Những nghi vấn sai chữ Hán “kinh điển” chốn tôn nghiêm

Google News

(Kiến Thức) – Những nghi vấn viết sai chữ  trên hoành phi, câu đối, đại tự tại chốn linh thiêng như: đền, đình, chùa, miếu…luôn là đề tài thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. 

Viết sai chữ Hán ở Đền Hùng?

Mới đây, độc giả Trần Văn Sinh, 73 tuổi, thành viên lớp thư pháp Chùa Hoằng Ân (Quảng Bá, Hà Nội) đã phản ánh trên báo Vietnam+ về lỗi Hán tự không đáng có trên bức hoành phi “Triệu Tổ Nam Bang” ở Đền Trung, trong quần thể di tích Đền Hùng thuộc thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Theo chia sẻ của bác Sinh, bức hoành phi “Triệu Tổ Nam Bang” ở nhà Đại Bái đền Trung, nhìn từ ngoài vào thì nằm bên tay trái. Chữ “Tổ” thừa một nét. Chữ đúng thì chỉ có nét phẩy ở dưới, hoàn toàn không có nét phẩy ở trên (xem ảnh). Nếu chỉ cần thêm một nét thì chữ sai hoàn toàn.

 Bức hoành phi ở Đền Trung, được đọc từ phải qua là “Triệu Tổ Nam Bang”. Chữ “Tổ” được khoanh tròn, nét thừa có mũi tên. (Ảnh: Chụp ngày 13/3/2013, do ông Sinh cung cấp/Vietnam+). 

Bác Sinh cho biết, toàn bộ các bức hoành phi ở Đền Hùng từ xưa hoàn toàn là chữ Hán hết, và được viết theo lối “Chân thư,” tức là đòi hỏi sự chân thực, nghiêm cẩn cao độ. Viết sai như vậy là bất thành văn, vô cùng nguy hiểm.

Giảng viên Bộ môn Hán Nôm, thạc sĩ Đinh Thanh Hiếu (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) phân tích trên Vietnam+: “Bốn chữ đó đúng là "Triệu Tổ Nam Bang". Hai chữ "Triệu", "Tổ" bị viết sai so với chữ chuẩn. Chữ "Triệu" bộ Duật bị viết sai, thiếu nét xổ xuống; còn chữ "Tổ" thì bị thừa nét, đáng là bộ Kỳ thì lại bị viết thành bộ Y. Ở đây, chữ "Tổ" thì rõ là sai rồi, vì thêm một nét thì nó đã chuyển thành bộ khác. Chữ "Tổ" bộ Kỳ là đúng, nhưng bị viết nhầm thành bộ Y, thì cũng là sai. Thực tế người ta vẫn có thể luận ra được là chữ gì và nội dung nói về vấn đề gì. Nhưng đúng là cách viết chữ "Tổ" sai”.

Về vấn đề này, đại diện Ban quản lý di tích Đền Hùng cho biết, những bức hoành phi cổ đã có từ ngày xưa, không sửa chữa gì mà chỉ sơn thếp lại khi tu sửa. Trong quá trình tu sửa, Ban quản lý cũng đã nhờ Hội đồng khoa học Viện Hán Nôm xem xét thẩm định và đã báo cáo Hội đồng khoa học của Bộ Văn hóa.

Thừa nhận là những người thuộc thế hệ hậu sinh, không am hiểu sâu sắc về chữ Hán, các vị trong ban quản lý đền ghi nhận sự góp ý của người dân và sẽ nhờ các nhà khoa học, nhà chuyên môn trong lĩnh vực Hán Nôm giúp đỡ, thẩm định.

Đền Mẫu Âu Cơ cũng vướng nghi vấn sai chữ

Việc sai sót về Hán tự trên các bức hoành phi, câu đối không phải hiện tượng hiếm gặp. Cũng theo phát hiện của bác Trần Văn Sinh, ở bức đại tự ở Đền Mẫu Âu Cơ xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ cũng xảy ra hiện tượng này. Không chỉ có vậy, một bộ hoành phi câu đối tại Đền Mẫu bị đặt sai vị trí của hai vế đối.

Theo đó, bức đại tự thứ hai tại Đền Mẫu Âu Cơ (tính từ ngoài vào) bao gồm bốn chữ “Quyết Sơ Dân Sinh”, chữ “Sơ” (chữ thứ hai từ phải sang trên bức đại tự) bị viết thiếu một nét phẩy. Với Hán tự, viết sai như vậy là bất thành văn.

 Chữ "Sơ" (chữ thứ hai từ trái qua phải) bị viết sai (Ảnh chụp ngày 16/3/2013: PV/Vietnam+).

