Có tâm công đức thì không nên phô trương

Google News

Việc phát tâm công đức với các chùa là từ cái tâm là chính, không nên khoe khoang và phô trương tên tuổi của mình thái quá.

Phật tử nếu có tấm lòng thành tâm muốn đóng góp cho sự phát triển của Giáo hội dù bằng hình thức nào thì không nên có những việc làm phô trương, khoe khoang về những gì mình đã làm bởi như thế công đức mình tích lũy bao lâu nay sẽ bị hao mòn, để lại điều tiếng không hay.

Mấy ngày qua, dư luận xã hội đang sôi nổi bàn tán về những ngồi chùa mang tên Trầm Bê ở Trà Vinh. Gọi là “chùa Trầm Bê” vì những ngôi chùa sau khi được ông Trầm Bê - một doanh nhân thành đạt ở lĩnh vực tài chính ngân hàng – bỏ kinh phí trung tu, sửa chữa đã được đổi thành tên ông theo cách gọi miệng của người dân ở Trà Vinh do cổng chùa có những bảng biển có nội dung như “gia đình ông Trầm Bê xây dựng…”.


Không chỉ có vậy, hình ảnh của gia đình ông được trưng bày công khai ở những chỗ dễ nhìn nhất, tôn nghiêm nhất ở chùa, thậm chí ở ngay chính điện, với những khung hình cỡ lớn giống phong cách của các gia đình vua chúa hay bậc quý tộc vẫn treo trong nhà mình. Nhưng đây không phải là nhà của gia đình ông Trầm Bê mà là nơi thờ tự, nơi tôn nghiêm nên việc treo các bức tranh gia đình ông Trầm Bê ở đây đã gây ra phản cảm rất nhiều tới các phật tử và người dân trên cả nước khi biết đến thông tin này.

Sư cả một ngôi chùa được ông Trầm Bê bỏ tiền tu sửa, nâng cấp cũng cho rằng, nhiều phật tử đến chùa bất ngờ, không hài lòng về điều này nhưng vì “thí chủ cúng dường quá lớn nên không dám nói, sợ thí chủ buồn lòng”. Còn về phía ông Trầm Bê khi trả lời về việc treo ảnh gia đình trong chùa liệu có gây phản cảm và phản ứng của dư luận không, ông Trầm Bê cho biết phần đông là đồng thuận với việc làm này.

Không biết phần đông những người mà ông Trầm Bê cho rằng đồng thuận với việc ông treo ảnh gia đình ở nơi thờ tự có thật không nhưng dư luận xã hội và báo chí đang có những phản ứng rất nhiều về sự việc này. Việc ông treo ảnh gia đình ở chính điện trong chùa chẳng khác nào ông muốn người đi lễ chùa phải tôn thờ mọi người trong gia đình ông?

TT.Thích Nhật Từ - Hiệu phó Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM cũng cho rằng, trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cũng chưa từng có hiện tượng này. Ngày trước, ngay cả vua chúa khi đóng góp xây dựng chùa chiền cũng chỉ có một tấm bia hay bảng tên ghi nhận tên của người đóng góp gắn ở mặt sau chùa để không ảnh hưởng đến hình ảnh Phật, ghi nhận bằng những phiếu công đức.

Thiết nghĩ, việc phát tâm công đức với các chùa là từ cái tâm là chính, không nên khoe khoang và phô trương tên tuổi của mình thái quá như vậy, cần trả lại không gian tôn nghiêm cho các chùa.

TIN BÀI LIÊN QUAN:














BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Theo Phật giáo Việt Nam

Bình luận(0)