Tại sao Nga cần Crimea?
Điểm nóng trong cuộc khủng hoảng Ukraine đã chuyển từ Kiev tới bán đảo Crimea, một góc nhỏ và xa xôi trên bản đồ lãnh thổ Ukraine. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, việc mất quyền kiểm soát để phong trào biểu tình tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev lật đổ
chính quyền Yanukovych bị cho là thất bại lớn nhất đối với Tổng thống Nga Putin. Do đó, hiện nay không khó hiểu khi Moscow đang hết sức nỗ lực để giữ quyền kiểm soát tại khu vực mà Nga có lợi ích cốt lõi. Bởi giữ được
Crimea không chỉ là giữ chỗ đứng chân cho Hạm đội Biển Đen của Nga mà còn có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với Nga.
|
Tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga tại Sevastopol.
|
Trong suốt 230 năm qua, Hạm đội Biển Đen thuộc Hải quân Nga đã duy trì căn cứ ở thành phố Sevastopol - thành phố lớn nhất của Crimea từ thời Catherine Đại đế (năm 1783 sau khi đế chế Ottoman nhượng lại bán đảo này cho Nga). Các tàu chiến và tàu ngầm neo tại đây nằm ngay phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ và là cửa ngõ cho Quân đội Nga tiếp cận với Địa Trung Hải cũng như Ấn Độ Dương nhằm gây ảnh hưởng đến Trung Đông và Balkans.
Hiện Nga duy trì khoảng 15.000 thủy thủ và
binh lính thuộc Hạm đội Biển Đen đóng quân lâu dài tại 3 căn cứ trong và ngoài Sevastopol. Do đó, Sevastopol có một tầm quan trọng rõ ràng đối với Nga. Theo thỏa thuận năm 1997 giữa Kiev và Moscow, Nga được thuê quân cảng này trong vòng 20 năm, tức là đến năm 2017. Năm 2010, Moscow đã dùng một thỏa thuận về khí đốt để đổi lấy việc gia hạn thuê căn cứ hải quân tại đây. Tháng 4/2010, Tổng thống mới bị lật đổ Viktor Yanukovych đã chấp nhận gia hạn thời gian Nga có thể đóng quân tại căn cứ ở Sevastopol đến năm 2042.
Chưa hết, trong tiềm thức của người Nga, Sevastopol là một thành phố anh hùng - biểu tượng cho chiến thắng oanh liệt của Nga trước phát xít Đức. Thành phố này đã trụ vững trước những cuộc vây hãm và đánh phá khốc liệt của các thế lực phương Tây, đầu tiên là Anh, rồi đến Pháp trong cuộc chiến Crime vào thập niên 1850, và sau đó là quân đội Đức Quốc xã trong giai đoạn 1941-1942.
Trên thực tế, Nga có lợi ích tại
bán đảo Crimea nói chung đã hàng trăm năm qua bởi những vùng đất nông nghiệp màu mỡ và địa thế bên bờ Biển Đen chiến lược của khu vực này. Crimea cũng được cho là khu vực “Nga nhất” của Ukraine. Phần lớn dân số Crimea là người gốc Nga. Theo Viện xã hội quốc tế Kiev, 97% người Crimea nói tiếng Nga và chỉ có 10% tuyên bố coi tiếng Ukraine là ngôn ngữ mẹ đẻ.
Hiện tại, ở đây có 3 cộng đồng chính: người Ukraine (20%, sống ở miền Bắc), người Nga (58%, sống ở miền Nam) và người Hồi giáo Tatar (12%, sống ở miền Trung).
Từ tất cả những nguyên cớ trên, việc Moscow kiên quyết giữ Crimea trong vòng kiểm soát là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi nếu mất Crimea về tay phương Tây, không những Hạm đội Biển Đen của Nga mất chỗ đứng mà chính quyền cũng sẽ “khó ăn khó nói” với người dân. Và đây rõ ràng chính là thất bại lớn nhất của Tổng thống Putin.
Tương lai Crimea trở thành một phần của Nga được chấp nhận?
Đài phát thanh Tiếng nói nước Nga mới đây dẫn nhận định của nhà phân tích Andrew Korybko nhấn mạnh: Crimea đối với nước Nga cũng như Texas với nước Mỹ.
Do đó, nếu chấp nhận tình trạng hiện thời của Texas bất chấp nguồn gốc gây tranh cãi của vùng lãnh thổ này, thì họ cũng phải thừa nhận tình trạng tương lai của bản đảo Crimea, vì những gì diễn ra ở đây còn có nhiều tính chất “hợp pháp” hơn so với những gì từng xảy ra ở Texas 150 năm trước.
|
Hàng nghìn người dân bán đảo Crimea rầm rộ xuống đường biểu tình thể hiện quan điểm ủng hộ Nga, phản đối việc thay đổi chế độ ở Kiev, Ukraine
|
Ban đầu, Texas là một phần lãnh thổ Mexico trong giai đoạn 1821-1836. Trước khi giành độc lập, những người Mỹ ở vùng biên giới đã thực dân hóa khu vực này. Người Mỹ nhanh chóng chiếm ưu thế về dân số tại đây hơn so với người dân bản địa. Dần dần, họ kích động Texas tách khỏi Mexico và muốn sát nhập vào Mỹ. Texas rốt cuộc bị Mỹ "nuốt"vào năm 1846, và đây được cho là công cuộc mở rộng lãnh thổ lớn nhất trong lịch sử cường quốc số 1 thế giới.
Những gì diễn ra ở Crimea mang màu sắc của Texas trong quá khứ song cũng có những điều khác biệt. Điểm giống nhau là, hiện ở Crimea có nhiều người Nga hơn người bản địa Tatar (giống như có nhiều người Mỹ ở Texas hơn người Mexico). Tuy nhiên, đây không không phải là kết quả của quá trình di dân hàng loạt. Người Nga đã sống ở Crimea nhiều thế kỷ ngay cả trước khi Catherine Đại đế chiếm vùng này từ đế quốc Ottoman năm 1774.
Crimea cũng từng là một phần lãnh thổ của Nga cho tới tận năm 1954 sau khi bị chuyển nhượng lại cho Ukraine. Do đó, hiện tại, rất nhiều người Crimea mong muốn sáp nhập trở lại vào lãnh thổ Nga. Họ mơ ngày trở lại "đất mẹ" Nga và muốn bảo vệ thành phố quê hương chống lại những người dân tộc chủ nghĩa Ukraine. Hàng nghìn người mang theo cờ Nga rầm rộ xuống đường biểu tình phản đối chính phủ mới ở Kiev, ủng hộ Moscow. Nhiều hình ảnh được đăng tải chỉ ra rằng, hàng loạt người dân Crimea đã tỏ ra vô cùng vui mừng trước sự xuất hiện của binh lính Nga.
Nếu người Mỹ đã ồ ạt tràn vào Texas trong khoảng 15 năm, áp đảo dân địa phương và kích động chiến tranh đòi độc lập và sau đó, sát nhập vào Mỹ. Người dân Crimea không làm như vậy. Chính quyền Crimea đã tuyên bố tổ chức trưng cầu ý dân vào ngày 30/3 tới, thậm chí sớm hơn để quyết định tương lai của vùng đất và quy chế tự trị, điều đã không xảy ra ở Texas. Những gì xảy ra bằng máu và bom đạn ở Taxas có thể xảy ra một cách hòa bình ở Crimea. Do đó, nếu tình trạng của Texas được thừa nhận thì cũng sẽ có khả năng Crimea trở thành một phần của Nga trong tương lai.