Ai tiếp tay chiếm đất của chùa Viên Minh?

Google News

Chùa Hai Bà Trưng (chùa Đồng Nhân) tên chữ là chùa Viên Minh, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia năm 1962.

Tại sân chùa còn 2 tấm bia đá rất quý cùng mang tên "Trưng Vương sự tích bia kí". Tấm bia ở nhà tiền tế do cử nhân Dương Duy Thanh, soạn năm 1848, tấm bia ở sân đền do Tiến sĩ Vũ Tông Phan, soạn năm 1840. Nội dung 2 tấm bia đều ca ngợi Hai Bà Trưng làm nên sự nghiệp. Văn bia còn cho biết: "Sau khi tuẫn tiết, chân thân Hai Bà hóa đá, hiển linh ở bến sông Nhị Hà. Vua Lý Anh Tông (1142) sai lập đền ở bãi Đồng Nhân thờ rất linh ứng. Đến đời Nguyễn Gia Long (1819) thì dời đền thờ vào chỗ hiện nay".

Chùa Viên Minh tồn tại đã hàng nghìn năm. Trong những năm chống Pháp các vị tiền bối của chùa là Thích Đàm Thu và Thích Đàm Đường có công nuôi dưỡng cán bộ cách mạng, nhà chùa là trụ sở hội họp của tổ chức bí mật Việt Minh. Nhân dân quận Hai Bà Trưng tự hào vì quận được mang tên 2 vị anh hùng dân tộc và có chùa Viên Minh thờ phụng Hai Bà. Thế nhưng sự "vô cảm" của chính quyền đã đẩy nhà chùa phải vào hành trình đi tìm công lí kéo dài hơn 30 năm đòi lại đất đai thuộc Di sản Văn hóa.

Cách đây 36 năm, ngày 14/7/1977 Sư tổ chùa Viên Minh là Thích Đàm Đường cho ông Nguyễn Văn Trang đại diện HTX Tiền Phong mượn khu đất sau chùa sát mặt phố 336, nay là phố Lê Gia Đỉnh (tổ hợp chuyên sản xuất quan tài). Hợp đồng mượn đất gồm 6 điều, trong đó Điều 2 và Điều 3 ghi rõ "Thời hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày 1/1/1977 đến 31/12/1980. Hết hợp đồng nếu HTX Tiền Phong tiếp tục mượn đất của đền Hai Bà Trưng, hai bên sẽ làm tiếp hợp đồng".

HTX Tiền Phong không trả lại đất còn tùy tiện chia thành nhiều ki-ốt cho một số hộ kinh doanh phụ tùng ô-tô thuê chiếm đoạt đất của Di tích Lịch sử Quốc gia. Trước hành vi "lật lọng" hợp đồng của HTX Tiền Phong, năm 1981 nhà chùa đã làm nhiều đơn gửi chính quyền các cấp đề nghị HTX Tiền Phong trả lại đất. Hành trình khiếu nại kéo dài liên tục hơn 30 năm, nhưng không được sự quan tâm của chính quyền các cấp. 

 Hợp đồng chùa Viên Minh cho HTX Tiền Phong mượn đất.

Việc buông lỏng chức năng quản lí Nhà nước của chính quyền phường Đồng Nhân và quận Hai Bà Trưng đối với đất chùa Viên Minh (diện tích cho mượn không đòi được và diện tích xung quanh chùa), vô tình tiếp tay cho hàng trăm hộ dân tiếp tục lấn chiếm đất của Di tích Lịch sử, xây dựng nhà cao tầng ngay trong khu vực bất khả xâm phạm của Di tích, vi phạm Điều 32 Luật Di sản Văn hóa. Kết luận Thanh tra số 2161/KLTT(P3) của Thanh tra thành phố Hà Nội xác nhận có 39 hộ dân lấn chiếm di tích xây dựng nhà cao tầng trong khu vực bất khả xâm phạm của Di tích Lịch sử, hơn 200 hộ dân xây dựng nhà 3 - 4 tầng trong khu vực 2 (xây dựng phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa). Tháng 4/2009 sư trụ trì chùa Viên Minh có đơn gửi TAND quận Hai Bà Trưng khởi kiện HTX Tiền Phong, đòi lại đất cho Di tích Lịch sử Quốc gia. TAND quận Hai Bà Trưng nhận đơn khởi kiện nhưng vòng vo, trì hoãn suốt 2 năm, không đưa ra xét xử. Ngày 30/6/2011 Tòa ra quyết định số 10/2011/QĐST-DS đình chỉ vụ án trả lại đơn khởi kiện vì "Nhà chùa không có quyền khởi kiện mà quyền khởi kiện thuộc UBND quận Hai Bà Trưng".

Ngày 31/8/2011 TAND thành phố Hà Nội cũng có quyết định số 166/2011/QĐ-PT giữ nguyên quyết định đình chỉ. Lí do TAND thành phố Hà Nội và TAND quận Hai Bà Trưng căn cứ bởi nội dung công văn số 1202/UBND-VP ngày 1/10/2010 của UBND quận Hai Bà Trưng, trả lời TAND quận, viện dẫn 3 quyết định của UBND và HĐND thành phố (quyết định số 2681/QĐ-UB ngày 7/6/1988; quyết định số 08/2006/NQ-HĐND ngày 22/7/2006; quyết định số 51/2008/QĐ-UBND ngày 16/12/2008), chỉ rõ cụm di tích đình - đền - chùa Viên Minh do UBND quận Hai Bà Trưng quản lí toàn diện bao gồm thẩm quyền quyết định đầu tư, quản lí, tu bổ, tôn tạo…

Quyết định của TAND quận Hai Bà Trưng còn viện dẫn quyết định bổ nhiệm trụ trì số 64/QĐ-PG ngày 18/8/2008 của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội, trong đó nêu: "Ni sư Thích Đàm Vinh có trách nhiệm hành đạo, quản lí tự viện…" để tước quyền công dân của ni sư Thích Đàm Vinh, không được thay mặt nhà chùa đòi lại đất cho Di tích Lịch sử. Việc làm này của TAND quận Hai Bà Trưng vi phạm khoản 4 Điều 9 Luật Đất đai năm 2003: "Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, hoặc giao đất". Ni sư Thích Đàm Vinh là một công dân, trụ trì chùa, có trách nhiệm bảo vệ tài sản, đất đai của nhà chùa. Ni sư đòi đất nhà chùa đã cho ông Nguyễn Văn Trang mượn là đúng pháp luật.

Nếu TAND Hai Bà Trưng và UBND thành phố Hà Nội khẳng định trách nhiệm quản lí di tích là UBND quận Hai Bà Trưng, vậy tại sao suốt hơn 30 năm qua UBND hai cấp không đòi lại đất chùa bị HTX Tiền Phong mượn rồi chiếm luôn?

Hiện nhà chùa đã có đơn khiếu nại gửi TAND Tối cao đề nghị kháng nghị và xem xét lại quyết định của TAND thành phố Hà Nội theo trình tự giám đốc thẩm. Ủy ban Tư pháp Quốc hội có công văn số 4323/UBTP12 ngày 13/10/2010 gửi các cơ quan có trách nhiệm yêu cầu xem xét lại. Thiết nghĩ, TAND Tối cao bằng trách nhiệm của mình khẩn trương xem xét và trả lời cho chùa Viên Minh, để nhà chùa sớm đòi lại được đất đai tài sản của Di sản Văn hóa.

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU

Theo Người Cao Tuổi

Bình luận(0)