Cùng với đó, bác Sinh cũng cho biết, bộ hoành phi câu đối đặt ở bên trái bức đại tự nói trên (nhìn từ ngoài vào) bị đặt sai vị trí của hai vế đối. Cụ thể, thạc sĩ Nguyễn Thanh Diên phân tích: “Theo luật đối liễn, khi nhìn trực diện, vế đối “Hách Hách Quyết Chiêu Độ Thanh Trạch” kết thúc bằng thanh trắc thì phải đặt ở bên phải; vế “Dương Dương Tại Ngưỡng Linh Thượng Quang” kết thúc là thanh bằng phải đặt bên trái. Thế nhưng, tại đền Mẫu, hai vế đó bị đặt nhầm vị trí của nhau”.  

 Hai vế đối treo sai vị trí so với luật bằng-trắc của câu đối chữ Hán. (Ảnh Vietnam+)

“Các văn bản chữ Hán phải được đọc theo quy tắc từ trên xuống dưới và từ trái qua phải. Theo đó, bộ câu đối đó khi đọc đúng thứ tự sẽ là: “Dương Dương Tại Ngưỡng Linh Thượng Quang/Hách Hách Quyết Chiêu Độ Thanh Trạch”. Tuy nhiên, với cách treo vế đối ngược vị trí như bây giờ, nếu theo đúng trình tự trên thì câu đối sẽ được đọc là: “Hách Hách Quyết Chiêu Độ Thanh Trạch/ Dương Dương Tại Ngưỡng Linh Thượng Quang’ và như vậy là sai”,  thạc sĩ Nguyễn Thanh Diên Nguyễn Thanh Diên, cho hay.

Lật lại chuyện cũ...

Quanh việc viết sai chữ Hán ở chốn linh thiêng như đền, chùa, đình, miếu… có nhiều câu chuyện rất bi hài. Trong bài viết “Nơi tôn nghiêm, chữ nghĩa sao có thể” đăng trên báo An ninh thế giới ngày 1/12/2010, tác giả Lê Trung Đản kể lại lần đến tham quan ngôi đền ở Sóc Sơn. Ở đó có đôi câu đối viết bằng chữ Nôm (trích một vế): "Kim thiên Hồ Bác bình Tây Mỹ", ý nói: Ngày nay Bác Hồ đánh đuổi quân Tây, quân Mỹ. Chữ Nôm là do ông cha ta sáng tạo ra, và người viết phải tuân thủ theo ngữ pháp của tiếng Việt. Không thể viết Hồ Bác, mà phải viết là Bác Hồ. Hơn nữa, chữ Hồ, lại viết nhầm thành chữ Triều, trong từ triều đình; một âm là Triêu, nghĩa là buổi sớm.

Thêm một câu chuyện khác, là sau lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, Trung đoàn Thủ đô vừa được thành lập đã chiến đấu kiên cường giam chân quân Pháp trong 60 ngày đêm giữa lòng Hà Nội để Trung ương Đảng và Chính phủ rút lên chiến khu Việt Bắc an toàn. Ngay trong dịp Tết Đinh Hợi 1947, Bác Hồ đã viết thư khen ngợi Trung đoàn với câu nói nổi tiếng: "…Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".

Để ghi dấu sự kiện quan trọng này, năm 1984, tượng đài "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" đã được dựng bên cạnh đền Bà Kiệu, hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Về tượng đài này cũng có nhiều ý kiến tranh luận. Các cụ từng là chiến sĩ của Trung đoàn Thủ đô quả quyết rằng, họ chưa bao giờ thề là cảm tử mà chỉ thề quyết tử mà thôi. Còn một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Hán Nôm thì cho rằng, sắc thái biểu cảm của chữ Quyết mạnh mẽ hơn chữ Cảm. Nghĩa ban đầu của chữ Quyết là vỡ đê. Mà thế nước vỡ đê thường tạo ra cơn hồng thủy, vốn được xếp hàng đầu trong bốn đại họa: thủy, hỏa, đạo, tặc.

Thêm nữa, tại một ngôi chùa ở Hà Nội, dưới bức ảnh Đức Phật Thích Ca, người ta treo bài thơ "Tương tiến tửu" (Mời uống rượu) của Lý Bạch. Bài thơ Đường nổi tiếng "Tương tiến tửu", có câu: Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch. Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh (Xưa nay các bậc thánh hiền đều mờ mịt. Chỉ có kẻ uống rượu là danh vẫn để đời). Trong đạo Phật, ai cũng biết Ngũ giới (năm điều cấm) là: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói càn, không uống rượu. Hẳn là nhà chùa không biết nên mới để câu thơ khuyến khích uống rượu dưới Đức Phật Thích Ca.

Để xảy ra tình trạng sai sót hoành phi, câu đối, đại tự có rất nhiều nguyên nhân, xuất phát từ nhiều phía. Tuy vậy, coi nhẹ khâu thẩm định, giám sát trong suốt quá trình tạc chữ để xảy ra nhầm lẫn, mắc lỗi sai, nhất là ở các chốn tôn nghiêm là điều không đáng có.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:

Anh Tuấn (tổng hợp)

Bình luận(0)