.
"Mọi người dân Việt Nam cần chung tay xây dựng phát triển nền kinh tế nước nhà bền vững", TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Hải Sơn

Bình luận(0)